Bất chấp lo ngại môi trường, Ghana tiến hành thỏa thuận bô xít trị giá 2 tỷ USD với Trung Quốc
(Dân trí) - Bắc Kinh sẽ cung cấp quỹ cơ sở hạ tầng, tài trợ và xóa nợ cho quốc gia Tây Phi này để đổi lấy quặng bô xít – một nguyên liệu quan trọng cho sản xuất nhôm.
Ghana đang tiến hành một thỏa thuận trị giá 2 tỷ USD gây tranh cãi. Với thỏa thuận này, Trung Quốc sẽ xây dựng các con đường và cây cầu tại Ghana, đổi lại Ghana sẽ cho phép Trung Quốc được khai thác quặng bô xít ở một phần địa phận thuộc rừng nhiệt đới Thượng Phi của quốc gia này.
“Bắc Kinh đã giải ngân một khoản tiền đầu tiên trị giá 649 triệu USD theo thỏa thuận Sinohydro”, Phó Chủ tịch Ghana, Mahamudu Bawumia cho biết vào hôm thứ Hai vừa qua.
“Thỏa thuận này cũng bao gồm khoản tài trợ 300 triệu nhân dân tệ (42,7 triệu USD) và xóa nợ trị giá 35,7 triệu USD để giúp phát triển cơ sở hạ tầng Ghana”, ông nói.
Ông Bawumia còn chia sẻ thêm, Trung Quốc cũng sẽ góp phần giúp đỡ cải thiện các kỹ năng, kiến thức cho công nhân Ghana thông qua các chương trình đào tạo kỹ thuật và dạy nghề.
Sau cuộc hội đàm với Phó Thủ tướng Trung Quốc Sun Chunlan tại Accra, thủ đô Ghana, vào ngày 10 và 11/11, ông Bawumia cho biết bốn dự án xây dựng đường bộ trong giai đoạn đầu của thỏa thuận đã được Tập đoàn Bảo hiểm Xuất khẩu và Tín dụng Trung Quốc phê duyệt, dự án này được gọi là Sinenses.
Ông Bawumia nói “Về cơ bản, chúng tôi hy vọng phần còn lại sẽ được tiến hành vào tháng 3 năm 2020”
Tổng thống Ghana Nana, Akufo-Addo, người đã kí thỏa thuận dự án với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - Châu Phi tại Bắc Kinh vào tháng 9 năm 2018 cho biết, ông đã hy vọng rằng sáu dự án còn lại, được đánh giá bởi Sinenses, sẽ được phê duyệt vào cuối năm nay.
Chính phủ Ghana đã vấp phải rất nhiều những lời chỉ trích từ các nhà bảo tồn thiên nhiên, họ nói rằng khai thác bô xít - một loại quặng bằng nhôm dùng để sản xuất các bộ phận từ máy bay đến dụng cụ nhà bếp - sẽ phá hủy hệ sinh thái của khu rừng Atewa rộng 233 km2 ở phía đông nam Ghana.
Atewa là một phần của Rừng nhiệt đới Guinean, đây là một hệ sinh thái quan trọng của quốc gia này, theo Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên. Quặng sẽ được khai thác gần với đầu nguồn của ba con sông lớn, nơi cung cấp nước cho 5 triệu người dân sinh sống.
Trung Quốc là khách hàng lớn nhất đối với việc khai thác khoáng sản tại Châu Phi. Cường quốc châu Á này đã đầu tư hàng tỷ USD vào các hoạt động khai thác trên khắp lục địa.
Theo một nghiên cứu từ Sáng kiến Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc tại Trường Nghiên cứu Quốc tế tiên tiến Johns Hopkins tại Washington, các mặt hàng nhập khẩu chính của Trung Quốc từ Ghana gồm có dầu thô, quặng nhôm, quặng mangan và gỗ thô trị giá 2,4 tỷ USD mỗi năm.
Bắc Kinh đã xuất khẩu 4,8 tỷ USD thiết bị điện tử, máy móc, hàng dệt may, hóa chất, nhựa và cao su sang Ghana năm ngoái, nghiên cứu cho biết.
Từ năm 2000 đến năm 2017, Trung Quốc đã gia hạn hơn 143 tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng châu Phi, số tiền tài trợ này nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào mà Trung Quốc rót vốn.
Guinea và Bắc Kinh đã ký một thỏa thuận trong năm 2017 liên quan đến khoản vay 20 tỷ USD trong hơn 20 năm để đổi lấy quặng Bô xít. Trung Quốc cũng có các thỏa thuận tương tự với Cộng hòa Dân chủ Congo, Cộng hòa Congo và Angola.
Thùy Dung
Theo SCMP