1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Bắt đầu thực hiện thông quan điện tử

Hôm nay 29/7, Chi cục Hải quan điện tử TPHCM (thuộc Cục Hải quan TPHCM) chính thức ra mắt. Trước đó ngày 25/7, Chi cục Hải quan điện tử Hải Phòng cũng đã ra đời.

Ông Nguyễn Hữu Nghiệp - Trưởng phòng Nghiệp vụ Cục Hải quan TPHCM cho biết, ngày thực hiện thông quan điện tử phải dời đi, dời lại nhiều lần là do phải chờ Quyết định 149/2005/QĐ-TTg (thí điểm thực hiện thông quan điện tử ở Cục Hải quan TPHCM và Cục Hải quan Hải Phòng) có hiệu lực từ 11/7.

"Khi đó, bộ hồ sơ hải quan điện tử mới có giá trị về mặt pháp lý như hồ sơ hải quan giấy" - ông Nghiệp nói. Việc chuẩn bị về cơ sở hạ tầng, nhân sự đã được Cục Hải quan TPHCM tiến hành từ đầu năm 2005.

Quy trình thông quan điện tử tóm tắt như sau: DN khai báo và gửi thông tin qua mạng, hải quan tiếp nhận và thông báo lại. Nếu hàng hóa được phân vào luồng xanh (được thông quan ngay) thì nhân viên DN in tờ khai điện tử ra giấy và giám đốc DN ký tên đóng dấu, sau đó mang ra cảng để làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa.

Nếu hàng bị đưa vào luồng vàng, DN phải mang hồ sơ giấy lên Chi cục Hải quan điện tử để kiểm tra. Nếu hàng hóa bị đưa vào luồng đỏ thì nhân viên hải quan điện tử sẽ xuống cảng kiểm tra thực tế hàng hóa đó.

Chi cục Hải quan điện tử cũng vừa được thành lập đặt tại số 74 Hai Bà Trưng, Q.1 (TPHCM). 34 doanh nghiệp (DN) tham gia thực hiện thông quan điện tử đợt đầu được chọn ra trong số 500 DN có kim ngạch xuất nhập khẩu trên 1 triệu USD/năm, có quá trình chấp hành tốt Luật Hải quan và được Cục Thuế TPHCM xác nhận tình hình tài chính minh bạch.

Theo ông Nguyễn Hữu Nghiệp, khoảng 80% hàng hóa của DN thực hiện thông quan điện tử sẽ đi theo luồng xanh (tức được thông quan ngay). Đây là một phương pháp nhằm đẩy mạnh công tác kiểm tra sau thông quan.

Cơ quan hải quan sẽ quản lý DN theo quá trình chấp hành luật pháp thông qua những kênh thu thập thông tin, dữ liệu trong và ngoài nước thay vì quản lý thủ công theo từng lô hàng như biện pháp cũ.

Việc giảm tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa sẽ phần nào giảm được phiền hà, tiêu cực của nhân viên hải quan và giảm chi phí của DN. Việc kiểm tra hàng hóa của hải quan thực hiện theo xác suất ngẫu nhiên.

Bản thân các DN được chọn cũng sẵn sàng tham gia vào việc ứng dụng hệ thống khai báo hải quan mới này. Ông Phan Thanh Tịnh - Phó giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu y tế II cho biết: "Chúng tôi đã lắp đặt thêm một đường truyền Internet băng thông rộng riêng cho các nhân viên làm công tác khai báo hải quan để tránh việc nghẽn mạng.

Việc làm này sẽ giúp DN tiết kiệm được thời gian đi lại". Còn ở Công ty Công nghiệp cao su miền Nam (Casumina), công việc chuẩn bị cũng đã hoàn tất. "Chúng tôi đã có nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong việc áp dụng công nghệ thông tin như nối mạng các kho với nhau, quản lý hóa đơn bán hàng...

Lúc đầu cũng có trục trặc nhưng mọi việc sau đó đều ổn thỏa và kết quả đạt được như mình mong muốn. Tôi nghĩ thông quan điện tử cũng sẽ như vậy" - ông Lê Văn Trí, Phó giám đốc Casumina nói. Tuy nhiên theo ông Lê Văn Trí, do chữ ký điện tử hiện nay chưa có giá trị pháp lý nên quy trình thông quan điện tử vẫn chưa hoàn chỉnh.

Hiện đang có khá nhiều DN gửi đơn đề nghị Cục Hải quan TPHCM cho tham gia thông quan điện tử. Câu trả lời họ nhận được đều là "đến năm 2006, dù các anh chị không muốn thì hải quan chúng tôi cũng bắt buộc DN phải thực hiện theo phương thức này".

Theo Thanh niên