1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Ban lãnh đạo SHB mới thiếu sếp Habubank

(Dân trí) - Chủ tịch Hội đồng Quản trị SHB Đỗ Quang Hiển cho biết, ban lãnh đạo SHB “mới” vẫn giữ nguyên các thành viên cũ của SHB. Bởi đây là thương vụ Habubank sáp nhập vào SHB, chứ không phải hợp nhất như trường hợp SCB.

Hoàn tất thương vụ sáp nhập, thương hiệu Habubank biến mất khỏi thị trường (ảnh minh họa).

Hoàn tất thương vụ sáp nhập, thương hiệu Habubank biến mất khỏi thị trường (ảnh minh họa).

Trả lời báo giới tại cuộc họp báo Công bố quyết định của Ngân hàng Nhà nước về việc sáp nhập Habubank vào SHB sáng nay 9/8, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cho biết: Việc Habubank “về chung một nhà” với SHB là thương vụ sáp nhập nên HĐQT của SHB vẫn giữ nguyên.

Do đó, nếu các thành viên trong HĐQT Habubank có nguyện vọng tham gia vào HĐQT SHB sẽ phải đề xuất và xin ý kiến cổ đông để bầu bổ sung sau. Hiện tại, HĐQT của SHB vẫn gồm 7 người cũ của SHB, chưa có chủ tịch HĐQT Habubank hay tổng giám đốc của ngân hàng này.

Tại cuộc họp sáng nay, báo giới dễ dàng nhận thấy nét buồn khó giấu trên gương mặt của ông Nguyễn Văn Bảng, Chủ tịch HĐQT Habubank và bà Bùi Thị Mai, Tổng Giám đốc ngân hàng này. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Bảng, Habubank làm ăn kém dẫn đến thua lỗ và phải sáp nhập là do quản trị kém. “Sau thất bại này, dù tiếc nuối khi bỏ thương hiệu nhiều năm xây dựng nhưng vẫn phải nhìn vào thực tế để đi lên”, ông Bảng tâm sự.

Như vậy, kể từ hôm nay, thương hiệu Habubank - ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên sau 20 năm tồn tại - đã chính thức biến mất khỏi thị trường.

Chia sẻ tại cuộc họp báo, ông Đỗ Quang Hiển dùng hai chữ “thành công” khi nói về thương vụ của mình. Bởi theo vụ Chủ tịch này, nếu để SHB tự thân phát triển, HĐQT của SHB cũng như các chuyên gia tính toán nhanh phải mất 5 năm cộng thêm chi phí đầu tư không nhỏ mới có được quy mô như sau khi sáp nhập. Trong khi đó, thương vụ với Habubank chỉ mất 7 tháng, với mức chi phí hợp lý.

Nói về nợ xấu sau sáp nhập, Tổng giám đốc SHB Nguyễn Văn Lê cho hay, sau khi sáp nhập Habubank, tỷ lệ nợ xấu của SHB là 8,69%. Trong đó, nợ xấu của Habubank là 3.729 tỷ đồng, chiếm hơn 33% tổng dư nợ của Habubank (đã tính nợ xấu của Vinashin trừ 30% chuyển sang trái phiếu). Dự kiến tăng trưởng tín dụng năm nay của SHB là 13 - 15%, toàn bộ hệ thống thẻ ATM cũ của hai ngân hàng được giữ nguyên và khách hàng vẫn có thể sử dụng như bình thường.

Về việc xử lý hai công ty chứng khoán mà SHB và Habubank đang nắm cổ phần, ông Hiển cho rằng, SHB có công ty chứng khoán nhưng không phải là công ty con bởi SHB chỉ 10% vào SHS. Còn Habubank có công ty chứng khoán Habubank (Habubank nắm khoảng 98% cổ phần). Sau khi sáp nhập, SHB trình Ủy ban chứng khoán việc công ty chứng khoán Habubank tiếp tục là công ty con, nhưng lộ trình sẽ bán cổ phần mà Habubank nắm giữ tại công ty chứng khoán, chứ không duy trì tỷ lệ như hiện nay.

Theo đó, Công ty chứng khoán Habubank cũng sẽ đổi tên thành Công ty chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (SHBS), tương tự như ngân hàng Habubank đổi tên thành ngân hàng SHB.

Nguyễn Hiền