Báo Anh nói về "bước nhảy vọt phi thường" của tỷ phú Phạm Nhật Vượng

Kim Dung

(Dân trí) - Vingroup dự định đưa thương hiệu ô tô "cây nhà lá vườn" đầu tiên của Việt Nam - VinFast - ra nước ngoài.

Tập đoàn Vingroup đang lên kế hoạch thâm nhập vào Mỹ - một trong những thị trường ô tô cạnh tranh nhất thế giới. Không chỉ ô tô, VinFast còn muốn bán cả những loại xe cao cấp, bao gồm cả ô tô điện - một phân khúc vẫn đang trong quá trình tạo dựng lòng tin với người tiêu dùng - vào thị trường này.

Cùng với một số hãng xe khác như Tesla, VinFast vừa nhận được giấy phép thử nghiệm xe điện với tính năng tự lái trên đường phố ở California. Trước đó, Vingroup từng đánh tiếng về việc xây dựng một văn phòng nghiên cứu, thậm chí là cả một nhà máy ở Mỹ. Mục tiêu cuối cùng của tập đoàn này là chính phục người tiêu dùng tại thị trường ô tô lớn thứ hai thế giới.

Theo Financial Times, đây là một bước nhảy vọt phi thường về niềm tin cũng như sự tự tin của ông Phạm Nhật Vượng, nhà sáng lập ra Vingroup và cũng là người giàu nhất Việt Nam.

Ông Vượng đã cam kết chi 2 tỷ USD "tiền túi" của mình để phát triển mảng ô tô. Trong khi đó, VinFast cũng đang xem xét niêm yết tại Mỹ hoặc sáp nhập với một công ty mua lại có mục đích đặc biệt. Tuần trước, hãng xe này cho biết đang làm việc với các cố vấn, gồm JPMorgan và Deutsche Bank, về kế hoạch trên. 

"Công ty sẽ ra thông báo sau khi quyết định được phương án phù hợp", Vingroup nói với Financial Times khi được hỏi về kế hoạch niêm yết.

Báo Anh nói về bước nhảy vọt phi thường của tỷ phú Phạm Nhật Vượng - 1

VinFast đang lên kế hoạch niêm yết tại Mỹ (Ảnh: Getty Images).

Trước đó, vào tháng 4, Reuters dẫn lời các nguồn cận tin cho hay kế hoạch niêm yết này sẽ định giá VinFast ở khoảng 60 tỷ USD, cao hơn vốn hóa thị trường hiện tại của hãng xe 117 năm tuổi - Ford Motor - vài tỷ USD. 

Kế hoạch của Vingroup dành cho VinFast được đưa ra trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam khuyến khích phát triển các doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn có khả năng xây dựng thương hiệu quốc gia.

"Chính phủ Việt Nam muốn thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa và xem công nghiệp ô tô là một ngành then chốt để đưa Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu cũng như phát triển một thương hiệu ô tô toàn cầu. Nó cũng là biểu tượng cho sự trỗi dậy của Việt Nam", ông Lê Hồng Hiệp - nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak tại Singapore - nhận định.

Nếu nói có ai đó sẵn sàng gánh vác trọng trách này thì đó là Vingroup. Tập đoàn được thành lập vào năm 1993 với tên gọi là Technocom tại Ukraine - nơi ông Vượng khởi nghiệp thành công với mì gói trước khi bán lại cho Nestlé để quay trở về quê hương đầu tư. Vingroup ban đầu đầu tư chủ yếu vào lĩnh vực bất động sản và các khu nghỉ dưỡng - một mảng kinh doanh hiện vẫn sinh ra "núi" tiền cho tập đoàn này.

Trong suốt thập kỷ qua, Vingroup dần mở rộng sang lĩnh vực bán lẻ với thương hiệu VinMart, điện thoại và tivi với thương hiệu VinSmart và các lĩnh vực mới như trí tuệ nhân tạo và thường hợp tác với các đối tác nước ngoài. Còn với VinFast, công ty này đã mua lại bản quyền sở hữu trí tuệ của BMW và hợp tác với nhà thiết kế hàng đầu Pininfarina để phát triển những chiếc xe đầu tiên.

Tuy nhiên, ông Vượng đang dần thoát khỏi một số mảng kinh doanh để tập trung phát triển ô tô. Trong đó, Vingroup từ bỏ kế hoạch thành lập một hãng hàng không vào đầu năm ngoái, ngay trước khi dịch Covid-19 bùng phát ở Việt Nam. Đồng thời, tập đoàn bán lại mảng bán lẻ của mình cho Masan. Gần đây nhất, Vingroup đã "khai tử" thương hiệu VinSmart.

Trong khi đó, VinFast - được cho là đã chọn đúng thời điểm thị trường vốn của Mỹ đang sôi động - có thể huy động tới 3 tỷ USD thông qua kế hoạch niêm yết tại đây. Bất chấp lịch sử hoạt động ngắn ngủi, VinFast có lẽ vẫn có cơ hội khẳng định được bản thân với tư cách là một "tay chơi" công nghệ với sản phẩm ô tô điện chạy bằng trí tuệ nhân tạo. Tháng 1, VinFast từng ra mắt 3 mẫu xe tự lái.

Tuy nhiên, công nghệ và sản xuất ô tô vẫn là những ngành kinh doanh khó nhằn bởi những đối thủ có tiếng trên thị trường vẫn đang cạnh tranh gay gắt với nhau. "Cũng giống như bất kỳ công ty khởi nghiệp nào trong ngành xe điện, VinFast sẽ gặp phải nhiều thách thức khi gia nhập thị trường Mỹ. Một trong những câu hỏi mà họ phải trả lời được là bạn làm cách nào để thuyết phục người tiêu dùng Mỹ chịu mua sản phẩm của một thương hiệu mới", theo Michael Dunne - CEO của công ty tư vấn cho ngành ô tô ZoZo Go.

Với mảng ô tô điện, lại càng có nhiều thách thức hơn, như việc xây dựng trạm sạc điện. Tuy nhiên, ông Dunne cho rằng VinFast có thể hưởng lợi từ việc chính quyền Tổng thống Joe Biden đang thúc đẩy ngành xe điện và thị trường này vẫn còn rất mới với người tiêu dùng. "Vẫn có cơ hội cho VinFast chinh phục người mua xe điện trước khi đấu trường này trở nên quá đông đúc", ông nói.