1. Dòng sự kiện:
  2. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Kết quả kinh doanh

Bất bình vì “tự dưng” mất trắng gần 43.000 tỷ đồng tiền nợ thuế

(Dân trí) - Trong phiên thảo luận chiều nay (1/10), các đại biểu Quốc hội cho rằng khoản nợ thuế 43.000 tỷ đồng không thể thu hồi, một số tỏ ra bất bình về trách nhiệm của cơ quan quản lý khi hàng trăm nghìn doanh nghiệp “bỗng dưng” biến mất mà không hay biết.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Tình hình nợ đọng thuế vẫn còn cao, tổng số tiền nợ thuế tính đến ngày 31/8 là 88.253 tỷ đồng (tăng 8,2% so với thời điểm 31/12/2018). Trong đó, tiền nợ thuế không còn khả năng nộp ngân sách là 42.990 tỷ đồng, chiếm 48,7% tổng số tiền nợ thuế.

Lí do nợ thuế được cơ quan quản lý thuế đánh giá vì người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, tự giải thể, phá sản, bị thiên tai, thảm họa bất ngờ không còn khả năng nộp ngân sách Nhà nước...

Trong phiên thảo luận chiều 1/11, các đại biểu cho rằng khoản tiền nợ thuế không còn khả năng nộp ngân sách, không thu hồi được là gánh nặng. Việc xóa bỏ 16.000 tỷ đồng số tiền phạt, nộp chậm cũng có nhiều ý kiến trái chiều.

Bất bình vì “tự dưng” mất trắng gần 43.000 tỷ đồng tiền nợ thuế - 1
Đại biểu Ngô Trung Thành (đoàn Đắk Lắk)

Cho rằng thất thu thuế do cơ quan quản lý, đó là lỗ hổng quá lớn, Đại biểu Ngô Trung Thành (đoàn Đắk Lắk) đặt câu hỏi: Làm sao nhà nước lại không biết 200.000 doanh nghiệp và 600.000 cá nhân có còn kinh doanh hay không? Họ ở đâu?

“Đây không chỉ là vấn đề thất thu thuế, điều này cho thấy lỗ hổng khi họ làm gì, có phạm pháp hay không mà cơ quan quản lý cũng không nắm được” - đại biểu Ngô Trung Thành cho hay.

Đề cập tới việc trục lợi chính sách, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (đoàn Hà Tĩnh) nhấn mạnh cần có cơ chế để tái khôi phục thuế trong trường hợp xóa sai hoặc đối tượng được xóa quay trở lại kinh doanh.

Với người có nghĩa vụ thuế đã chết hoặc bị tuyên đã chết, nữ đại biểu đoàn Hà Tĩnh đề nghị không xóa nợ thuế, việc thu thuế được tiến hành với tài sản để lại và người thừa kế phải chịu trách nhiệm nộp.

Cũng theo đại biểu này, cần nghiên cứu kỹ đối tượng phá sản nhưng có thể lập doanh nghiệp thông qua việc mượn tên người khác, đây là những đối tượng nằm trong số 16.000 tỷ đồng tiền phạt nộp chậm thuế.

Đại biểu Thái Trường Giang (đoàn Cà Mau) nêu quan điểm không thể không xóa những khoản nợ thuế mà không bao giờ có thể thu được. Việc khoanh nợ thuế là cần thiết. Do trước đây, chưa có cơ chế khoanh nợ nên các khoản nợ không thể thu hồi vẫn tiếp tục phát sinh tiền phạt, dẫn đến nợ thuế ngày càng tăng dù biết không thể thu hồi.

Bất bình vì “tự dưng” mất trắng gần 43.000 tỷ đồng tiền nợ thuế - 2
Đại biểu Thái Trường Giang (đoàn Cà Mau)

Trong khi đó, Đại biểu Dương Minh Tuấn (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết: Về nguyên tắc xử lý nợ, nếu phát hiệu đối tượng được miễn thuế quay lại sản xuất, kinh doanh hoặc lập cơ sở kinh doanh mới thì phải hủy bỏ quyết định xóa nợ, buộc phải trả nợ thuế như quy định.

Đại biểu đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đề nghị bổ sung đối với trường hợp mất tích, mất năng lực hành vi mà quay trở lại hoặc được khôi phục năng lực hành vi thì cũng không được xóa nợ thuế và tiền phạt nộp chậm.

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, để có cơ sở pháp lý cho việc xử lý nợ, hồ sơ phải đáp ứng những tiêu chuẩn mà chính phủ ban hành. Hiện tại, cơ quan thuế địa phương đang theo dõi từng đối tượng cụ thể chậm nộp tiền thuế.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng nhấn mạnh, một trong những nguyên tắc của việc xử lý nợ là nhằm tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế, nhưng phải phòng ngừa và ngăn chặn việc lợi dụng chính sách để trục lợi và cố tình chây ỳ, nợ thuế.

Trước đó, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng cần thiết ban hành Nghị quyết về xử lý xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp. Cơ quan này cũng đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn về trách nhiệm chủ quan của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra tình trạng nợ đọng thuế lớn, kéo dài qua nhiều năm.

Châu Như Quỳnh