Bập bênh lãi suất USD - VND

Việc doanh nghiệp đổ xô vay USD nhất thời tác động làm lãi suất cho vay tiền đồng giảm và có thể gây căng thẳng trên thị trường tiền tệ trong thời gian tới.

Bập bênh lãi suất USD - VND - 1
(ảnh minh họa)
 
Lãi suất tiền gửi và cho vay đang có xu hướng có lợi cho người gửi và người vay. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng dư nợ huy động và cho vay bốn tháng đầu năm chậm so cùng kỳ, cũng như việc đổ xô vào vay USD có thể gây căng thẳng trên thị trường tiền tệ trong thời gian tới.

TS Lê Xuân Nghĩa, phó chủ tịch uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, tốc độ tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ trong bốn tháng đầu năm đạt 17%, trong khi tăng trưởng tín dụng đồng nội tệ chỉ có 0,9% so với cuối năm ngoái. Như vậy, riêng trong tháng 4, dư nợ ngoại tệ tăng 2,93% trong khi dư nợ tiền đồng chỉ tăng 0,33%.

Huy động và cho vay vẫn tăng chậm

Sau nhiều tháng bị lệch pha đầu vào thấp hơn đầu ra, lần đầu tiên tăng trưởng huy động và tín dụng gần bằng nhau, lần lượt ở mức khoảng 3,8% và 3,9%.

Ông Lê Xuân Nghĩa nói, qua đến tháng 4, tăng trưởng huy động và cho vay đã được cải thiện. Tuy nhiên, mức tăng trưởng huy động và cho vay trong bốn tháng đầu năm và trong tháng 4 năm nay đều không bằng một nửa so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, số dư tiền gửi tháng 4/2009 tăng 3,74% và tăng 9,88% so với cuối năm 2008, cho vay trong tháng 4 tăng 4,86% và tăng 11,16% so với cuối năm 2008.

Theo một chuyên gia tài chính, tốc độ cung tiền từ ngân hàng đến doanh nghiệp, người dân giảm đi. Doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã rút tiền nhàn rỗi về kinh doanh, làm ăn, cũng như ít gửi tiền ở ngân hàng hơn. Điều này đã ảnh hưởng đến lượng tiền gửi ở ngân hàng, là lý do chính khiến tốc độ tăng trưởng huy động giảm.

Trong cơ cấu dư nợ nhiều năm nay, dư nợ bằng tiền đồng luôn chiếm từ 75 – 85%. Năm ngoái, cho vay hỗ trợ lãi suất kích cầu đã đẩy cơ cấu dư nợ tiền đồng lên khoảng 85%. Do vậy, theo ông Nghĩa, con số tuyệt đối dư nợ bằng ngoại tệ vẫn còn thấp hơn dư nợ bằng đồng nội tệ, và ngân hàng đang dư thừa một lượng ngoại tệ.

Năm ngoái, ngân hàng đã tích trữ được một lượng USD huy động, tỷ giá USD/VND sụt giảm cũng “biến” USD huy động sang USD thương mại, nên ngân hàng không thiếu hụt khi dư nợ ngoại tệ trở chiều tăng trong khi huy động tăng chậm.

Khả quan nhất thời?

Lãi suất tiền gửi và cho vay đang trong xu hướng có lợi cho người gửi và người vay. Các ngân hàng quốc doanh vừa đồng thuận giảm lãi suất cho vay xuống còn 13%/năm kể từ 1/5/2010. Lãi suất này được áp dụng cho những khoản vay đầu tư cho sản xuất nông lâm ngư diêm nghiệp, doanh nghiệp xuất khẩu, chi phí sản xuất của doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Lãi suất huy động bằng tiền đồng vẫn xoay quanh mức 11,5%/năm. Lãi suất bằng USD được tăng thêm từ 0,3 - 0,5%/năm. Tại các ngân hàng quy mô lớn, lãi suất tiền gửi USD từ 3 - 4%/năm, ngân hàng nhỏ dao động từ 4 - 4,8%/năm. Lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 6 - 8%/năm ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần 5,5 - 7%/năm ở nhóm ngân hàng quốc doanh, tuỳ thời kỳ vay ngắn hay trung dài hạn.

Theo ông Lý Xuân Hải, tổng giám đốc ngân hàng ACB, lãi suất huy động USD tăng đã gây ảnh hưởng khó giảm sâu hơn cho lãi suất tiền đồng (cả cho vay và huy động). Dù vậy, ngân hàng chưa thể điều chỉnh giảm lãi suất huy động USD, do dư nợ vay USD tăng đang thúc đẩy, cũng như thị trường đang đòi hỏi ở một mức lãi cao.

Theo ông Lê Xuân Nghĩa, lãi suất vay USD thấp hơn 8 - 10% so với bằng tiền đồng, tỷ giá USD/VND giảm còn 18.930 19.000 đồng/USD, doanh nghiệp dồn sang vay đồng ngoại tệ là dễ hiểu.

Tuy nhiên, ông cho rằng các điều chỉnh khả quan đó mới là hiện tượng nhất thời. Trong vài tháng tới còn chưa đoán định được những tác động từ thâm hụt thương mại, nợ bằng ngoại tệ của Việt Nam đáo hạn, khả năng can thiệp của ngân hàng Nhà nước... trong khi doanh nghiệp đổ dồn mua USD để trả nợ vay, thì căng thẳng trên thị trường tiền tệ có thể sẽ quay trở lại.

Theo Hồng Sương
Báo SGTT