1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Bất động sản “ấm” lên, cơ hội đẩy nhanh bán tài sản thế chấp, cầm cố

(Dân trí) - Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, nợ xấu hiện nay không còn là “cục máu đông” nữa mà trở thành “khối u”, ách tắc chính liên quan đến phát mãi tài sản thế chấp và cầm cố. Hiện, thị trường bất động sản đã ấm dần lên, do vậy khi phát mãi, bán các tài sản cầm cố cũng sẽ nhanh hơn.

Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) đã được Chính phủ trình Quốc hội ngay những phiên họp đầu tiên của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.

Bên lề kỳ họp, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TPHCM) đã có những trao đổi với báo chí về nội dung này:

Ông Trần Hoàng Ngân: Mấu chốt của việc xử lý nợ xấu là bảo vệ quyền lợi người gửi tiền (ảnh: Việt Hưng)
Ông Trần Hoàng Ngân: Mấu chốt của việc xử lý nợ xấu là bảo vệ quyền lợi người gửi tiền (ảnh: Việt Hưng)

Thưa ông, ngày 22/5 vừa rồi, Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu trong bối cảnh giải quyết nợ xấu vẫn còn khá gian nan. Xin cho biết quan điểm của ông về vấn đề này?

- Nợ xấu của Việt Nam đã phát sinh trong nhiều năm và đặc biệt từ khi khủng hoảng tài chính dẫn đến suy giảm kinh tế và suy thoái toàn cầu năm 2008. Nợ xấu phát sinh không chỉ ở Việt Nam mà còn ở hầu hết các nước khác, làm phá sản các công ty, kể cả các tập đoàn lớn trên thế giới.

Ở Việt Nam, giải pháp để xử lý nợ xấu cũng đã được bàn bạc nhiều năm và cụ thể thì chúng ta cũng đã có đề án để tái cơ cấu các tổ chức tín dụng rồi có đề án để xử lý nợ xấu từ năm 2002. Cho đến nay, nợ xấu đã xử lý được khoảng 50%, còn lại 50% chưa được xử lý.

Chúng ta đều nhận thấy rằng, nợ xấu hiện nay không còn là “cục máu đông” nữa mà trở thành “khối u”. Do đó, cần phải có các giải pháp để giải quyết triệt để vấn đề này để tránh trường hợp lây lan làm ách tắc thị trường tiền tệ.

Tôi nghĩ rằng, Nghị quyết về xử lý nợ xấu chỉ là nghị quyết mang tính tạm thời để giải quyết những vấn đề ách tắc do hệ thống luật pháp của chúng ta làm cản trở quá trình xử lý nợ xấu.

Ách tắc đó cụ thể là gì, thưa ông?

- Một trong những ách tắc đó là vấn đề liên quan đến phát mãi tài sản thế chấp và cầm cố.

Điều chúng ta thấy là hiện nay vay vốn ngân hàng không dễ. Tại sao chúng ta có dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, rồi cũng bàn đến vấn đề phải có Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp và vừa? Bởi vì doanh nghiệp đi tiếp cận vốn rất khó, phải có điều kiện, do đó tài sản thế chấp cầm cố vẫn là thứ để đảm bảo cho nợ xấu.

Câu hỏi đặt ra là xử lý tài sản đó như thế nào? Nếu chúng ta vẫn tiếp tục đi theo quy trình cũ, đi theo các bước như quy định cũ thì thời gian sẽ kéo dài, rất khó xử lý “khối u” nợ xấu đó. Vì thế, tôi cho rằng, Nghị quyết về xử lý nợ xấu sẽ giúp chúng ta điều chỉnh một số luật nhằm giúp quá trình xử lý tài sản nợ xấu, tài sản đảm bảo một cách nhanh chóng.

Nếu giải quyết tốt vấn đề này cũng sẽ tạo điều kiện tốt cho lưu thông tiền tệ. Và khi đó thị trường tiền tệ có cung vốn tăng lên, lãi suất có điều kiện giảm, từ đó tạo thêm năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Tinh thần của đại biểu Quốc hội là rất ủng hộ nhanh chóng xử lý nợ xấu. Mặt khác, thị trường bất động sản hiện nay đã ấm dần lên, do vậy khi phát mãi, bán các tài sản này cũng sẽ nhanh hơn.

Một điểm khác trong tư duy làm luật là chúng ta bảo vệ người yếu thế. Trong trường hợp này, người đi vay hay người cho vay là người yếu thế?

Thực chất, người cho vay không phải là người giàu có vì họ cũng là người đi vay nợ từ hàng nghìn người gửi tiền. Nếu ngân hàng phá sản sẽ ảnh hưởng tới hàng triệu người đang gửi tiền.

Vậy nên bảo vệ người cho vay không có nghĩa là bảo vệ người lợi thế hơn mà là bảo vệ cho sự an toàn của cả hệ thống ngân hàng, bảo vệ cho người gửi tiền, đó mới là vấn đề mấu chốt.

Có ý kiến cho rằng, dự thảo Nghị quyết chưa giải quyết được vấn đề căn cơ về định giá tài sản. Vậy theo ông, cần phải giải quyết vấn đề này như thế nào? Liệu rằng, khi ban hành Nghị quyết như vậy có điều gì trái luật hay không, thưa ông?

- Vì có những điều khoản trái luật nên mới phải ban hành Nghị quyết để điều chỉnh các luật không phù hợp với đề nghị của Ngân hàng Nhà nước.

Ngoài ra, để cho vay thì phải đảm bảo các nguyên tắc, đó là phải sử dụng vốn có mục đích và hiệu quả. Hơn nữa, vốn phải được hoàn trả nợ đúng hạn, đồng thời phải có tài sản thế chấp và cầm cố. Với những nguyên tắc này, khi cho vay thì ngân hàng đã lường trước được rủi ro.

Ở đây chúng ta thấy rằng, trong quá trình kinh doanh bao giờ cũng có rủi ro, vì vậy xác xuất rủi ro phải rất thấp thì ngân hàng mới cho vay, do đó người ta luôn chấp nhận một khoản nợ quá hạn ở mức 3% như nhiều quốc gia đang áp dụng.

Nếu như vấn đề xử lý tài sản thế chấp, cầm cố của người đi vay được xử lý một cách nhanh nhất thì người đi vay sẽ ý thức rằng “nếu mình không hoàn trả nợ đúng hạn thì tài sản mình sẽ mất”. Do đó, người ta sẽ có trách nhiệm hoàn trả với khoản vay của mình và hoàn trả đúng hạn tăng lên, từ đó góp phần giảm các khoản nợ quá hạn, nợ xấu trong thời gian tới.

Xin cảm ơn ông!

Bích Diệp (ghi)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm