1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Bắt chủ tịch Tập đoàn đông nam dược Bảo Long: Kinh tế hay hình sự?

Vụ khởi tố, bắt chủ tịch Tập đoàn Đông Nam dược Bảo Long Nguyễn Hữu Khai về hành vi sử dụng trái phép tài sản đã gây xôn xao dư luận mấy ngày qua. Dưới góc nhìn pháp lý, một số chuyên gia đã trao đổi về vụ án này.

Như báo chí đã thông tin, chiều 15-6, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội đã thực hiện lệnh khám xét trụ sở Công ty TNHH Đông Nam Dược Bảo Long tại huyện Hóc Môn (TP.HCM). Trưa 16-6, cơ quan điều tra di lý ông Khai từ TP.HCM ra Hà Nội để phục vụ điều tra. Sáng 17-6, cơ quan điều tra thực hiện lệnh khám xét trụ sở Tập đoàn Bảo Long tại xã Cổ Đông (thị xã Sơn Tây)...

Từng kiện tụng ở tòa

Theo xác minh ban đầu của cơ quan chức năng, từ năm 2011 đến nay, ông Khai đã có hành vi chiếm giữ, sử dụng trái phép tài sản mà Tập đoàn Bảo Long đã bán cho Tập đoàn Bảo Sơn ở xã Cổ Đông. Cụ thể, Tập đoàn Bảo Sơn đã chuyển 227,5 tỉ đồng để mua cổ phần của các cổ đông tại Tập đoàn Bảo Long, phần góp vốn bổ sung của các cổ đông (với giá trị sinh lời tính đến ngày chuyển nhượng) cùng quyền sử dụng hơn 53.000 m2 đất, tài sản hình thành trên đất.

Tuy nhiên, sau đó ông Khai với tư cách là chủ tịch Tập đoàn Bảo Long đã không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng chuyển nhượng giữa hai bên. Theo đánh giá của cơ quan điều tra, việc ông Khai chiếm giữ những tài sản đã bán này gây ra nhiều thiệt hại cho Tập đoàn Bảo Sơn cũng như làm nảy sinh nhiều vấn đề về an ninh trật tự trên địa bàn trong một thời gian dài.

Tranh chấp, tháng 11-2011, ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Bảo Sơn, đã khởi kiện ông Khai và Tập đoàn Bảo Long ra TAND TP Hà Nội. Đến tháng 4-2012, nguyên đơn rút đơn kiện với lý do là để có thời gian củng cố thêm tài liệu, chứng cứ phục vụ việc giải quyết án và có thêm thời gian thỏa thuận với bị đơn nên TAND TP Hà Nội đã đình chỉ giải quyết vụ án.

Ông Nguyễn Hữu Khai (áo trắng) bị cơ quan điều tra di lý về Hà Nội ngày 16-6.
Ông Nguyễn Hữu Khai (áo trắng) bị cơ quan điều tra di lý về Hà Nội ngày 16-6.

Xử hình sự được không?

Trong vụ chuyển nhượng này, hai tập đoàn có làm hợp đồng (gồm sáu trang). Hợp đồng khá sơ sài, thậm chí còn không có điều khoản nào quy định về hành vi nào bị coi là vi phạm hợp đồng, phải chịu phạt ra sao, phải khắc phục thế nào. Cạnh đó, trong hợp đồng cũng không thể hiện việctđại hội đồng cổ đông của hai tập đoàn có thông qua việc chuyển nhượng này hay không (theo Luật Doanh nghiệp thì việc mua bán, chuyển nhượng những tài sản lớn như nhà xưởng, đất đai phải có sự nhất trí của đại hội đồng cổ đông, thể hiện ở biên bản họp).

Theo một thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM, điều đáng lưu ý là vụ chuyển nhượng tài sản này có hợp đồng cụ thể, dù sơ sài hay chưa đúng luật (nếu có) đi chăng nữa thì vẫn là một hợp đồng “giấy trắng mực đen” hẳn hoi. Khi hai bên xảy ra tranh chấp xung quanh việc thực hiện hợp đồng thì đây là tranh chấp kinh tế và nếu một trong hai bên khởi kiện ra tòa thì Tòa Kinh tế sẽ thụ lý, giải quyết. Lúc đó, tòa sẽ xác định hợp đồng có vô hiệu hay không, công nhận hay hủy bỏ hợp đồng, chấp nhận hay bác bỏ yêu cầu của nguyên đơn, xác định lỗi của các bên để tính mức bồi thường thiệt hại… Cạnh đó, trong quá trình giải quyết, nếu đương sự yêu cầu, tòa có thể ban hành quyết định ngăn chặn sự chuyển dịch hay sử dụng các tài sản này.

Vị thẩm phán này nhấn mạnh: “Việc ký hợp đồng rồi không thực hiện nếu có tranh chấp vì lý do nào cũng phải được giải quyết bằng tòa kinh tế, dân sự chứ không phải bằng hình sự. Trước đây, chúng ta đã từng có một số kinh nghiệm sâu sắc về việc hình sự hóa một số án kinh tế, gây thiệt thòi cho các chủ doanh nghiệp”.

Ở một khía khác, không bàn về nội dung tranh chấp, Thẩm phán Vũ Phi Long (Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM) chỉ nhận xét về mặt pháp lý của tội sử dụng trái phép tài sản (Điều 142 BLHS) mà cơ quan điều tra áp dụng để khởi tố ông Khai.

Theo Thẩm phán Long, yếu tố bắt buộc của tội này phải có là hành vi sử dụng tài sản mà không được phép của chủ tài sản hoặc được phép nhưng vượt quá phạm vi cho phép, xâm phạm đến quyền về tài sản trong một khoảng thời gian nhất định. Thẩm phán Long cũng nhấn mạnh cần phân biệt rõ “sử dụng” hoàn toàn khác với khái niệm “chiếm đoạt”, “chiếm hữu” tài sản bởi người chủ tài sản không bị mất đi quyền sở hữu của mình mà tạm thời giá trị sử dụng tài sản bị lạm dụng. Việc sử dụng trái phép phải hội đủ điều kiện là giá trị tài sản sử dụng phải trên 50 triệu đồng và phải gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc hành vi đó đã bị xử lý hành chính. Thiếu một trong hai yếu tố thì không cấu thành tội này. Như vậy, muốn xử lý hình sự ông Khai thì cơ quan điều tra phải làm rõ và chứng minh được các dấu hiệu của cấu thành tội phạm nói trên.

Theo Ái Minh - Nguyễn Dân
Pháp luật TP.HCM

Chúng tôi sẽ khiếu nại tới cùng

Gia đình tôi bị sốc vì không nghĩ mọi chuyện lại xảy ra đến mức này. Tập đoàn Bảo Long chưa bàn giao tài sản cho phía Bảo Sơn bởi Bảo Sơn chưa thanh toán hết tiền cho Bảo Long như những điều khoản trong hợp đồng đã ký. Mặt khác, giữa hai bên cũng chưa thống nhất được về việc định giá toàn bộ giá trị tài sản chuyển nhượng, đặc biệt là giá trị của số vốn và các cổ phần. Mọi sự vẫn chưa giải quyết xong, cần được tòa phân xử nhưng cơ quan điều tra đã vào cuộc bắt cha tôi. Điều đó gây ảnh hưởng đến các cổ đông cũng như tâm lý cho các cán bộ, nhân viên của Bảo Long và thành viên gia đình tôi. Gia đình tôi khẳng định đây là một vụ hình sự hóa quan hệ kinh tế và sẽ quyết tâm khiếu nại tới cùng.

Ông NGUYỄN HỮU TRƯỜNG,
Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đông Nam dược Bảo Long - Chi nhánh Sài Gòn (con trai ông Nguyễn Hữu Khai)

Nhân viên Bảo Long “kêu cứu”

Những nhân viên này cho biết tranh chấp giữa Bảo Long và Bảo Sơn đã diễn ra trong hai năm qua. Nhiều đoàn kiểm tra, thanh tra và công an đã về làm việc  và cho biết vụ việc này chỉ là tranh chấp kinh tế…

 

Một số vụ hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự

Tháng 4-2013, VKSND tỉnh Quảng Bình đã tổ chức công khai xin lỗi vì đã khởi tố, bắt tạm giam oan đối với bà Trần Thị Tiểu Minh (giám đốc DNTN Vàng bạc Ý Nhật, chủ tiệm vàng IYK ở TP Đồng Hới). Sự vụ liên quan đến việc thanh toán nợ nần giữa bà Minh với một người cùng làm ăn chung. Chỉ căn cứ vào giấy vay tiền viết tay, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Bình đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Minh (đều được VKS tỉnh phê chuẩn) về tội cưỡng đoạt tài sản. Sau 48 ngày tạm giam, căn cứ trên kết quả điều tra, VKS kết luận hành vi của bà Minh không cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản.

Tháng 1-2013, VKSND tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức xin lỗi công khai ông Đinh Quang Điền (giám đốc Công ty TNHH Quang Điền) vì làm oan ông. Cụ thể, từ một lá đơn nặc danh vu vơ tố cáo ông Điền lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tháng 6-2011, Cơ quan CSĐT Công an TP Buôn Ma Thuột đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Điền và được VKS phê chuẩn. Ông Điền trở thành bị can 473 ngày, trong đó bị tạm giam 240 ngày, sau đó được kết luận là bị oan và trả tự do.

Trước đó, năm 2011, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Phước khởi tố ông Trần Văn Thìn (giám đốc Công ty TNHH Đông Nam Long, TP.HCM) về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản nhưng VKS tỉnh này không phê chuẩn với lý do vụ việc chỉ là tranh chấp dân sự giữa ông Thìn và bà Nguyễn Thị Thanh Tuyền (vợ cũ). Tiếp đó, tháng 5-2012, ông Thìn lại bị Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) khởi tố, bắt tạm giam về hành vi làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên, VKSND Tối cao đã không phê chuẩn các quyết định này.

Theo hồ sơ, năm 2001, ông Thìn và bà Tuyền thống nhất mỗi người góp 50% vốn để thành lập Công ty Đông Nam Long do ông Thìn làm giám đốc. Công ty đã đầu tư trồng mới hơn 568 ha cao su tại huyện Lộc Ninh (Bình Phước). Năm 2006, hai người kết hôn nhưng sau đó ly hôn. Hội đồng thành viên của công ty họp thống nhất chia tài sản. Năm 2011, bà Tuyền tố cáo ông Thìn về hành vi giả mạo chữ ký, nâng khống vốn điều lệ, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản...

Một trường hợp hình sự hóa quan hệ kinh tế khác là tranh chấp công nợ giữa Công ty Thành Luân (Nam Định) và Công ty Tân Á liên quan đến hợp đồng đại lý. Trong lúc hai bên đang giải quyết nợ nần thì điều tra viên nhận được tố cáo của phía Tân Á nên vào cuộc, “tạm giữ” 100 triệu đồng của Thành Luân rồi giao cho Tân Á. Khi hai bên đã thống nhất “không còn nợ gì nhau”, cơ quan điều tra lại khởi tố ông Nguyễn Văn Lượng (giám đốc Công ty Thành Luân) và được VKSND Tối cao phê chuẩn. Sau đó, VKSND Tối cao phải đình chỉ giải quyết vụ án.

ÁI MINH

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm