"Ế" vốn, ngân hàng đổ tiền vào trái phiếu chính phủ

(Dân trí) - Theo đánh giá của Ủy ban GIám sát Tài chính Quốc gia, các yếu tố như lạm phát được kiểm soát ở mức thấp và mặt bằng lãi suất trong xu hướng giảm đang tạo cơ sở để lãi suất cho vay có thể giảm thêm 2 - 3 điểm % trong thời gian tới.

Tăng trưởng tín dụng thấp trong thời gian qua (ảnh minh họa).
Tăng trưởng tín dụng thấp trong thời gian qua (ảnh minh họa).

Tiền ngân hàng chủ yếu “chảy” vào trái phiếu Chính phủ

Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTCGQ) mới có bản báo cáo về tình hình kinh tế vĩ mô tháng 4/2013. Theo đánh giá của tổ chức này, lạm phát tại Việt Nam đã được kiểm soát ở mức thấp. Trong đó, chỉ số lạm phát (CPI) tháng 4/2013 tăng nhẹ 0,02% so với tháng 3/2013 và qua 4 tháng đầu năm 2013 chỉ tăng ở mức 2,41% so với đầu năm.

Số liệu mà tổ chức này cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, sau gần 3 tuần đầu tiên của tháng 4, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt khoảng 1,14% so với cuối năm 2012. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng 4 tháng đầu năm 2012 giảm 0,85% so với cuối năm 2011.

Tuy nhiên, Ủy ban Giám sát cho rằng con số này vẫn thấp hơn nhiều so với nhu cầu vốn của nền kinh tế.

Theo tính toán của Ủy ban, chỉ tính riêng quý I/2013 để đảm bảo tổng vốn đầu tư đạt mức đề ra tăng trưởng tín dụng trong quý I/2013 cần phải đạt mức tăng ít nhất 1,5% so với cuối năm 2012 (tương đương mức tăng thêm khoảng 50 nghìn tỷ đồng). Nhưng tính đến giữa tháng 4/2013, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng mới chỉ đạt khoảng 1,44% so với đầu năm.

Hiện tượng này, theo bản báo cáo, được hình thành bởi 2 nguyên nhân chủ yếu: do tỷ lệ nợ xấu cao khiến nhiều ngân hàng tiếp tục tăng mạnh huy động nhưng chủ yếu là để trả nợ những khoản huy động cũ đáo hạn; và do khó khăn trong việc tìm đầu ra tín dụng, vốn huy động chủ yếu được tập trung vào đầu tư tài chính phi tín dụng như đầu tư trái phiếu Chính phủ cho dù lợi suất trái phiếu Chính phủ có những thời điểm đã hạ xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua.

Cũng theo tính toán của Ủy ban Giám sát, những tháng đầu năm, thông qua phát hành trái phiếu, ngân sách Nhà nước đã huy động được nguồn vốn lớn để đầu tư nhằm gia tăng tổng cầu, tuy nhiên tốc độ giải ngân chậm đã khiến khả năng hỗ trợ tổng cầu từ ngân sách Nhà nước không đạt được hiệu quả như mong đợi do còn một lượng vốn lớn chưa được giải ngân.

Như vậy, “có thể nói rằng, tỷ lệ nợ xấu tăng cao gây tắc nghẽn nguồn vốn tín dụng ngân hàng cùng với tốc độ giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước chậm đang tạo nên tác động kép gây ra hiệu ứng loại trừ đầu tư khu vực tư nhân ngoài mong muốn do nguồn vốn chủ yếu đi vào khu vực nhà nước, cho dù Chính phủ không chủ động mở rộng chính sách tài khóa”, bản báo cáo nhấn mạnh.
 
Lãi suất cho vay có thể giảm tới 3 điểm %?
 
Về lĩnh vực tiền tệ, theo đánh giá của Ủy ban Giám sát, thời gian qua lãi suất cho vay trên thị trường 2 ở mức tương đối thấp, tập trung chủ yếu vào kỳ hạn qua đêm và 1 tuần với mức lãi suất phổ biến từ 3 - 5%. Các yếu tố như lạm phát được kiểm soát ở mức thấp và mặt bằng lãi suất trong xu hướng giảm đang hình thành nên cơ sở để lãi suất cho vay có thể giảm thêm 2 - 3% trong thời gian tới.

Giảm lãi suất cho vay có thể là một “phương thuốc” để kéo tín dụng tăng trở lại. Bởi theo Ủy ban Giám sát, một số nguyên nhân khiến tín dụng tăng thấp trong thời gian qua có thể kể đến như lãi suất cho vay còn cao so với khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp và tỷ lệ nợ xấu cao khiến tín dụng khó tăng mạnh dù huy động vẫn đạt mức tăng khá.

Tuy nhiên, lực cầu quá yếu cũng là nguyên nhân khiến cho những yếu tố thường gây áp lực lớn đến CPI như việc tăng giá xăng, tăng giá thuốc và dịch vụ y tế (trong tháng 4, đã có 3 tỉnh thành tăng giá dịch vụ y tế là Hải Phòng, Bình Thuận, Nam Định) cũng không gây nhiều tác động đến việc tăng chỉ số giá chung.

Xét trong bối cảnh chung, tình hình sản xuất vẫn còn nhiều khó khăn do chi phí đầu vào cao và sản phẩm đầu ra tiêu thụ chậm dẫn đến hàng tồn kho dù có giảm nhưng vẫn ở mức cao. Khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng hạn chế kết hợp với những khó khăn trong kinh doanh sản xuất, theo đánh giá của tổ chức này, đang gây ra những tác động tiêu cực khiến nguồn lực của doanh nghiệp dần cạn kiệt, số doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc phá sản vì vậy vẫn tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm trước.

“Có thể nói, sự suy yếu của doanh nghiệp trong giai đoạn này sẽ không chỉ làm gia tăng sức ép lên thu ngân sách Nhà nước năm 2013 mà còn có thể gây ra những ảnh hưởng nhất định đến đà hồi phục tăng trưởng kinh tế của năm sau”, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhìn nhận. Và theo phân tích của tổ chức này, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do tổng cầu của nền kinh tế vẫn yếu.

Ngay cả đối với hoạt động xuất nhập khẩu, con số nhập siêu khoảng 1 tỷ USD trong tháng 4 cũng chưa cho thấy biểu hiện rõ ràng của sự gia tăng tổng cầu và sản xuất trong thời gian tới mà chỉ đơn thuần mang ý nghĩa kĩ thuật do kim nghạch xuất khẩu (giảm 7,6% so với tháng 3) giảm mạnh hơn kim ngạch nhập khẩu (giảm 7,6% so với tháng 3).

Nguyễn Hiền