Bán hàng online như thế nào sau iOS 14.5?
(Dân trí) - Giới chuyên gia cho rằng những người bán hàng online cần đa dạng hóa nền tảng giao tiếp và phục vụ khách hàng, trong đó tối ưu nhất là tận dụng các sàn thương mại điện tử thay vì lệ thuộc quá nhiều vào Facebook như trước đó.
Cuối tháng 4, Apple chính thức ra mắt bản cập nhật iOS 14.5, yêu cầu các ứng dụng phải xin phép người dùng trước khi theo dõi hoạt động của họ. Điều này hạn chế dòng dữ liệu Facebook nhận được để thực hiện quảng cáo hiệu quả, qua đó không ít nhà bán hàng ngay lập tức sụt giảm doanh thu.
Cần tận dụng nền tảng kinh doanh online trực tuyến
Theo giới chuyên gia, đây là lúc các doanh nghiệp và cửa hàng mở rộng nền tảng quảng cáo và bán hàng. Những đơn vị có tiềm lực có thể xây dựng website riêng hoặc tìm đến báo chí và các công cụ của Google. Còn đối với những nhà bán hàng quy mô vừa và nhỏ, việc tận dụng các sàn thương mại điện tử đang được xem là giải pháp tối ưu.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam cho biết: "Sàn thương mại điện tử nơi quy tụ hàng chục triệu lượt truy cập mỗi tháng là kênh tiếp cận lượng lớn khách hàng tiềm năng. Thêm vào đó, các nền tảng này cũng thường xuyên cải tiến với nhiều công cụ quảng cáo và chiến dịch bán hàng được chú trọng đầu tư. Chính vì thế, đây chắc chắn sẽ là nền tảng kinh doanh mà các nhà bán hàng nên nhanh chóng tận dụng để nâng cao doanh thu của mình, thay vì lo lắng khi bị phụ thuộc vào quá nhiều vào một nền tảng và thắt chặt tương tác".
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Kiên Giang - chủ cửa hàng Hufuholic trên trang TMĐT phổ biến hiện nay cho biết, khó khăn lớn nhất khi mới kinh doanh là khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng mới và mở rộng mô hình kinh doanh. Khi chuyển sang kinh doanh online, anh đã tận dụng các chương trình marketing miễn phí có sẵn trên các nền tảng online này, để kết nối với khách hàng một cách dễ dàng hơn và tiếp cận được nhiều khách hàng mới, từ đó phát triển quy mô nhanh chóng.
"Shopee đã giúp Hufuholic lột xác từ một nhà bán hàng online nhỏ thành chuỗi mỹ phẩm có tiếng và trở thành nền tảng xây dựng sự nghiệp của tôi", ông Nguyễn Kiên Giang nói.
Đừng bỏ qua các kênh sẻ chia kiến thức, đồng hành lâu dài
Rõ ràng là lợi thế của sàn TMĐT chính là tài nguyên người dùng, tuy nhiên, một lợi ích khác mà các nhà bán hàng nhận được thông qua nền tảng này chính là kiến thức bán hàng hoàn toàn miễn phí. Đó là cơ sở để họ phát triển hoạt động kinh doanh trên nhiều nền tảng một cách bền vững.
Rất nhiều sàn TMĐT hiện triển khai lớp học trực tuyến hàng tuần đào tạo người bán, chia sẻ kinh nghiệm bán hàng từ các chuyên gia và những người bán thành công, đồng thời tổ chức các nhóm cộng đồng để người bán trao đổi, học hỏi lẫn nhau.
Đại diện Shopee cho biết, việc hiểu rõ các công cụ bán hàng và lợi ích mà nó mang lại giúp Shopee và nhà bán hàng đồng hành lâu dài và hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, Shopee cũng có các kênh tổng hợp thông tin miễn phí cho người bán và thường xuyên cập nhật thông tin, tài liệu.
Nhờ hàng loạt hoạt động đào tạo miễn phí này, ông Vũ Trung Anh Rim - chủ cửa hàng BEYOURS - đã có thể quản lý khoa học và hiệu quả việc kinh doanh, từ đó có thêm nhiều thời gian cho gia đình và sở thích cá nhân. "Tôi đã phải mở rộng kho và tăng vốn lên 4-5 lần mới có thể đáp ứng phần nào nhu cầu càng ngày càng lớn của khách hàng khi tham gia bán trên các sàn TMĐT so với trước kia", ông nhấn mạnh.
Sau những kiến thức nhận được và kinh nghiệm bán hàng thời gian qua, ông Vũ Trung Anh Rim cho rằng những người bán hàng mới cần tập trung vào sản phẩm chủ lực để tạo nên khác biệt.
Hiện nay, các nhà bán hàng trên Shopee không thuộc Shopee Mall được miễn phí hoa hồng và có cơ hội gia tăng độ nhận diện, thúc đẩy doanh số thông qua các chiến dịch lớn trong năm… Chương trình "Khởi đầu mới, triệu đơn tới" được triển khai gần đây của Shopee hỗ trợ 160.000 đồng vào tài khoản quảng cáo của nhà bán hàng, đồng thời miễn phí gói hoàn xu Xtra và voucher 50% cho những người bán mới bắt đầu kinh doanh trên Shopee.
Là một trong các doanh nghiệp hưởng lợi từ những giải pháp hỗ trợ của sàn TMĐT, ông Nguyễn Hùng Tuấn, chủ thương hiệu giày nữ Erosska, khẳng định bán hàng trên sàn TMĐT là một phần không thể thiếu trong hành trình tạo ra hàng triệu đôi giày của mình. "Chúng tôi khởi đầu tại Shopee và đó là bệ phóng giúp chúng tôi phát triển vượt bậc trên hầu hết nền tảng khác. Từ một thương hiệu khởi đầu bằng 2 triệu, hiện tại Erosska đã có hơn 50 nhân sự và doanh số hàng tháng gấp rất nhiều lần con số ban đầu", ông chia sẻ.