Báo cáo của IMF lo ngại về TTCK Việt Nam

Thông tin mới nhất đến với thị trường đầu xuân lại là một tín hiệu không vui khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) gửi một báo cáo riêng cho Bộ Tài chính và UBCKNN đánh giá về tình hình hiện tại của TTCK Việt Nam.

IMF khuyến cáo gì?

"Thứ sáu tuần trước (23/2), IMF có gửi một báo cáo cho chúng tôi, trong đó đánh giá về tình hình thị trường cũng như kiến nghị một số giải pháp" - Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng cho biết.

Theo những thông tin ban đầu, bản báo cáo có so sánh thị trường Việt Nam với các trường hợp tương tự ở các nước trong khu vực khi có đợt lên giá rất mạnh.

"Kể cả so sánh tỉ lệ phần trăm và chỉ số P/E thì mức P/E bình quân của thị trường Việt Nam đều cao hơn mức P/E bình quân của các nước trong những thời điểm cao nhất, "sốt" nhất.

Việc so sánh này theo tôi cũng là để chúng ta tham khảo, không phải là sự so sánh đầy đủ giữa thị trường Việt Nam với các thị trường khác" - ông Bằng nói.

Mặc dù tại buổi khai trương sàn giao dịch Hà Nội ngày 26.2, ông Bằng cho biết dự kiến UBCK sẽ công bố bản báo cáo này để nhà đầu tư có thông tin tham khảo.
 
Tuy nhiên, trao đổi qua điện thoại với phóng viên, ông Bằng từ chối đưa ra những thông tin chi tiết về bản báo cáo này với lý do IMF chỉ gửi riêng cho Bộ Tài chính và UBCKNN nên việc công bố cũng cần cân nhắc.

Theo ý kiến của một nhà đầu tư chuyên nghiệp, gần đây có khá nhiều nhận định của các chuyên gia nước ngoài về TTCK Việt Nam. Tuy nhiên cũng chỉ nên coi đây là ý kiến tham khảo vì "từ ngoài nhìn vào khó có thể xem xét hết đặc điểm của thị trường".
 
Một động lực khiến thị trường sẽ còn tăng trưởng mạnh trong trung và dài hạn là nguồn tiền chờ giải ngân của các quỹ đầu tư nước ngoài còn rất lớn. Điểm dễ nhận thấy là lượng ngoại tệ đang rất dồi dào và đồng USD đang giảm giá.

Coi chừng "vơ bèo vạt tép"

Lưu ý đáng cân nhắc của một số chuyên gia là tình trạng khan hàng tạm thời tiếp tục căng thẳng đã dẫn đến sự tăng giá đồng loạt ở hầu hết các cổ phiếu. "Việc tăng giá trần đồng loạt luôn là dấu hiệu không tốt" - một ý kiến giấu tên nhận xét.
 
Đây hoàn toàn là tác động của tâm lý hưng phấn quá mức của nhà đầu tư từ thực tế cung - cầu chênh lệch lớn. Khi hàng chục tỉ đồng đổ vào mua, nhưng lượng bán ra lẻ tẻ sẽ kích thích xu hướng tranh mua trần.

Nếu loại trừ yếu tố tâm lý, đáng lẽ thời điểm này thị trường sẽ dao động khá ổn định và có sự phân hoá vì mất động lực hỗ trợ giá - báo cáo kết quả kinh doanh 2006 đã được công bố - và một số cổ phiếu bị kích giá trước đó khi kết quả kinh doanh không tốt như kỳ vọng sẽ giảm.

Tuy nhiên, lượng dư mua khổng lồ trong khi rất ít cổ phiếu bán ra bao nhiêu được vét sạch bấy nhiêu đã khiến hầu hết đều tăng giá kịch biên độ. Việc tăng giá theo kiểu "nước nổi bèo nổi" đã từng xảy ra trong các chu kỳ bùng nổ của thị trường, nhưng đều không kéo dài lâu. Đối với những cổ phiếu tăng giá quá cao thì mức độ điều chỉnh sẽ rất mạnh và khó phục hồi.

Trong ngắn hạn, yếu tố mới tác động đến giá cổ phiếu chủ yếu là nội dung họp đại hội cổ đông của các doanh nghiệp niêm yết. Ngoài chuyện thông qua kết quả kinh doanh 2006 và mục tiêu lợi nhuận, kế hoạch kinh doanh 2007, thông tin có thể "kích" giá mạnh nhất là khả năng chia tách, phát hành thêm cổ phiếu.

Khi Luật Chứng khoán có hiệu lực (từ 1/1/2007), hàng chục công ty có quy mô vốn dưới 80 tỉ đồng sẽ đứng trước áp lực tăng vốn và dự báo sẽ có làn sóng phát hành thêm cổ phiếu.

Thông tin chi tiết về khuyến cáo của IMF, chúng tôi sẽ chuyển đến bạn đọc trong thời gian sớm nhất.

Theo Nguyễn Hoàng
Báo Lao động