1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Bảo hiểm: “Đừng phê phán đầu tư sai”

(Dân trí) - “Việc đầu tư là do mỗi doanh nghiệp tự quyết. Nếu không thành công, chúng ta đừng phê phán họ đầu tư sai vì trong đầu tư càng mạo hiểm thì càng sinh lời cao” - quan điểm của Tổng Thư ký hiệp hội bảo hiểm Việt Nam.

Bảo hiểm: “Đừng phê phán đầu tư sai” - 1
Doanh nghiệp bảo hiểm ngoại đang ở thế áp đảo ở thị trường Việt Nam.
 
Bên lề hội thảo “Một số thách thức lớn đối với doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam trong quá trình hội nhập”, ông Phùng Đắc Lộc - Tổng Thư ký hiệp hội bảo hiểm Việt Nam đã có cuộc trao đổi với báo giới.

Ông nhận định như thế nào về môi trường kinh doanh bảo hiểm ở Việt Nam?

Môi trường kinh doanh bảo hiểm ở Việt Nam có tiềm năng rất lớn. Đó là toàn bộ thị trường nông nghiệp, nông thôn, thị trường tư nhân… nhà ở và tài sản các cá nhân cũng chưa được khai thác hết.

Đáng chú ý là, toàn bộ công trình của các tổ chức, cơ quan chính quyền địa phương hoạt động bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước đều chưa được khai thác vì chưa có ngân sách cấp để tham gia bảo hiểm, nên khi xảy ra tổn thất vẫn phải sử dụng ngân sách để giải quyết những thiệt hại.

Ngoài ra, với mức tăng trưởng như hiện nay, hàng năm chúng ta thu hút một lượng vốn lớn từ ODA, FDI và vốn đầu tư toàn xã hội. Như vậy, đầu tư càng phát triển thì nhu cầu bảo hiểm càng cao.

Nếu tiềm năng lớn như vậy thì chẳng khác nào “mỏ vàng” cho các doanh nghiệp bảo hiểm…?

Đúng là tiềm năng lớn nhưng cạnh tranh cũng rất gay gắt. Trên thực tế, không phải đơn thuần 27 doanh nghiệp đang kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ cạnh tranh với nhau mà là 350 chi nhánh của các doanh nghiệp bảo hiểm (hoạt động như những công ty con) cạnh tranh với nhau.

Ông có khuyến cáo gì với các doanh nghiệp khi tham gia vào thị trường bảo hiểm?

Việc đầu tư là do mỗi doanh nghiệp tự quyết. Nếu không thành công, chúng ta đừng phê phán họ đầu tư sai vì trong đầu tư, càng mạo hiểm thì càng sinh lời cao. Vấn đề là kiểm soát rủi ro một cách kịp thời, chặt chẽ.

Anh, chị có thể khuyên tôi hôm nay mua một cổ phiếu chứng khoán nào không? Rõ ràng không thể khuyên được, mỗi người có một linh cảm, một đánh giá khác nhau.

Theo ông, thách thức nào hiện nay là lớn nhất đối với các doanh nghiệp bảo hiểm?

Bảo hiểm: “Đừng phê phán đầu tư sai” - 2

Ông Phùng Đắc Lộc.

Đó là CNTT. Để phát triển lĩnh vực bảo hiểm, cần phải có một hệ thống CNTT hoàn chỉnh phục vụ cho quá trình khai thác và quản lý nội địa.

Nếu khai thác và nhập hết dữ liệu vào máy thì sẽ hỗ trợ được rất nhiều cho các doanh nghiệp về mặt thời gian, độ chính xác trong việc tra cứu khách hàng, đối tượng bảo hiểm hay công tác hạch toán kế toán, bồi thường…

Tại sao một số lĩnh vực khác, điển hình ngân hàng đã ứng dụng rất tốt CNTT trong khi ngành bảo hiểm vẫn coi đây là một trở ngại?

Chúng tôi đã kiến nghị Chính phủ đầu tư và cũng nên quản lý các doanh nghiệp bảo hiểm bằng CNTT như ngân hàng. Các ngân hàng đều ứng dụng CNTT và ngân hàng nhà nước quản lý tất cả các dữ liệu ví dụ như: cho vay.

Tôi rất tiếc là trong hệ thống các dịch vụ tài chính như: ngân hàng, chứng khoán, sổ xố kiến thiết và nhiều lĩnh vực khác nữa đã được nhà nước đầu tư về CNTT, kể cả đào tạo nguồn nhân lực, hệ thống phần mềm.

Trong khi đó, doanh nghiệp bảo hiểm chưa nhận sự đầu tư của nhà nước, mà muốn làm được thì cần có giải pháp trợ giúp của nhà nước.

Ông dự báo thế nào về sự phát triển của lĩnh vực bảo hiểm trong thời gian tới?

Như tôi đã nói, tiềm năng là rất lớn và sự phát triển là tất yếu. Bằng chứng là trong 6 tháng đầu năm, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tăng 15,8%, bảo hiểm nhân thọ đạt 8,7%. Điều đó chứng tỏ tốc độ tăng trưởng bảo hiểm cao nhất so với các ngành khác.

Và theo như đánh giá của một số nhà nghiên cứu thị trường bảo hiểm ở Việt Nam, tốc độ tăng trường bảo hiểm ở Việt Nam sẽ đạt tới 25%/năm vào những 2013.

Xin cám ơn ông!

Lan Hương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm