1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Báo nước ngoài: Việt Nam “nóng” từ FDI đến chứng khoán

Báo chí nước ngoài nhận định, Việt Nam “hút” vốn ngoại cao gấp 8 lần quy mô nền kinh tế, trong khi thị trường chứng khoán khởi sắc.

“Nóng” FDI

Theo Thời báo Tài chính (Financial Times) của Anh, nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phát triển nhanh chóng và hấp dẫn các nhà đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu. Từ năm 2003-2014, Việt Nam đã thu hút được hơn 2.000 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong đó chủ yếu tập trung vào ngành sản xuất với lợi thế nhân lực dồi dào và chi phí rẻ.

Thời báo này cũng cho rằng, Việt Nam tích cực cải thiện môi trường kinh doanh, giảm thuế doanh nghiệp từ 25% xuống 22% và cải tổ hệ thống thông tin tín dụng. Việt Nam cũng đạt mức điểm cao nhất trong số các quốc gia phát triển và nền kinh tế mới nổi, khi thu hút hơn 100 dự án FDI đầu tư mới trong năm 2014.

Tờ ETF Daily News cho rằng, Việt Nam là một thị trường tiềm năng đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư quốc tế nhờ nỗ lực cải cách nền kinh tế của Chính phủ.

Báo nước ngoài: Việt Nam “nóng” từ FDI đến chứng khoán - 1

Việt Nam được coi là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. (Ảnh: ETF Daily News).

Đầu những năm 2000, tập đoàn Intel đã xây dựng nhà máy sản xuất chip trị giá 2 tỷ USD tại thành phố Hồ Chí Minh, còn Samsung đã xây dựng 3 nhà máy tại Việt Nam, trở thành một trong những khu vực sản xuất lớn nhất của công ty.

Không chỉ có sản xuất, ngành tiêu dùng và công nghệ cũng hấp dẫn không kém. Việt Nam không chỉ có khả năng trở thành công xưởng mới của thế giới, ngành tiêu dùng tại đây cũng phát triển nhanh chóng khi tỷ lệ đô thị hóa thuộc hàng nhanh nhất Châu Á.

Đây là lý do mà năm 2014, Procter & Gamble và Unilever tuyên bố sẽ đầu tư vào Việt Nam. Tập đoàn P&G sẽ mở nhà máy sản xuất dao cạo trị giá 100 triệu USD, còn Unilever sẽ xây sựng nhà máy sản xuất bột giặt và chất tẩy rửa trị giá 40 triệu USD.

Ngoài ra, lý do trên cũng là nguyên nhân khiến công ty Mỹ Warburg Pincus đầu tư 100 triệu USD vào Vincom Retail.

Thị trường công nghệ thông tin của Việt Nam cũng đang phát triển mạnh. Hãng tư vấn AT Kearney cho biết tỷ lệ sử dụng Internet tại Việt Nam đang tăng trưởng mạnh nhất thế giới. Hiện tại, có 40 triệu người sử dụng Internet tại Việt Nam, mức cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Chứng khoán tăng tốc

Không chỉ dẫn đầu về thu hút vốn FDI, Việt Nam còn được coi là thị trường đầy tiềm năng đối với các nhà đầu tư chứng khoán.

Hãng tin Bloomberg nhận định, nhà đầu tư ngoại lạc quan về chứng khoán Việt Nam vì giá cổ phiếu rẻ trong khi nền kinh tế đang phát đi tín hiệu khả quan.

Báo nước ngoài: Việt Nam “nóng” từ FDI đến chứng khoán - 2

Thị trường Việt Nam đầy tiềm năng và cơ hội kinh doanh. (Ảnh: Bloomberg)

Bloomberg dẫn lời của đại diện một số công ty quản lý quỹ nước ngoài cho biết, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ duy trì xu hướng tăng mạnh nhất Đông Nam Á khi kế hoạch nới trần sở hữu (room) và sự khởi sắc của nền kinh tế đang tạo sức hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Hãng tin này cho hay, từ đầu năm, chỉ số VN-Index đã tăng 11% - mức cao nhất trong vòng 5 năm, trong khi chỉ số MSCI Southeast Asia Index của thị trường chứng khoán khu vực Đông Nam Á sụt 12%.

Giá cổ phiếu của Việt Nam hiện rẻ hơn 18% so với giá cổ phiếu trong khu vực. Trong năm nay, tính đến ngày 6/8, các nhà đầu tư nước ngoài đã “rót” 223,1 triệu USD vào thị trường chứng khoán trong nước.

Theo Bloomberg, Việt Nam coi đầu tư nước ngoài là một trong những nhân tố quan trọng nhất đối với sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam. Hiện nay, khối lượng giao dịch bình quân hàng ngày trên sàn TP HCM mới chỉ bằng 1/10 so với thị trường chứng khoán lớn nhất khu vực là Singapore.

Tờ báo Telegraph uy tín của nước Anh nhận định, thị trường chứng khoán Việt Nam sắp khởi sắc vì sắp được nâng hạng từ “sơ khai” lên “mới nổi” sau quyết định nới room cho các nhà đầu tư nước ngoài mới đây. Sự chuyển biến tích cực này sẽ giúp Việt Nam có đủ điều kiện hình thành một sân chơi rộng lớn cho giới đầu tư.

Theo Telegraph, hiện tại thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn nằm trong chỉ số các thị trường sơ khai của (Frontiers Market Index - MSCI) cùng với Bangladesh, Ghana, Ukraine và Jamaica. Tuy nhiên, với tiềm năng của mình, Việt Nam từ lâu đã trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Tờ báo này cũng cho hay, các quỹ của Anh đã và đang tìm cách mua cổ phiếu các công ty Việt Nam một cách trực tiếp, thay vì mua qua các quỹ đầu tư ủy thác như trước đây.

Trước đây, chính phủ Việt Nam có quy định chặt chẽ đối với sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán. Vì vậy, các quy định mới, dự kiến bắt đầu thực hiện từ đầu tháng 9/2015, kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhà đầu tư cá nhân trong nước mua vào.

Wall Street Journal (WSJ) nhận định, các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng bị thu hút bởi thị trường chứng khoán Việt Nam. Nguồn vốn khủng trị giá hàng tỷ USD sắp đổ vào chứng khoán Việt Nam trong tương lai gần.

Theo WSJ, sự cải cách được mong đợi từ lâu của Việt Nam trong quy định về sở hữu đối với nhà đầu tư nước ngoài đã khiến thị trường chứng khoán trong nước khởi sắc. Các nhà đầu tư Việt hiện đang đẩy mạnh giao dịch với hy vọng bắt kịp đợt sóng mua vào của nhà đầu tư quốc tế.

Ủy ban Chứng khoán Quốc gia khiến thị trường chứng khoán trong nước bất ngờ khi thông báo sẽ dỡ bỏ giới hạn sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài, ngoại trừ một số lĩnh vực nhạy cảm như an ninh quốc phòng. Trước đó, thị trường chỉ mới dự đoán chính phủ sẽ nới lỏng giới hạn sở hữu 49% lên 60%.

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2015, nhà đầu tư nước ngoài đã mua hơn 233 triệu USD trên thị trường chứng khoán này, cao hơn so với mức 128 triệu USD của cả năm 2014./.

Theo Trần Ngọc
VOV

Báo nước ngoài: Việt Nam “nóng” từ FDI đến chứng khoán - 3

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm