Phú Yên:

Mất hơn 200 tỷ đồng sau bão, người nuôi tôm "khát" vốn để khôi phục sản xuất

(Dân trí) - Sau bão số 12, nhiều gia đình nuôi trồng thủy sản ở Phú Yên rơi vào cảnh trắng tay, bao nhiêu vốn liếng, của cải để bị bão cuốn đi. Đến nay, người dân muốn khôi phục sản xuất nhưng vấn đề nguồn vốn đối với họ bây giờ là thực sự khó khăn.

Mất trắng sau bão, người nuôi tôm cần nguồn vốn để tái sản xuất

Nuôi trồng thủy sản là nghề kinh tế chủ yếu của nhiều hộ dân ở Phú Yên, trong đó 2 "thủ phủ" tôm hùm lớn nhất là thị xã Sông Cầu và Vũng Rô (huyện Đông Hòa). Bão số 12 đã qua đã cuốn đi tất cả của người dân nơi đây, trong đó, nặng nhất là vùng Vịnh Hòa, xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu.

Theo thống kê bước đầu của TX. Sông Cầu, hơn 3.900 lồng với gần 900.000 con tôm hùm ở đây đã mất sạch, thiệt hại ước tính trên 175 tỷ đồng; tại vùng nuôi Vũng Rô với hơn 186 lồng bè tôm hùm với giá trị lên đến hàng trăm tỷ đồng cũng bị mất, chết lên đến trên 50%.


Hàng trăm tỷ đồng ở vùng nuôi tôm hùm Vịnh Hòa bị bão cuốn đi

Hàng trăm tỷ đồng ở vùng nuôi tôm hùm Vịnh Hòa bị bão cuốn đi

Hàng trăm tỷ đồng bị bão cuốn đi.

Bà Nguyễn Thị Sáu, thôn Vịnh Hòa, xã Xuân Thịnh (TX. Sông Cầu) rơm rớm nước mắt nói: “Bão vào cuốn đi hết tất cả rồi các anh ạ! Hơn 1,1 tỷ đồng 3 mẹ con chúng tôi tích góp cả hơn chục năm trời giờ về tất cả với biển. Giờ dân tôi ở đây ai cũng muốn nuôi lại nhưng vốn đâu. Hết thật rồi!…”


Nhiều người nuôi tôm mong muốn tái sản xuất nhưng không tìm ra nguồn vốn

Nhiều người nuôi tôm mong muốn tái sản xuất nhưng không tìm ra nguồn vốn

Cũng không khá hơn bao nhiêu ông Trần Xuân Long cùng trú tại thôn Vịnh Hòa nói: "Nhà tôi cũng mất hơn 250 triệu. Người dân ở vùng nuôi này hầu như là mất trắng, nhà ít thì vài trăm triệu, nhiều lên đến hàng chục tỷ đồng. Số tiền trên ai cũng phải vay mượn cả, thế nhà, thế đất mà để đổ cả vào con tôm, giờ ra cơ sự này. Dân Vịnh Hòa chúng tôi mong sao Nhà nước có hỗ trợ được phần nào hay phần đó, nếu được cho chúng tôi vay lại một số vốn để vượt qua cơn khó khăn này".


Nhiều ngày qua, người dân Phú Yên tổ chức đưa thuyền ra lặn bắt lại tôm hùm bị mất

Nhiều ngày qua, người dân Phú Yên tổ chức đưa thuyền ra lặn bắt lại tôm hùm bị mất

Còn tại vùng nuôi Vũng Rô, ông Lê Hữu Hạnh nói: "Nếu không có trận bão số 12, ngày hôm nay, chúng tôi ở đây nhà nào cũng có tôm hùm để bán. Nhưng giờ, tôm hùm trong lồng còn lại không quá 1/3. Mấy ngày qua, cả làng ở đây ai cũng đi lặn tìm, dùng lưới đánh bắt, mong sao tìm được con nào hay con ấy. Số tôm còn sống, hiện chúng tôi làm lồng bè mới để nuôi, chăm thức ăn cho chúng. Bão này gây thiệt hại nặng nề, hầu như dân ở đây không còn vốn đầu tư nên nhiều người dồn sức để giữ lấy chỗ tôm hùm còn lại.

Người nuôi tôm chuẩn bị thức ăn để cứu vãn số tôm còn sống sót
Người nuôi tôm chuẩn bị thức ăn để cứu vãn số tôm còn sống sót
Mất hơn 200 tỷ đồng sau bão, người nuôi tôm "khát" vốn để khôi phục sản xuất - 5

Khoanh nợ và tạo các khoản vay mới cho người dân

Sau bão, Đoàn công tác của Tổng cục Thủy sản cùng các ngành chức năng tỉnh Phú Yên đi khảo sát tình hình thiệt hại tại các vùng nuôi thủy sản trong tỉnh. Khó khăn lớn nhất để phục hồi vùng nuôi là nguồn vốn. Hầu hết vốn liếng của các gia đình đều đổ vào lồng bè nuôi cá, tôm, nhiều gia đình vẫn nợ vay ngân hàng.

Ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa bão, các ngân hàng cũng tổ chức đánh giá khoanh nợ. Vấn đề đặt ra hiện nay là các địa phương phải thống kê kịp thời, đầy đủ.

Tuy nhiên, theo ông Trần Đình Luân, ngoài chính sách khoanh nợ, cần có các khoản vay mới lãi suất thấp để người nuôi khôi phục sản xuất.

Các cấp các ngành tỉnh Phú Yên đang tìm cách hỗ trợ người dân, tạo điều kiện để họ có cơ hội khôi phục sản xuất
Các cấp các ngành tỉnh Phú Yên đang tìm cách hỗ trợ người dân, tạo điều kiện để họ có cơ hội khôi phục sản xuất

“Một trong những giải pháp quan trọng lúc này chính là tổ chức cho bà con liên kết lại thành các hợp tác xã, tổ hợp tác, từ đó tạo ra những vùng nuôi ứng dụng công nghệ cao hơn tránh rủi ro như cơn bão vừa qua”, ông Luân đề xuất.

Còn theo ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNN tỉnh Phú Yên, cho biết tỉnh đang thống kê thiệt hại của người nuôi tôm hùm. "Chỉ mới bước đầu đã thấy thiệt hại quá lớn. Chúng tôi đang thống kê để đề nghị trung ương hỗ trợ theo Nghị định 02 của Chính phủ. Đối với ngân hàng, chúng tôi cũng đề nghị Chính phủ có chỉ đạo giãn nợ, khoanh nợ giúp người nuôi tôm hùm gượng dậy chứ năm nay thiệt hại quá" - ông Phương nói.

Trung Thi