Bất chấp cảnh báo, mua bán nhà đất "3 chung" vẫn nở rộ
(Dân trí) - Mua nhà chung địa chỉ, chung giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chung giấy phép xây dựng… như "cầm dao đằng lưỡi". Nhiều trường hợp dở khóc dở cười khi “tiền mất, nhà không có ở”. Thế nhưng, bất chấp cảnh báo, nhiều người vẫn lao vào mua nhà "3 chung".
Thị trường bất động sản "3 chung" gồm: chung địa chỉ, chung giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chung giấy phép xây dựng đang diễn ra bát nháo. Nhiều người nôn nóng có một "chốn an cư" lại eo hẹp tài chính nên chấp nhận mua nhà "3 chung".
Nhằm ngăn chặn tình trạng trên, UBND huyện Hóc Môn, TPHCM vừa ra thông báo kêu gọi người dân cần cảnh giác trong việc mua bán đất hoặc nhà ở "3 chung" bằng hình thức vi bằng công chứng thừa phát lại, giấy tay… Tuy nhiên, hoạt động mua bán đất nền, nhà ở vẫn diễn ra bình thường và không có dấu hiệu hạ nhiệt.
Trong vai một người có nhu cầu mua nhà và đất nền, chúng tôi liên hệ với một nam thanh niên tên L.H.H chuyên môi giới để tìm hiểu về hoạt động mua bán bất động sản sau khi có thông báo phát đi từ chính quyền địa phương.
Thanh niên này cho biết, trước và sau khi có thông báo của chính quyền thì hoạt động mua bán vẫn diễn ra bình thường. "Gần đây, nhiều người làm “cò”, môi giới bất chấp hòng bán nhà, đất cho bằng được để kiếm lời mới dẫn đến nhiều vụ tranh chấp như vậy. Nếu tư vấn kỹ càng cho khách hàng thì đâu có chuyện người mua nếm trái đắng và đi thưa kiện được", L.H.H nói.
"Cò" H. cũng cho biết, lỗi một phần ở người mua khi họ khá liều lĩnh xuống tiền mà không tìm hiểu kỹ nên... tiền mất mà nhà chẳng thấy đâu.
“Chúng tôi làm lâu nên có uy tín và được khách hàng giới thiệu cho người mua nhà có nhu cầu. Vì vậy, hoạt động vẫn diễn ra bình thường. Có chăng gặp chút khó khăn khi người mua nhà họ cảnh giác, thận trọng hơn dẫn đến giao dịch lâu hơn thông thường”, L.H.H nói.
Tiếp xúc với một cò đất tên T. ngay chợ Hóc Môn, thì được cho biết, việc mua bán đất nền và nhà trên đất ở huyện Hóc Môn giáp với quận 12, Bình Chánh… vẫn rất được giá.
“Mua đất ở những khu vực giáp ranh được nhiều người thích hơn. Bởi vì, nếu khu vực phía bên quận hoặc huyện kia phát triển thì giá nhà của họ cũng dễ lên theo. Bên cạnh đó, đất những khu vực giáp ranh hợp túi tiền với nhiều người…, thường có giá từ 700 triệu đến 1,1 tỷ đồng”, "cò" T. cho hay.
Theo T., ngoài khu vực trung tâm thị trấn và vùng giáp ranh các quận huyện bán được giá thì những khu vực rìa khác của huyện Hóc Môn vẫn bình lặng và giá thấp hơn đôi chút.
“Cảnh báo của chính quyền giúp loại bỏ một phần nào những “cò đất” lừa đảo… Tôi cũng khuyên người mua nhà 3 chung nên cân nhắc thật kỹ vì rủi ro rất có thể xảy ra mà không thể nào lường được hết”, anh T. nói.
Qua ghi nhận của phóng viên, tình trạng mua bán nhà bằng giấy tay, lập vi bằng không chỉ diễn ra ở huyện Hóc Môn, mà còn xảy ra ở huyện Củ Chi, Khu Vĩnh Lộc của huyện Bình Chánh, Bình Tân, Nhà Bè…
Tại cuộc họp đánh giá về công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TPHCM, đại diện của các quận huyện bày tỏ lo lắng về tình trạng nhà, đất "3 chung" đang ngày càng nhiều.
Tình trạng hàng trăm hộ dân tham gia mua bán, chuyển nhượng và dọn đến sinh sống bất hợp pháp trong các căn nhà 3 chung diễn ra đỉnh điểm vào năm 2014.
Đến nay, tình trạng này ngày càng phổ biến. Nhiều người dù biết rủi ro nhưng vẫn nhắm mắt mua liều bởi những căn nhà này có giá cả phù hợp. Hầu hết những người mua nhà "3 chung" đều biết rủi ro nhưng họ vẫn hy vọng đến lúc nào đó Nhà nước sẽ có chính sách cho họ được cấp giấy. Thực tế, nhiều căn nhà đã được cấp giấy rõ ràng.
Lợi dụng điều này, tình trạng đầu nậu, “cò” đất rao bán hàng trăm nền đất, nhà 3 chung bằng các loại giấy giấy tờ không có giá trị pháp lý. Nhiều người dân không hiểu biết pháp luật, tin vào lời giới thiệu của cò nhà đất, vẫn mua bán, sang nhượng nhau bằng giấy tay nên cơ quan chức năng khó có thể biết và ngăn chặn được.
Quế Sơn