Bao giờ mới tính điện nhiều giá cho dân bớt thiệt?
Các doanh nghiệp, nhà máy sử dụng điện được tính giờ cao điểm, thấp điểm, trung bình còn người dân thì đang quá thiệt thòi khi sử dụng điện “đổ đồng” một giá…
Dân chịu thiệt!
Hiệp hội Năng lượng Việt Nam vừa đề xuất xây dựng lại biểu giá điện, đồng thời khuyến nghị ngành điện phải áp dụng cách tính giá điện giờ cao điểm, thấp điểm, trung bình cho cả người dân; tức người dân cũng phải được lắp công tơ 3 giá và tính giá như với các doanh nghiệp, nhà máy hiện nay.
Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, việc các hộ dân chưa được lắp công tơ 3 giá điện (cao điểm, thấp điểm, trung bình) là rất thiệt thòi. Hóa đơn điện của người dân tăng vọt một phần cũng chính là vì lý do này. Người dân muốn tiết kiệm tiền điện, dùng thiết bị điện vào giờ thấp điểm cũng vẫn bị tính như giá điện giờ cao điểm nên tiền điện phải trả không thể giảm dù cùng sử dụng một lượng điện.
Theo ông Ngãi, giá điện đối với các hộ công nghiệp (doanh nghiệp, nhà máy...) được tính theo công tơ 3 giá, tức là có giá giờ cao điểm, thấp điểm và trung bình nên họ có lợi rất nhiều. Bởi vào giờ thấp điểm (ban đêm), giá điện chỉ bằng 1/5 so với giờ cao điểm. Nhiều nhà máy, doanh nghiệp đã tăng ca, sản xuất vào các giờ điện giá thấp để giảm chi phí tiền điện phải trả. Còn với giá điện “đổ đồng” trong sinh hoạt của người dân hiện nay, thì họ phải trả tiền điện cao cho bất kỳ thời điểm sử dụng nào.
“Việc xem xét điều chỉnh biểu giá điện từ 6 bậc xuống 3 bậc mà Bộ Công Thương đang đề xuất thực hiện chỉ là một phần hạn chế của biểu giá điện lũy tiến hiện nay, mấu chốt là ngành điện cũng phải lắp công tơ 3 giá cho người dân để tránh thiệt thòi cho họ” - ông Ngãi đề xuất.
GS.Viện sĩ Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội điện lực Việt Nam cũng nêu rằng, việc điện tử hóa khâu đo đếm điện năng đang trở thành yêu cầu bắt buộc, không sớm thì muộn ngành điện cũng phải làm khi thực hiện thị trường điện cạnh tranh.
“Đến năm 2020-2021, thị trường điện bán lẻ cạnh tranh sẽ được hình thành, nếu không có các công tơ điện tử đa năng, có thể đo đếm điện ở nhiều thời điểm khác nhau, giá khác nhau, đo đếm cả 3 giá điện thì chúng ta không thể thị trường hóa lĩnh vực bán lẻ điện cạnh tranh được” - ông Long nhấn mạnh.
Lợi sao chưa làm?
Theo Hội điện lực Việt Nam, tỷ lệ sử dụng công tơ điện tử đo đếm điện sinh hoạt của người dân, hộ gia đình hiện nay vẫn còn quá thấp, mới chiếm 20-25% chung trong toàn ngành điện. Các công tơ điện tử này đều có khả năng tính 3 giá nhưng do giá điện sinh hoạt đang chỉ áp dụng một biểu giá điện lũy tiến duy nhất nên dù được dùng công tơ điện tử, người dân vẫn trả giá điện theo một giá.
“Giá điện sẽ còn tiếp tục tăng lên theo từng năm. Do vậy nếu không áp dụng cách thức tính lượng điện sử dụng của người dân theo nhiều giá, người dân sẽ rất thiệt thòi. Tôi được biết, từ những năm 2002-2003, ngành điện đã nghiên cứu chương trình lắp đặt công tơ có tính giờ cao điểm, thấp điểm cho các hộ gia đình nhưng không hiểu sao đến nay vẫn chưa được áp dụng” - ông Trần Đình Long bày tỏ.
Ông Long khẳng định: Công tơ điện nhiều giá, hay 3 giá rất có lợi cho người tiêu dùng. Cụ thể: Người tiêu dùng có thể điều chỉnh lượng điện sử dụng của mình theo hướng có lợi, không dùng điện vào giờ cao điểm. Do vậy, số lượng điện có thể như nhau, ví dụ hai nhà dùng 100 kWh, nhưng nhà nào dùng nhiều điện vào giờ thấp điểm sẽ phải trả số tiền ít hơn nhà dùng điện vào giờ cao điểm.
“Trên thế giới, giá điện giờ cao điểm chênh lệch so với giá điện giờ thấp điểm tới 2-3 lần, mức chênh quá lớn như vậy rất có lợi cho người sử dụng điện. Trong gia đình có rất nhiều thứ không cần dùng điện vào giờ cao điểm, như máy giặt, bình nóng lạnh, bơm nước… người dân hoàn toàn có thể chọn giờ thấp điểm để sử dụng. Trên thị trường, nhiều sản phẩm thiết bị điện cũng đã có xu hướng cài đặt thời gian, chế độ sử dụng để người sử dụng có thể dùng tùy lúc, như quạt, ti vi… Vậy tại sao ngành điện lại không thể thiết kế biểu giá điện nhiều giá cho người dân?!” - ông Long phân tích.
Các chuyên gia cũng cho rằng, áp nhiều giá điện thì bản thân ngành điện cũng “có lợi chứ không thiệt”. Bởi điện sinh hoạt hiện nay dùng cùng lúc giờ cao điểm sẽ gây quá tải cho ngành điện. Họ có thể phải huy động nguồn điện đắt tiền hơn để đáp ứng nhu cầu điện vào giờ cao điểm. Trong khi đó, giờ thấp điểm thì lại thừa điện, không dùng hết.
Rõ ràng lợi là thế nhưng chuyển đổi của ngành điện trong vấn đề này lại đang quá chậm chạp. Đại diện một công ty điện lực tại Hà Nội cho biết, tất cả là do “vướng ở khâu đầu tư, nguồn lực vật chất và cả con người của ngành điện hiện nay chưa thể đáp ứng tốt cho việc chuyển đổi này” - vị này cho biết.
Trước đó, lãnh đạo Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, muốn áp dụng công tơ nhiều giá thì EVN bắt buộc phải thay thế toàn bộ 22 triệu công tơ cơ hiện có bằng công tơ điện tử 3 giá. Theo tính toán của chính ngành điện, trong vòng 5 năm tới, nếu có đủ kinh phí, mỗi năm EVN phải thay thế từ 4 - 5 triệu công tơ, chưa kể số phát triển thêm khoảng 500 nghìn đến 1 triệu công tơ điện mỗi năm. Với chi phí trung bình khoảng 600 - 700 nghìn đồng/công tơ, đến năm 2020 khi cơ bản thay thế hoàn toàn công tơ điện tử, EVN phải bỏ ra lượng kinh phí khoảng trên 10.000 tỉ đồng.
Trong khi đó, EVN đã giao cho các Tổng công ty điện lực thay thế công tơ điện tử này theo lộ trình tối ưu hóa chi phí và tăng năng suất lao động của của Tập đoàn để không làm tăng giá điện.
Với việc áp biểu giá điện lũy tiến 6 bậc mới từ ngày 16.3.2015, hóa đơn tiền điện của nhiều hộ gia đình đã tăng đột biến gấp 1,5 lần đến 3 lần so với trước. Do đó Bộ Công Thương đã chỉ đạo, yêu cầu Cục Điều tiết Điện lực nghiên cứu, xem xét lại biểu giá và cách tính giá điện bán lẻ theo hướng có ít bậc thang hơn và đặc biệt là phải rút ngắn được mức chênh lệch về giá tiền giữa các bậc. Về vấn đề này, lãnh đạo Bộ Công Thương vừa qua đã cho ý kiến, sẽ điều chỉnh giảm mức bậc thang trong biểu giá điện. Theo đó, trong tương lai gần sẽ điều chỉnh biểu giá điện từ 6 bậc như hiện nay xuống còn 3 bậc và hướng tới 1 bậc.
Theo Mai Hương
Dân Việt