1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Bảo lãnh dự án nhà ở: Giá có thể tăng nhưng an toàn

(Dân trí) - Theo Luật Kinh doanh bất động sản 2014, chủ đầu tư dự án nhà ở hình thành trong tương lai muốn bán sản phẩm phải được ngân hàng bảo lãnh. Chi phí bảo lãnh có thể làm tăng giá nhà so với hiện nay nhưng sẽ đảm bảo an toàn cho người mua nhà.

Tốn phí để hạn chế rủi ro

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
Chiều 23/6, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM tổ chức tọa đàm “Thực hiện quy định bảo lãnh ngân hàng – bảo vệ quyền lợi người mua nhà hình thành trong tương lai”.

Tại buổi tọa đàm này, các đại biểu tranh cãi xung quanh điều 56, Luật Kinh doanh bất động sản 2014 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2015). Theo điều 56, chủ đầu tư dự án bất động sản (BĐS) trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai (nhà trên giấy tờ) phải được ngân hàng thương mại bảo lãnh. Đối tượng được bảo lãnh ở đây là nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng khi chủ đầu tư không bàn giao nhà theo đúng tiến độ đã cam kết với khách hàng.

Với quy định này, trong trường hợp chủ đầu tư không thực hiện bàn giao nhà theo tiến độ đã cam kết thì bên bảo lãnh có trách nhiệm hoàn lại số tiền ứng trước và các khoản tiền khác cho khách hàng theo hợp đồng.

HoREA kiến nghị nên để doanh nghiệp bảo hiểm tham gia bảo lãnh nhà hình thành trong tương lai

HoREA kiến nghị nên để doanh nghiệp bảo hiểm tham gia bảo lãnh nhà hình thành trong tương lai

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA đánh giá quy định mới này có ưu điểm là bảo vệ tuyệt đối, không để xảy ra rủi ro cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, ông Châu cũng lo ngại quy định này làm phát sinh một chi phí mới trong cơ cấu giá thành BĐS. Đó là khoản phí bảo lãnh 1- 2% tổng vốn đầu tư. Khoản phí này sẽ do chủ đầu tư đóng, nhưng chắc chắn nó sẽ được tính vào giá bán và khách hàng mua, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải gánh chịu.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM thì chỉ ở Việt Nam mới có hoạt động mua bán nhà ở hình thành trong tương lai. Hoạt động này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro dẫn đến tình trạng “bán nhà trên giấy”.

Ông Minh cho là điều 56 này có hiệu lực thì những rủi ro trên sẽ không còn. “Với người tiêu dùng, giá nhà hình thành trong tương lai có thể cao hơn chút nhưng độ rủi ro rất thấp”, ông Minh khẳng định.

Bà Vũ Thị Khuyên, Phó Trưởng phòng Phát triển nhà và thị trường BĐS (Sở Xây dựng TPHCM) cho rằng: “Trên địa bàn TPHCM có nhiều dự án không đầu tư đúng tiến độ dẫn đến niềm tin không còn. Vì thế, việc tạo tính minh bạch, đem lại niềm tin cho khách hàng thuê, mua căn hộ hình thành trong tương lai là rất cần thiết”.

Cần bổ sung để quy định khả thi

Để quy định này khả thi hơn, bà Vũ Thị Khuyên kiến nghị Ngân hàng Nhà nước quy định chủ đầu tư dự án (bên được bảo lãnh) phải mở tài khoản tại ngân hàng thương mại (bên bảo lãnh).

Tài khoản này được dùng để nhận tiền thanh toán mua nhà, thuê mua nhà hình thành trong tương lai của khách hàng. Đồng thời, tài khoản này cũng dùng để thanh toán cho nhà thầu, các nhà cung cấp vật liệu xây dựng theo tiến độ thi công công trình.

Theo bà Khuyên, quy định này sẽ giúp đảm bảo cho ngân hàng giám sát được dòng tiền của doanh nghiệp, tránh tình trạng doanh nghiệp dùng tiền của khách hàng vào mục đích khác.

HoREA kiến nghị nên để doanh nghiệp bảo hiểm tham gia bảo lãnh nhà hình thành trong tương lai

Khi có ngân hàng bảo lãnh nhà hình thành trong tương lai, người tiêu dùng sẽ an tâm khi ký hợp đồng mua

Về phía doanh nghiệp, bà cũng khuyên là cần xây dựng kế hoạch triển khai dự án khả thi hơn, tránh để “hụt hơi” khi thi công thực tế để hạn chế rủi ro cho chính doanh nghiệp.

Về việc giá nhà có thể tăng, bà Khuyên đề nghị doanh nghiệp giảm tỷ lệ lợi nhuận, gánh 1 phần chi phí bảo lãnh chứ không nên đẩy hết chi phí này vào giá thành, chuyển hết gánh nặng giá về phía người tiêu dùng.

Còn HoREA thì kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính cho phép các công ty bảo hiểm có uy tín, có năng lực tham gia thực hiện hoạt động bảo lãnh này thay vì chỉ cho ngân hàng làm. Theo lãnh đạo HoREA, hiện trên thị trường đã có nhiều doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện hoạt động bảo lãnh dự thầu và đã được bên mời thầu chấp thuận.

Ông Lê Hoàng Châu nói: “Các công ty bảo hiểm hiện nay đang hoạt động theo phương thức chỉ thu phí bảo hiểm, không yêu cầu ký quỹ hoặc tài sản thế chấp. Việc này sẽ làm giảm nhẹ gánh nặng cho chủ đầu tư dự án và người tiêu dùng khi mua, thuê mua BĐS hình thành trong tương lai”.

Hai đại biểu khác tại buổi tọa đàm là luật sư Trương Thị Hòa (Đoàn Luật sư TPHCM) và ông Nguyễn Xuân Thành (Giám đốc Chương trình Fulbright) cũng đồng tình với ông Lê Hoàng Châu. Ông Thành cho rằng: “Điều 56 vô hình chung đã hạn chế các tổ chức khác tham gia bảo lãnh BĐS. Các công ty bảo hiểm, các tổ chức tín dụng đều có thể đứng ra bảo lãnh hợp đồng, vì thế nên cho họ tham gia”.

Công Quang

 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm