1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Bánh trung thu: 1 vốn... 10 lời

Bánh trung thu loại thường có giá thành chỉ hơn 10.000 đồng/cái nhưng được bán với giá 60.000 - 100.000 đồng/cái. Các loại bánh càng cao cấp thì người sản xuất càng lãi to.

Cách nay khoảng 2 tuần, bánh trung thu đã đua nhau giảm giá mạnh. Nhiều loại bánh treo bảng mua 1 tặng 1, thậm chí tặng tới 2. Nhiều người nghĩ các cơ sở, doanh nghiệp làm bánh chắc phải lỗ nặng mới có kiểu giảm giá như thế nhưng không phải.  

Đua nhau “kích” giá

Giới kinh doanh cho biết làm bánh trung thu rất lời, bỏ ra 1 đồng vốn nhưng thu đến 10 đồng lãi. Chỉ cần làm một mùa bánh trung thu là có thể sống khỏe cả năm. Đó là chỉ tính tiêu thụ được 1/2 hoặc 2/3  lượng bánh đã sản xuất, còn tiêu thụ hết 100% thì sống khỏe... cho cả năm sau.

Hầu như năm nào cũng vậy, đến mùa bánh trung thu, nhiều hãng bánh lớn lại tăng giá 10%-15%. Cách nay vài năm, giá bánh trung thu 250 g (loại 2 trứng) chưa tới 40.000 đồng/cái nhưng do tăng giá liên tục nên nay có giá đến 60.000 - 80.000 đồng/cái, thậm chí cả 100.000 đồng/cái.
 
Bánh trung thu khuyến mãi mua 1 tặng 1. (Ảnh chụp tại một quầy bán bánh ở quận 6 - TPHCM)
Bánh trung thu khuyến mãi mua 1 tặng 1. (Ảnh chụp tại một quầy bán bánh ở quận 6 - TPHCM)

Các hãng bánh lớn nắm được thị hiếu khách hàng và xác định đây là mặt hàng làm quà biếu nên họ chăm chút bao bì, gói quà sao cho bắt mắt, sang trọng. Một hộp bánh loại thượng hạng giá đã bị đẩy lên gần 2 triệu đồng, còn loại bình bình cũng phải 400.000 - 600.000 đồng/hộp. Lãnh đạo của một hãng bánh tiết lộ giá càng cao càng chứng tỏ đẳng cấp, nếu có mức giá thấp sẽ bị đánh giá là không sang trọng. Do đó, giá bánh trung thu chỉ có tăng chứ không hề giảm.

Các hãng bánh lớn chạy đua về giá vô tình giúp cả trăm cơ sở nhỏ, hộ làm bánh kiểu gia đình có cơ hội “đu” theo giá quá hời này. Họ chỉ cần bán rẻ hơn từ 5.000 - 10.000 đồng/cái là có khách hàng tìm đến. Ông Quách Tại, chủ một cơ sở bánh ở quận 6 - TPHCM, cho biết: “Tôi chỉ cần bán nửa giá của các hãng bánh lớn là lãi to rồi”.

Giá bèo cũng “nổ”

Ông Bùi Văn Tám, chủ một lò bánh trung thu ở quận 6 (vừa giải nghệ do lớn tuổi), cho biết không có loại bánh nào lời như bánh trung thu. Hằng năm, ông chỉ làm bánh trung thu có một tháng mà nuôi cả nhà gần chục miệng ăn, còn dư dả mua nhà, dựng vợ, gả chồng cho các con.

Theo ông Tám, giá đậu xanh hiện nay cao lắm cũng chỉ 48.000 đồng/kg, đậu đen 40.000 đồng/kg, mè đen 55.000 đồng/kg, đường cát trắng 23.000 đồng/kg (mua sỉ 16.000 - 17.000 đồng/kg), bột mì chỉ 10.000 đồng/kg. Muốn tiết kiệm thì mua nhân trộn sẵn của Trung Quốc bán đầy chợ Bình Tây với giá 50.000 - 60.000 đồng/kg.
 
Cộng các loại nguyên liệu cho ra 1 kg bánh trung thu loại đậu xanh 2 trứng, khoai môn giá cao lắm cũng chỉ 50.000 đồng/kg, tức khoảng hơn 10.000 đồng/cái. Còn loại bánh cho là thập cẩm có thịt gà quay, vịt quay, heo quay, lạp xưởng… chưa tới 20.000 đồng/cái. Những cơ sở làm ăn đàng hoàng mới có giá thành như vậy; còn những cơ sở làm ăn gian dối, sử dụng nguồn trứng trôi nổi quá hạn sử dụng, nguyên liệu heo, gà, vịt biến chất với giá rẻ thì giá thành còn thấp hơn nhiều.
 
Những loại bánh trung thu cao cấp được quảng cáo có vi cá, hải sâm, nhân sâm, bào ngư, yến sào... còn lãi khủng khiếp hơn. Bánh có giá 150.000 - 300.000 đồng/cái (hoặc cao hơn, gần 400.000 đồng/cái) sẽ có mức lãi lớn hơn rất nhiều lần các loại bánh thông thường.
 
Giám đốc một công ty bánh kẹo tại TPHCM thừa nhận: Nguyên liệu yến sào trong bánh trung thu có tỉ lệ rất thấp, không đáng kể, chỉ đưa vào cho có. Vi cá, nhân sâm cũng vậy, chỉ rất ít, thậm chí nhiều cơ sở chẳng thèm đưa nguyên liệu cao cấp này vào nhưng vẫn “nổ” ngất trời.
 
Phát hiện nhiều loại bánh nhái

Trong tuần qua, Chi cục QLTT TPHCM đã kiểm tra, phát hiện nhiều vụ kinh doanh bánh trung thu không ghi hạn sử dụng, quá hạn sử dụng, nhái, giả nhãn hiệu. Trong đó,  một cơ sở bánh trung thu ở xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh sản xuất 493 cái bánh trung thu xâm phạm nhãn hiệu của Tập đoàn Kinh Đô.  
 
Khảo sát thị trường bánh trung thu trên địa bàn TPHCM cho thấy nhãn hiệu Đồng Khánh bị xâm phạm nhiều nhất, kế đến là nhãn hiệu Kinh Đô bị nhái logo, giả cả chữ Trung Quốc.
 
Theo Nguyễn Hải
Người Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm