Bảo hiểm nông nghiệp: tại sao không?

Trong mấy năm gần đây, người nông dân điêu đứng vì các vụ dịch bệnh liên tục xảy ra. Nuôi tôm bị dịch bệnh trong vài ngày là trắng tay; cà phê bị nấm, sâu cũng mất mùa, vụ cúm gà H5N1 làm nhiều nhà nửa tỉnh nửa điên... Đâu rồi bảo hiểm nông nghiệp cho người dân?

"Phải chi có bảo hiểm"

Về Cần Giờ (TPHCM) lúc này chuyện thời sự sẽ là chuyện bán đất. Chẳng phải vì sốt đất lên ngút trời mà là vì người nuôi tôm phải bán đất để trả nợ nhà nứơc. Người ít thì vài chục triệu, người nhiều thì vài trăm triệu. Chưa kể đến những món nợ vay nóng bên ngoài mà đến hẹn cũng phải trả.

Chị Lê Thị Thiệt, ấp An Nghĩa, xã An Thới Đông cho biết "ở đây thiếu gì người bán đất vì nuôi tôm. Lúc đầu nuôi còn có lời. Nhiều hộ nuôi về sau này càng mần càng lỗ nặng. Không bán thì lấy tiền đâu mà trả cho ngân hàng...".

Cũng hoàn cảnh éo le như người nuôi tôm Cần Giờ, hơn 1.000 hộ chăn nuôi gà tại Củ Chi cũng đang lâm vào cảnh thiếu nợ tứ phương. Nợ tiền cám của chủ bán thức ăn gia súc, nợ tiền vay nhà nước phải cầm bằng khóan đất...

Khi được hỏi có bảo hiểm cho đàn gà hơn 1.000 con của mình hay không thì một hộ nông dân ngơ ngác: "Tui có nghe nói gì đến việc bảo hiểm hay bảo kê gì đâu. Chỉ biết là bây giờ không biết làm gì để có tiền trả nợ đây. Vay ngân hàng nữa thì họ không cho khi mình chưa trả hết cái cũ. Mà tiền đầu tư xây chuồng trại còn chưa lấy lại được vốn nữa là. Nếu có bảo hiểm chắc không đến nỗi điêu đứng như bây giờ...".

Thật ra, sau đợt cúm gia cầm lần một, nhiều câu hỏi đặt ra là nên có một chính sách hay bảo hiểm cho người nông dân để tránh những tổn thất lớn sau nạn đại dịch. Tuy nhiên, các công ty bảo hiểm lớn, bé đều im hơi lặng tiếng trước câu hỏi lớn không lời đáp này. Từ các công ty bảo hiểm nước ngoài hay nhà nước đều né tránh.

Lý do bởi vì nếu có đưa ra loại hình bảo hiểm này ngay tức khắc sẽ có nguy cơ lỗ vốn. Và cũng bởi vì thị trường bảo hiểm nông nghiệp là một thị trường rất "khó chơi".

Tại ai?

Thật ra trước đây, vào thập niên 90, công ty bảo hiểm Bảo Việt đã đi tiên phong trong việc đưa ra loại hình bảo hiểm nông nghiệp. Sau đó vài năm, đến lượt công ty Bảo Minh cũng tiếp nối đưa ra loại hình sản phẩm này nhắm vào thị trường cây cao su, cá ba sa, bò sữa và con tôm cho nông dân các tỉnh miền Tây.

Với hoài bão to lớn là người tiên phong cho thị trường nhiều hứa hẹn này, cả hai đều thực hiện việc điều tra nhu cầu,nghiên cứu tập quán nuôi trồng, tặng sản phẩm để giới thiệu, và cũng quảng bá việc bán sản phẩm bảo hiểm ra thị trường.

Thế nhưng, do nhu cầu thất thường; lúc được mùa, khi mất mùa của người chăn nuôi không ổn, có khi chẳng thấy thất bát, nên chuyện quan tâm đến việc mua bảo hiểm ngày càng lụi dần theo năm tháng.

Cùng vào cuộc với 2 công ty Việt Nam còn có một công ty bảo hiểm của Pháp cũng tham gia mảng bảo hiểm nông nghiệp cho thêm phần xôm tụ. Đến nay, thị trường bảo hiểm nông nghiệp là chuyện đã xa của Bảo Minh và Bảo Việt. Riêng công ty bảo hiểm của Pháp vẫn tiếp tục hoạt động theo chân người nông dân nhưng cũng rất khiêm tốn trong việc duy trì và mở rộng thị phần.

Theo ông Lê Văn Thành, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Bảo Minh, vấn đề là nhận thức của người nông dân về chăn nuôi vẫn còn theo kiểu tự sản, tự cung. Nếu có thất bại cũng tự chịu mà không nghĩ đến việc bảo hiểm cho vật nuôi, cây trồng của mình.

Trước đây, Bảo Minh cũng dự tính sẽ ký hợp đồng với một công ty chuyên cung cấp, xuất khẩu lúa gạo để bảo hiểm cho những nông dân trồng lúa. Vì giá thành sẽ được đẩy lên nếu ký hợp đồng, nên doanh nghiệp này gõ cửa chính phủ về việc giảm hay có chính sách hỗ trợ để thực hiện, thì đụng đâu cũng khó.

Kết cục vụ này cũng đâu lại hoàn đấy. Theo các công ty bảo hiểm, đây là một thị trường đầy tiềm năng vì nông dân chiếm đến 80% dân số Việt Nam. "Thật là tiếc khi chúng tôi không thể tiếp tục tham gia vào thị phần bảo hiểm nông nghiệp. Quan trọng là người dân phải thấy được quyền lợi khi tham gia bảo hiểm của mình và nhà nước cũng cần có sự chính sách khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm như hỗ trợ phí đóng hay giúp vốn... thì mới có hy vọng vực dậy và mở rộng được thị trường này" ông Thành nhận xét.

Bao giờ thị trường bảo hiểm nông nghiệp sẽ là cứu cánh của người dân trong tình hình chăn nuôi đầy những bất trắc do dịch bệnh và thiên tai luôn xảy ra, nếu nhà nứơc không có những động thái tích cực để bảo vệ công sức của người nông dân.

Theo Hà Nội mới