1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Bán thịt trong 8 tiếng: Khó tính giờ, mập mờ xử phạt

(Dân trí) - Khó xác định thời gian của thịt sau giết mổ, việc xử phạt cũng không quy định rõ ràng khiến cho việc thực hiện Thông tư 33 của bộ NN&PTNT gây tranh cãi.

Thịt sống phải bán trong 8 giờ sau giêt mổ. Thịt bảo quản lạnh được bán trong 72 giờ, phụ phẩm như dạ dày, lòng non, ruột già được bán trong 24 kể từ khi giết mổ...
 
Đó là những điểm gây tranh cãi trong Thông tư 33 của bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.Với quy định này thì tiểu thương cho rằng với quy định thời gian 8 tiếng thì bán không hết, chỉ còn biết lấy ít hàng hơn để bán chỉ trong buổi sáng. Còn chuyên gia cho rằng không biết cách nào để tính thời gian theo quy định.
 
Với Thông tư 33, liệu người dân có được ăn thịt sạch, an toàn?
Với Thông tư 33, liệu người dân có được ăn thịt sạch, an toàn?
 
Tám giờ bán không hết, ướp lạnh không ai mua
 
18h, tại các chợ là thời điểm đông đúc nhất trong ngày. Vào thời gian này, các bà nội trợ tan sở tranh thủ ùa vào các chợ để chuẩn bị bữa tối. Theo quan sát của PV, các gian hàng bán thịt lợn, bò, gà thời điểm này đều hoạt động hết công suất.
 
Khi được hỏi về sắp tới sẽ quy định chỉ được bán thịt sống trong 8 giờ, các tiểu thương đều cho rằng: Làm vậy thì dẹp chợ. “Làm vậy, sao trong buổi sáng bán hết thịt được”, chị Nhung chủ quầy thị lợn tại chợ Thành Công nói.
 
Theo các tiểu thương, hầu hết các mặt hàng thịt bày bán đều có từ thời gian giết mổ ba tới năm giờ sáng, thịt được lấy bán cả trong ngày. Theo chị Lan, chủ quầy bán thịt lợn tại chợ cóc Vũ Thạnh thì chỉ khi hôm nào đó thiếu hàng thì mới gọi lấy thêm thịt từ các lò giết mổ.
 
Tại các lò giết mổ này có tủ lạnh cỡ lớn để trữ thịt, tuy nhiên theo các tiểu thương thì rất ngại lấy thịt được ướp lạnh. “Thịt lấy thêm thường được các lò giết mổ ướp lạnh nên người mua sờ thấy lạnh cũng không thích. Thịt ướp lạnh chỉ bán được trong siêu thị thôi chứ ra chợ thì đụng vào miếng thịt thấy lạnh chả ai thèm ngó nữa. ”, chị Lan nói.
 
Theo chị Nhung chủ quầy thịt lợn tại chợ Thành Công thì quy định thời gian bán trong 8 giờ thì phải giết mổ chia làm hai lần trong ngày, một lần vào đêm tờ mờ sáng để bán sáng và trưa, một lần giết mổ nữa vào trưa để bán cho buổi chiều.
 
“Làm vậy sẽ thay đổi hết quy trình. Lại phải thêm một lần lấy hàng nữa. Nhưng không biết các lò giết mổ họ có làm hai lần trong ngày không”, chị Nhung băn khoăn.
 
Làm sao tính giờ?
 
Đi chợ vào chiều tối, sau giờ tan tầm thì tâm lý người mua bao giờ cũng cẩn thận hơn nhiều so với mua buổi sáng. 18h tại chợ Thành Công (Đống Đa, Hà Nội) các bà nội trợ ngoài sờ vào miếng thịt để biết có phải thịt đông lạnh hay không thì nhiều người còn đưa cả miếng thịt ngửi mùi để phân biệt thời gian.
 
Trả lời báo chí về Thông tư 33, Ông Nguyễn Xuân Dương, Cục phó Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho rằng trong điều kiện bình thường, sau 8 giờ giết mổ, chất lượng thịt sẽ suy giảm và rất dễ nhiễm vi khuẩn. Thậm chí, nhiều nước phát triển còn bắt buộc kinh doanh thịt phải bảo quản trong thiết bị giữ lạnh từ 0 đến 5 độ C.
 
Ông Trần Công Xuân, chủ tịch Hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho rằng những quy định trong Thông tư 33 là cần thiết để người tiêu dùng có thể ăn thịt an toàn. Theo ông Xuân điểm mấu chốt của Thông tư 33 là làm sao kiểm tra được thời gian bày bán sau khi giết mổ.
 
“Trong trường hợp này chỉ có mỗi tiểu thương là biết chính xác thời gian giết mổ. Còn người tiêu dùng, muốn biết thì có thể dùng tay, mũi kiểm tra. Tuy nhiên, để phân biệt thịt quá thời gian phụ thuộc rất nhiều vào nhiệt độ. Nếu vào mùa hè trời nóng, thịt để nhiệt độ ngoài trời có thể bốc mùi nhưng vào mùa đông nhiệt độ giảm chỉ trên dưới 10 độ C thì không thể phân biệt”, ông Xuân nói.
 
Về quy định thời gian sau giết mổ, ông Xuân muốn lưu ý là nếu thịt bảo quản lạnh thì sẽ không có cách nào để biết được. Theo ông Xuân, thịt bảo quản từ 0 tới 5 độ C thì kể cả dùng tay hay mũi cũng chịu.
 
Mặt khác, theo vị chủ tịch của Hội gia cầm thì vấn đề xử phạt được trao cho chi cục thú y các địa phương nhưng bản thân ông Xuân cũng không rõ là sẽ xử phạt thế nào. “Các quy định thịt nhiễm bệnh, dịch thì đã có quy định, khung xử phạt rất rõ. Nhưng hiện tại tôi cũng không biết, thịt được bày bán quá 8 giờ ở nhiệt độ bình thường, quá 24 hay 72 giờ ở chế độ bảo quản lạnh thì có phải thịt nhiễm bệnh hay không và xử phạt là thế nào”, ông Xuân cho biết.
 
Trong thông tư 33, ở chương 4 về Tổ chức thực hiện chỉ nói “Việc tiến hành kiểm tra và xử lý vi phạm phải tuân thủ theo quy định của pháp luật hiện hành” mà không nói rõ hay nhắc lại “quy định pháp luật hiện hành” nếu vi phạm quá thời gian sẽ bị xử phạt như thế nào và mức phạt là bao nhiêu.
 
Thông Chí

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm