1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Bao giờ Việt Nam mới thoát khỏi cái bóng "kém phát triển"

(Dân trí) - Theo các chuyên gia kinh tế, tâm lý “Việt Nam vẫn là nước kém phát triển”, sẽ làm nảy sinh tư tưởng thủ cựu, chậm cải cách, không vươn lên ở bộ phận cơ quan nhà nước hiện nay.

Việt Nam đã và đang gia nhập sâu rộng vào xu hướng toàn cầu hóa với nhiều hiệp định có tính liên khu vực  rất cao. Tuy nhiên, ngay tại sân chơi ASEAN, Việt Nam vẫn ở trong bốn nước kém phát triển (CLMV – Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam).

Theo các chuyên gia, dù có một số lợi ích nhưng tư tưởng “cam chịu” ở trong các nước kém phát triển của khối ASEAN suốt 20 năm sẽ khiến kinh tế Việt Nam chịu nhiều tác động hơn là được hưởng đặc quyền. Cụ thể nhất là các chính sách cải cách kinh tế chậm chạp. Tâm lý không muốn thoát khỏi cái bóng của mình dễ nảy sinh tư tưởng bảo thủ và trì trệ trong yêu cầu cải cách nhanh chóng của một số cơ quan Nhà nước được

Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ được thành lập sau hơn 10 ngày nữa
Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ được thành lập sau hơn 10 ngày nữa

Chúng ta đang chậm cả về nhận thức lẫn hành động

Trong khuôn khổ hội nghị về “Cộng đồng ASEAN và hành động của Việt Nam” vừa diễn ra tại Hà Nội, nhiều chuyên gia đã lo ngại những khó khăn khi Việt Nam gia nhập sân chơi này ngày càng lớn hơn bởi thời điểm thành lập cộng đồng vào ngày 31/12/2015 chỉ còn được tính bằng ngày.

Theo ông Nguyễn Sơn, Phó Vụ trưởng Ủy ban quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế - Bộ Công Thương, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ tạo ra một khu vực liên kết kinh tế rộng lớn, hàng rào thuế quan được xóa bỏ. Một thị trường hơn 650 triệu dân cùng GDP hơn 2.60 tỷ USD sẽ là cơ hội cho mọi nền kinh tế tham gia.

Tuy nhiên, ông Sơn cũng bày tỏ quan ngại, một môi trường chung được xác lập, sẽ không có nước nào có cơ chế và được hưởng ưu đãi riêng về đầu tư và thị trường. Thời gian biểu bảo hộ thị trường bằng hàng rào thuế quan ở Việt Nam đã hết. Chính vì vậy, chúng tôi lo ngại sẽ có làn sóng rút dần một số nhà máy từ Việt Nam sang nước có cơ sở vật chất mềm như hành lang chính sách, thể chế kinh tế, thủ tục thuế, hải quan tốt hơn để làm cứ điểm sản xuất mới.

Chính vì vậy, đây là lúc Việt Nam cầm vươn lên cạnh tranh với các nước trong khu vực bằng nền kinh tế năng động, bộ máy quản lý hiện đại chứ không chỉ là chi phí sản xuất rẻ chỉ với những thợ may và thợ hàn điện tử nữa.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định: So với các nước, Việt Nam đã và đang chậm về cả nhận thức và hành động. Theo Phó Thủ tướng, mặc dù các cơ quan Nhà nước Việt Nam tích cực hội nhập, đưa đất nước tham gia sâu vào xu hướng liên kết, hợp tác đa phương hóa trong nhiều ngành và lĩnh vực để theo kịp xu thế quốc tế. Song trên thực tế nhiều bộ, ban ngành cũng như cộng đồng doanh nghiệp, người dân vẫn chưa nhận thức được những thời cơ hội nhập để nắm lấy và vượt qua những thách thức.

Kém phát triển suốt 20 năm!?

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, các cơ quan ban ngành của Việt Nam cần thoát khỏi mặc định rằng “Việt Nam là nước kém phát triển” nên cần được "ưu tiên”. Nhưng không có những ưu tiên nào mà không phải trả giá, càng mở cửa nhanh, càng vấp phải khó khăn càng sớm trưởng thành.

Trong tất cả các hiệp định Việt Nam đã tham gia, ngay cả với ASEAN, các nước đều cho Việt Nam được hưởng ưu đãi vì nền kinh tế kém phát triển hơn như lộ trình xóa bỏ thuế quan muộn hơn, hỗ trợ vay vốn ưu đãi cho các dự án. Tuy nhiên, những tác dụng của chính sách chỉ ngắn hạn, không thể dựa dẫm mãi.

Bà Lan nói: “Không thể có chuyện hơn 30 năm chúng ta vẫn kém phát triển được. Càng không thể biện minh cho lý do tại sao 20 năm gia nhập ASEAN (1995), Việt Nam vẫn mãi nằm trong 4 nước kém phát triển cần được ưu tiên. Trong khi đó, các nước Lào. Campuchia, Myanmar đã từng bước vươn lên, có thu nhập bình quân/người đã gần vượt Việt Nam rồi”.

Bà Lan phân tích, việc Việt Nam nằm trong nhóm 4 nước này có một số lợi ích như được hưởng thời gian xóa bỏ thuế quan muộn hơn, được các nước hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực hay vay vốn phát triển cơ sở hạ tầng… "Tuy nhiên, khi anh đã mặc định mình là kém phát triển, tiếng nói của anh trong các quyết sách về kinh tế của khu vực sẽ tương đồng với vị thế của mình", bà Lan đánh giá.

Nguy hiểm hơn, theo các chuyên gia kinh tế, tâm lý “Việt Nam vẫn là nước kém phát triển”, sẽ làm nảy sinh tư tưởng thủ cựu, chậm cải cách, không vươn lên ở bộ phận cơ quan nhà nước hiện nay.

T.S Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay: “Để tăng cường khả năng hội nhập, nhiều nghị quyết về cải cách thể chế kinh tế gắn tiêu chuẩn chung của khu vực và quốc tế được Chính phủ, Quốc hội và các nhà kinh tế đưa ra. Nghị quyết 19 của Chính phủ về Cải cách môi trường kinh doanh với những quyết tâm chính trị rất cao của Thủ tướng và yêu cầu các Bộ, ban ngành vào cuộc. Nhưng khi tổng kết, chúng tôi thấy nhiều bộ không thực hiện, không báo cáo tiến độ thực hiện cho Thủ tướng. Chính tư duy Việt Nam kém phát triển sẽ khiến cho cải cách thể chế chậm chạp so với yêu cầu cấp thiết của hội nhập. Là cơ hội biện minh cho chậm cải cách và phát triển”, ông Hồ nhấn mạnh.

Nguyễn Tuyền