Bão gây ngã đổ hàng ngàn hecta cao su, người nông dân “đứt ruột” cắt bán củi nhưng bị ép giá

(Dân trí) - Bão số 12 khiến hàng ngàn hecta cao su tại các huyện Sông Hinh, huyện Sơn Hòa (Phú Yên) gãy đổ. Sau bão, người dân gom cao su làm củi bán, mong vớt vát chút đỉnh, nhưng lại bị thương lái ép giá…

Bão số 12 làm tan nát gần 1.500 hecta cao su của người dân tỉnh Phú Yên

Theo thống kê của 2 huyện Sơn Hòa và Sông Hinh, bão số 12 đã làm đổ ngã, gãy 1.464,6 hecta (ha) cao su tiểu điền, trong đó huyện Sơn Hòa với 769 ha; huyện Sông Hinh với 1.245,6 ha cao su bị ảnh hưởng gió bão, trong đó có 695,6 ha thiệt hại trên 70%, 200 ha thiệt hại từ 50-70%...

Cây cao su ngã như đốn hạ

Vườn cao su rộng 16 ha của bà Trần Thị Điệp ở thôn Suối Phèn, xã Sơn Long (huyện Sơn Hòa), trung bình một tháng cho thu hoạch 4 tấn mủ đông, với giá bán hiện nay 9.000 đồng/kg, trừ chi phí thuê công cạo, trút mủ bà thu được hơn 18 triệu đồng.

Bà Trần Thị Điệp đau xót nhìn vườn cây cao su tan nát sau bão
Bà Trần Thị Điệp đau xót nhìn vườn cây cao su tan nát sau bão

Thế nhưng, cơn bão số 12 vừa qua, vườn cao su của bà Điệp bị gió bão quật ngã nằm ngổn ngang, những cây còn lại lay gốc sau này có thể chết hoặc không chết thì sản lượng mủ cũng chả được bao nhiêu.

Bà Điệp buồn bã nói: "Vườn cao su của tôi đã trồng được hơn 10 năm, thời kỳ này là “cao điểm” để lấy mủ, thu vốn, ngờ đâu bão ập đến tàn phá mọi thứ, cây ngã như đốn hạ, thế là chúng tôi mất trắng sau 10 năm gày dựng. Lâu nay cả gia đình dựa vào vườn cao su, vừa có tiền trang trải cuộc sống, vừa trả nợ ngân hàng. Sắp đến không biết làm gì ra tiền trang trải nợ nần?".

Những cây có đường kính 50 - 60 cm nhưng vẫn bị gió bão quật ngã
Những cây có đường kính 50 - 60 cm nhưng vẫn bị gió bão quật ngã

Cách đó không xa, vườn cao su của anh Nguyễn Văn Vui ở thôn Tân An, xã Ea Bar ( huyện Sơn Hòa) cũng tan hoang. Hàng cây cao su đường kính gốc 50 - 60 cm bị bẻ gãy ngang thân, nhựa ứa chảy trắng thân. “Tôi trồng hơn 2 ha cao su và đã thu hoạch được 8 năm nay. Cây đến thời kỳ thu hoạch thì lại bị vậy, không biết trồng cây gì cho thích hợp với thời tiết khắc nghiệt của miền Trung bây giờ?”, anh Huy ngao ngán nói.

Theo thống kê hoảng 60% diện tích cây cao su của người dân bị gió quật ngã
Theo thống kê hoảng 60% diện tích cây cao su của người dân bị gió quật ngã

Theo ông Ksor Héc, Chủ tịch UBND xã Ea Bar, cho biết: Trên địa bàn xã có đến 60% diện tích cây cao su bị thiệt hại do cơn bão số 12 gây ra. Gió mạnh kèm mưa lớn nên hầu hết những diện tích cao su lâu năm bị gãy, đổ. Những cây bị bung rễ, long gốc cũng rất lâu mới phục hồi được, dù có phục hồi thì năng suất cũng không thể đảm bảo như cũ.

Nhiều cây bị bung miệng (chỗ cạo mủ) làm sản lượng mủ sau này giảm đáng kể
Nhiều cây bị bung miệng (chỗ cạo mủ) làm sản lượng mủ sau này giảm đáng kể

Để giải quyết diện tích cây cao su bị thiệt hại trên địa bàn, ông Nay Y Blung, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, cho biết: Sau bão, UBND huyện chỉ đạo UBND các xã vận động bà con nhân dân các địa phương có diện tích các loại cây trồng bị thiệt hại như cao su, cây ăn quả... bị ngã đổ dọn dẹp, tận thu. Đối với diện tích cao su ngã đổ thì vận động nhân dân thu dọn nhanh để trồng sắn, nhanh chóng ổn định sản xuất.

Chặt cây cao su bán củi nhưng bị thương lái ép giá

Dọc theo tuyến đường vào xã Sông Hinh (huyện Sông Hinh), những ngày qua, nông dân ra sức thu dọn cây cao su ngã đổ chất đống ven đường bán củi để mong sao vứt vác được phần nào hay phần ấy. Thế nhưng, vì số lượng cây ngã đổ là quá lớn nên một số thương lái cố tình ép giá xuống 2/3 giá thường ngày.

Ông Trần Văn Hồng, một người dân ở đây đang cùng vợ chặt dọn vườn cao su, rầu rĩ nói: Gió bão quật vườn cao su tan tành, mấy ngày mưa nhưng vợ chồng tôi ráng dầm mình thu dọn cây gãy, cành nhánh bán cho thương lái kiếm đồng nào mừng đồng nấy.

Theo ông Hồng, cao su to thương lái mua 150.000 đồng/cây, vườn cao su trung bình 500 cây thì bán được 75 triệu đồng, thế nhưng gần đây nhiều người chặt bán nên thương lái ép giá, chỉ còn chưa đầy 100.000 đồng/cây.

Do số lượng người bán củi cao su quá nhiều nên thương lái ép giá từ 150.000 đồng/cây xuống còn 100.000 đồng/cây
Do số lượng người bán củi cao su quá nhiều nên thương lái ép giá từ 150.000 đồng/cây xuống còn 100.000 đồng/cây

Tại xã Ea Ly (huyện Sông Hinh) người dân ở đây cũng tập trung chặt cưa những vườn cao su ngã đổ để tận thu sản phẩm. Bà Bùi Thị Tuyết ra vườn cao su sau nhà kéo cành nhánh gãy chất đống nói: Sau bão, cao su ngã đổ lấp đường bê tông. Số cây gãy thì thu dọn nhanh, còn số cây gãy nhưng dính một phần vào gốc thì chặt lâu hơn. Vườn cao su nhà tôi nằm sâu bên trong, hiện đường đi còn lún nên thương lái ép giá trả mua 15 triệu đồng/ha, phía ngoài thì 20 triệu đồng/ha.

Trao đổi về việc nông dân bị ép giá ông Nguyễn Minh Gia Nho, Chủ tịch UBND xã EaLy nói: Vấn đề giá cả giảm là do cơ chế thị trường, cung nhiều nhưng cầu ít thì giá cả tất nhiên sẽ giảm. Còn nếu trường hợp nào mà họ ép bà con quá, bà con báo lên thì Xã sẽ có cơ chế để xử lý thỏa đáng chứ không để bất cứ bà con nào bị thiệt thòi trong vấn đề này.

Trung Thi