Bất chấp đại dịch, giới siêu giàu vẫn mạnh tay mua hàng xa xỉ

Thùy Dung

(Dân trí) - Trong thời Covid-19, một số ngành hàng xa xỉ như nước hoa, rượu vang hảo hạng và đồ trang sức vẫn có mức doanh thu tăng vọt.

Bất chấp đại dịch, giới siêu giàu vẫn mạnh tay mua hàng xa xỉ - 1
Có nhiều khách hàng đang tiêu số tiền mà họ dành cho các kỳ nghỉ dưỡng vào việc mua đồ trang sức, thay vì chọn gửi tiền vào ngân hàng

Nước hoa xa xỉ "lên ngôi" giữa đại dịch

Nhà sản xuất nước hoa cao cấp Ben Krigler đã dành vài tháng qua để làm ra một loại nước hoa đặt riêng cho một khách hàng thượng lưu với trị giá 95.000 USD. Đây là món quà kỷ niệm mà vị khách hàng dành tặng cho người vợ của mình.

Krigler cho biết, sau khi chuyến du lịch châu Âu của đôi vợ chồng này bị hủy bỏ, họ đã đặt ông chế tác riêng cho họ loại nước hoa lấy cảm hứng từ chính chuyến du lịch trong mơ đó mà họ buộc phải hủy bỏ bởi đại dịch Covid-19.

Krigler chia sẻ: “Họ nói với tôi rằng họ muốn có cảm giác như đang đi từ Ritz ở Paris đến Cap d'Antibes hoặc Capri - hãy tạo ra thứ gì đó khiến họ cảm thấy như họ đang du lịch đến đó”.

Các khách hàng khác thậm chí đã thừa nhận với Krigler rằng, Covid-19 khiến tài sản của họ sinh lời nhiều hơn.

Một ông trùm bất động sản đã nói với nhà sản xuất nước hoa rằng, khối tài sản ròng của họ đã tăng vọt lên nhờ tiền thuê nhà vẫn được trả nhưng lại không phải bỏ chi phí đầu tư. Vì vậy, họ cảm thấy có thể tự thưởng cho mình một mùi hương nước hoa đẳng cấp được chế tác chỉ dành riêng cho họ.

Công ty của Krigler đã nhận được tiền hoa hồng cho 17 loại nước hoa khác nhau trong năm nay. Trong khoảng thời gian 12 tháng, công ty có thể sẽ phát triển tổng cộng từ 10 đến 20 loại nước hoa.

Các khách hàng cũng rất nóng lòng muốn nhận được hàng, khiến cho quá trình nghiên cứu và phát triển nước hoa giảm từ một năm rưỡi xuống chỉ còn năm hoặc sáu tháng trong thời kỳ đại dịch.

Thị trường đồ trang sức đá quý phát triển mạnh

Các nhà sản xuất nước hoa cao cấp không phải là những người duy nhất được hưởng lợi từ đại dịch này. Đồ trang sức cũng là một mặt hàng "siêu hot" hiện nay.

Chỉ cần hỏi Josh Weinman, một chuyên gia nổi tiếng thế giới về kim cương màu như kim cương từ mỏ Argyle của Úc, ta sẽ biết trang sức cao cấp đang đắt giá nhường nào. Những viên đá mà anh ta bán có thể có giá từ 50.000 USD đến 1 triệu USD.

Weinman nói với Business Insider rằng: “Bạn của tôi có một khách hàng đến nói rằng anh ta sẽ có một kỳ nghỉ dưỡng tuyệt vời trên một chiếc du thuyền lớn ngoài khơi Capri với một số cặp đôi khác. Nhưng họ đã phải hủy chuyến đi vì đại dịch Covid-19. Khi họ phải hủy bỏ kỳ nghỉ này, vợ anh ấy đã quay sang anh ấy nói ‘Thế còn viên kim cương mà anh đã hứa với em thì sao?’”.

Và kết quả là ngay sau cuộc trò truyện ấy, Weinman đã được bán một viên kim cương trị giá hàng triệu USD – số tiền này đắt hơn rất nhiều so với chuyến đi đến Capri mà đáng lẽ họ đã được đi.

Đơn hàng nhẫn đính hôn trái mùa tăng mạnh

Dan Moran của công ty trang sức đồng hồ cao cấp Concierge Diamonds có trụ sở tại L.A đã có trải nghiệm tương tự trong những tháng gần đây.

Ông ước tính rằng, công việc kinh doanh của mình vào tháng 7/2020 còn bận rộn hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiện ông đang làm việc với ba khách hàng riêng biệt về nhẫn đính hôn trong đó chỉ riêng viên kim cương được đặt trên mỗi chiếc nhẫn đính hôn đã có giá từ 100.000 USD trở lên.

Theo Moran, các đơn hàng thường bắt đầu sau Ngày Lao động, nhưng lịch trình đính hôn đã được lên kế hoạch từ đầu năm nay.

“Tôi nghĩ khi mọi người nhận ra rằng, mọi thứ sẽ diễn ra như vậy trong một thời gian nữa, họ sẽ quyết định thực hiện dự định lớn trong cuộc đời mình, chẳng hạn như đính hôn,” ông nói và cho biết thêm: "Mọi người đang mắc kẹt ở nhà, điều đó thật chán nản, và hãy đối mặt với nó, đồ trang sức đẹp mang lại niềm vui cho khá nhiều người. Họ muốn có một món trang sức giá trị nào đó để nói với mọi người một thông điệp rằng: Tôi đã vượt qua khoảng thời gian khủng khiếp này, tôi đã kiếm được tiền”.

Theo Moran, có nhiều khách hàng đang tiêu số tiền mà họ dành cho các kỳ nghỉ dưỡng vào việc mua đồ trang sức, thay vì chọn gửi tiền vào ngân hàng.

Moran chia sẻ: “Nhiều khách hàng của tôi là người thuộc tầng lớp trung lưu và thượng lưu. Họ có thu nhập và lịch trình làm việc không bị gián đoạn trong thời gian phong tỏa của đại dịch. Họ có thể làm việc tại nhà, nhưng vì không còn tiêu tiền vào những thứ như đi chơi hay nghỉ dưỡng nên họ có thêm tiền để chi tiêu ở nơi khác”.

Rượu vang đắt tiền bán chạy

Tiffany Bradshaw là chuyên gia về rượu vang ở California. Cô ấy đã thấy mọi người dùng tiền của họ để mua rất nhiều chai rượu vang hảo hạng.

Bradshaw đã bán được khoảng 150 chai rượu giá 350 USD mỗi chai cho loại rượu cổ điển 100 điểm như Surrealist của Jean-Charles Boisset.

Bradshaw cho biết, doanh số bán hàng của cô vào tháng 5 năm 2020 đã cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Bradshaw nói rằng: “Doanh số bán hàng bắt đầu tăng ngay lập tức vào những ngày đầu đại dịch, bởi vì mọi người đột nhiên bị mắc kẹt ở nhà mà không có kế hoạch. Nói thẳng ra, họ chuyển sang rượu”

Phẫu thuật thẩm mỹ phổ biến hơn bao giờ hết

Một ngành kinh doanh xa xỉ khác được hưởng lợi từ đại dịch chính là phẫu thuật thẩm mỹ.

Theo bác sĩ phẫu thuật Dara Liotta, người làm việc trên Đại lộ Park của Manhattan: “Điều phổ biến nhất mà tôi nghe được là một khách hàng đã chi rất nhiều tiền cho một kỳ nghỉ hè của họ. Và vì điều đó không xảy ra nên họ đã liệt kê phẫu thuật thẩm mỹ vào danh sách những việc cần làm của mình”.

Tiến sĩ Liotta cũng kể thêm một trường hợp về một bệnh nhân khác của mình rằng, bệnh nhân ấy đã đến thẳng phòng tư vấn của cô ngay khi chuyến đi nghỉ xa hoa đến Paris bị hủy bỏ.

“Cô ấy thực sự đến và nói với tôi rằng cô ấy có 6.000 USD từ chuyến bay hạng nhất, 8.000 USD từ tiền thuê khách sạn và ngân sách mua sắm 10.000 USD, nhưng chuyến đi đã bị hủy bỏ nên tôi muốn dùng số tiền này để trùng tu nhan sắc của mình", Liotaa nói.

Không chỉ là vì dư thừa tiền mặt

Chuyên gia nước hoa Ben Krigler nhận xét, doanh số tăng vọt đối với một số lĩnh vực không chỉ đơn giản là do tiền mặt dư thừa. Thay vào đó, có một yếu tố quan trọng không kém khác đã tạo điều kiện cho việc chi tiêu như vậy, đó chính là thời gian.

Những người giàu có thể có tiền, nhưng họ thường nghèo về thời gian; Tuy nhiên, trong và sau khi cách ly, thời gian là một thứ mà bỗng nhiên họ có nhiều nhất.

Ông giải thích: “Trước đây, họ thường không có thời gian để suy nghĩ, nhưng bây giờ họ không có gì khác để làm. Và hiển nhiên, họ sẽ dùng tiền cùng thời gian của mình để mua sắm chi tiêu nhiều hơn”.