Báo Mỹ: Nga vẫn bán dầu cao hơn giá trần
(Dân trí) - Theo một nghiên cứu mà Bloomberg trích dẫn, các công ty Nga đang kiếm được nhiều tiền hơn từ việc bán dầu, trái ngược với suy nghĩ sẽ bị sụt giảm khi áp giá trần đối với dầu thô của Nga.
Nghiên cứu này cho thấy cơ chế trần giá nhằm cản trở nguồn thu của Moscow đã suy yếu.
Theo tính toán của các chuyên gia đến từ Viện Tài chính Quốc tế, Đại học Columbia và Đại học California, dầu Nga đã đạt mức trung bình khoảng 74 USD/thùng trong 4 tuần sau khi cơ chế giá trần được áp đặt. Mức giá này cao hơn 1/4 so với mức giá trần 60 USD/thùng mà nhóm các nước G7 áp đặt từ 5/12/2022.
Nhóm tác giả cho rằng, phát hiện đáng kinh ngạc đã đặt ra yêu cầu cần khẩn cấp điều tra thêm các giao dịch mua bán dầu Nga và củng cố việc tăng cường thực thi cơ chế này. Nhóm này cũng cho rằng cần thực thi các biện pháp trừng phạt để đảm bảo người mua tuân thủ các hạn chế đối với dịch vụ vận chuyển và bảo hiểm.
Theo nghiên cứu, giá dầu xuất khẩu từ các cảng Thái Bình Dương đến các điểm quan trọng như Trung Quốc thậm chí có mức giá cao hơn, trung bình 82 USD/thùng.
Khoảng một nửa chuyến hàng dầu Nga được vận chuyển bởi công ty Sovcomflot do nhà nước Nga kiểm soát hoặc "đội tàu đen", do đó không bị giới hạn giá trần. Phần còn lại dựa vào các công ty vận chuyển của phương Tây, do đó, đã tuân thủ mức giá trần.
Số liệu này dựa trên phân tích các hóa đơn hải quan trong 4 tuần sau khi cơ chế giá trần đối với dầu Nga chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, ước tính đã vấp phải sự phản đối của các chính phủ. Họ cho rằng các biện pháp cắt giảm nguồn thu từ dầu mỏ của Nga đã đạt được thành công lớn. Các công ty chuyên về định giá cũng cho biết giá dầu xuất khẩu hàng đầu của Nga đã giảm xuống dưới mức 60 USD/thùng tại các cảng ở Biển Baltic và Biển Đen.
Nhóm tác giả cũng thừa nhận có một số hạn chế trong số liệu hải quan, ví như thời điểm thanh toán và trong một số trường hợp là thời gian giao hàng có thể khác so với ngày lập hóa đơn. Dẫu vậy, họ vẫn tin rằng kết luận tổng thể là đúng.
Việc đặt ra giới hạn giá trần đối với dầu Nga, một mặt nhằm giảm nguồn thu từ dầu mỏ của Nga, mặt khác để dầu thô Nga vẫn tiếp tục chảy trên thị trường toàn cầu.
Mỹ - một trong những bên đề xuất ý tưởng này lập luận rằng, ngay cả khi dầu thô Nga được giao dịch trên mức giá trần thì cơ chế này vẫn giúp người mua được thương lượng mức giá thấp hơn. Trong khi đó, cơ chế này có thể giúp tránh cắt đứt nguồn xuất khẩu lớn khiến giá dầu tăng vọt. Các dữ liệu hiện vẫn ủng hộ lập luận này vì hầu hết dầu Nga vẫn được giao dịch thấp hơn nhiều so với dầu Brent.
Theo các điều khoản của cơ chế giá trần, các công ty và thương nhân chỉ có thể tiếp cận các dịch vụ của phương Tây nếu họ mua dầu Nga ở mức 60 USD/thùng hoặc thấp hơn. Mức giá trần này sẽ được thay đổi 2 tháng/lần.
Đối với Nga, dầu khí chiếm khoảng 1/3 doanh thu của nước này, do đó, trong các tuyên bố mới đây, nước này cho biết họ đang thay đổi cách tính thuế đối với dầu, thu hẹp mức chiết khấu đối với dầu Urals. Theo ước tính của Bộ Tài chính Nga, những thay đổi này dự kiến sẽ mang về 660 tỷ rúp (8,7 tỷ USD) cho ngân sách Nga trong năm nay.