Bán doanh nghiệp cho Thái Lan, người Việt có mất thương hiệu lớn?

(Dân trí) - Chỉ trong vòng 1 năm, thương trường Việt rúng động bởi các thương vụ mua bán của các tỷ phú Thái Lan đối với của các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam. Nắm trong tay từ 40 – 49% cổ phần, nhiều người lo ngại các thương hiệu lớn Việt Nam có thể sẽ mất đi.

Tuy nhiên, ở góc độ khác, theo các chuyên gia, mua bán doanh nghiệp là bình thường khi hội nhập, chỉ có điều các doanh nghiệp Thái Lan chú trọng hơn vào đầu tư gián tiếp qua mua bán sáp nhập, mua lại cổ phần thay vì bỏ vốn đầu tư trực tiếp như các đối tác thường thấy.

Bán doanh nghiệp cho Thái Lan, người Việt có mất thương hiệu lớn?
Bia Sài Gòn đang được ông chủ của hãng bia lớn nhất Thái Lan (Thaibev) chào mua 40% cổ phần với mệnh giá cao

Giải mã "cuộc đổ bộ" của người Thái!

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:  
Theo dữ liệu của Cục đầu tư nước ngoài Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tổng vốn đầu tư trực tiếp lũy kế đến hết năm 2013 của Thái Lan vào Việt Nam đạt 6,4 tỷ USD, Thái Lan lọt vào một trong 10 nước đầu tư trực tiếp vào Việt Nam và là một trong 3 nước ASEAN đầu tư vào Việt Nam sau Thái Lan, Singapore. Tuy nhiên, hình thức đầu tư gián tiếp của Thái Lan lại đáng nể hơn.

Ở khía cạnh đầu tư trực tiếp của Thái Lan, các doanh nghiệp Thái có được thành công nhất là từ sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và chuỗi sản xuất thức ăn cho người mang thương hiệu C.P của chủ tịch tập đoàn C.P, tỷ phú Dhanin Chearavanont. Năm 2013 công ty này đã chiếm 19,42% tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam và không dừng lại ở đó, C.P đã hiện thực hóa tham vọng xâm nhập thị trường nuôi trồng thủy hải sản và phân phối sản phẩm cho người trực tiếp ra thị trường.

Ngoài C.P, các nhà đầu tư Thái cũng bỏ vốn trực tiếp vào xây dựng khách sạn 5 sao đẳng cấp Melia Hà Nội, hai siêu thị bán lẻ Robins tại TP HCM và Hà Nội và gần đây nhất là dự án Nhà máy lọc hóa dầu Nhơn Hội (Bình Định) hơn 22 tỷ USD của Tập đoàn Dầu khí Thái Lan PTT năm 2015.

Tuy nhiên, việc bỏ vốn đầu tư trực tiếp của Tập đoàn C.P, của BJC vào khách sạn 5 sao Melia hay vốn khủng từ dự án lọc dầu tầm cỡ trên dường như không "nổi" bằng việc mua lại cổ phần của các doanh nghiệp lớn khi lên sàn, mua đứt các chuỗi phân phối, bán lẻ tại Việt Nam của các ông chủ Thái trong thời gian gần đây.

Là người được báo giới Việt Nam nhắc nhiều sau thương vụ mua Metro, tỷ phú Charoen - ông chủ  tập đoàn BJC đã thông qua công ty con của mình mua 11% cổ phần trị giá khoảng 520 triệu USD tại Vinamilk. Đồng thời, một tỷ phú khác là Chirathivat sau thời gian đầu tư trực tiếp để mở hai siêu thị Robins tại TP HCM và Hà Nội, ông này đã thông qua một công ty con thuộc tập đoàn Central Group bỏ gần 200 triệu USD để mua 49% cổ phần Nguyễn Kim.

Đầu tháng 2 năm nay, tỷ phú Charoen lại tiếp tục gây sốt cho thương trường Việt Nam khi đưa ra bản kế hoạch chi tiết chào mua 40% cổ phần của Bia Sài Gòn (Sabeco). Mức giá mà Charoen chào mua Sabeco thông qua Thaibev là 80.000 đồng/cổ phần, cao hơn mức giá cổ phiếu trên thị trường tự do OTC mà Sabeco đang giao dịch là 45 – 50.000 đồng/cổ phần. Với việc muốn mua 40% cổ phần của  Sabeco, Thaibev có thể phải bỏ ra 1 tỷ USD trong khi giá trị của Sabeco mới được công ty này định giá tương ứng khoảng 2,4 tỷ USD. Hiện Sabeco đang có kế hoạch cổ phần hóa, hiện 89% cổ phần Sabeco đang nằm trong tay của Nhà nước và đại diện sở hữu là Bộ Công thương. Mọi quyết định việc mua và bán cổ phần của Sabeco và Thaibev vẫn chưa được thông qua.

Chấp nhận “kết hôn”, các thương hiệu lớn ra sao?

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, hướng ôm cổ phần, mua lại thương hiệu các doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn nhiều doanh nghiệp lớn lên sàn, cổ phần hóa là hướng đi khôn ngoan của doanh nghiệp Thái. Nếu đầu tư 100% vốn vào bán lẻ, thực phẩm đồ uống sẽ phải cạnh tranh rất mạnh, do đó phương án mua cổ phần hiện tại là khá an toàn.

Cũng theo bà Lan, Thái Lan không phải là nước mạnh về đầu tư hơn nữa, các ngành có lợi thế của Thái Lan như công nghiệp ô tô, cơ khí, điện tử, sản xuất và chế biến thực phẩm, ngũ cốc lại khá tương đồng và không có lợi thế cạnh tranh tuyệt đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Chính vì vậy, cách lựa chọn thông minh nhất của họ là tránh đối đầu trực diện mà bỏ vốn vào mua lại.

Trước thông tin sự đổ bộ của doanh nghiệp Thái Lan, nhiều người lo những thương hiệu này sẽ mất đi và thay vào đó là sự thay thế của thương hiệu nước ngoài. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế khẳng định: thị trường Việt Nam chỉ hưởng lợi, các thương hiệu sẽ ngày càng phát triển và người Việt Nam sẽ vẫn được sử dụng các sản phẩm đã có thương hiệu.

Chuyên gia Kinh tế Nguyễn Trí Hiếu: “Mua bán, sáp nhập là chuyện bình thường của kinh tế thị trường, của các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán. Phải mừng cho các doanh nghiệp này khi họ thu hút được đối tác ngoại bỏ vốn vào đầu tư. Với các thương hiệu lớn đã được mua lại, chắc chắn các doanh nghiệp Thái không thể và không dại gì phá hủy nó để đưa vào một sản phẩm hoàn toàn mới, không người tiêu dùng nào biết để phải cất công nhiều năm đi làm thương hiệu. Nếu phải đập đi, xây dựng lại thì đó là các nhãn hiệu không giá trị, những doanh nghiệp bết bát”.

Đã nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch của Tập đoàn Phú Thái cho rằng: “Các doanh nghiệp bán lẻ cần bán mạnh tay, bán đến 49%% cổ phần chi phối cũng được. Việt Nam đang hội nhập sâu rộng nhất nên lĩnh vực bán lẻ hiện đại (siêu thị, trung tâm thương mại, bán buôn, bán lẻ lớn) sẽ là nơi cạnh tranh lớn nhất, nóng nhất. Các nhà phân phối bán lẻ Việt Nam hiện nay so về mọi mặt như vốn, công nghệ, quản trị và hệ thống còn rất yếu so với các tập đoàn nước ngoài hoạt động cùng lĩnh vực. Nếu để đến năm 2018  - 2020 khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn dịch vụ bán lẻ thì lúc đó không thể cạnh tranh được. Vì vậy, đây là thời cơ rất tốt để các doanh nghiệp bán lẻ tận dụng phương thức hợp tác và mua bán sáp nhập để tránh đối đầu và lựa chọn bắt tay hợp tác”.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cũng cho rằng, không lo ngại việc mua lại cổ phần của các ông chủ Thái với các thương hiệu Việt bởi đội ngũ doanh nhân Việt Nam hiện nay đã đủ lớn. Các doanh nghiệp Việt đã đủ tỉnh toán để đối phó với kiểu doanh nghiệp ngoại bỏ tiền, Việt Nam bỏ đất làm vốn để rồi báo lỗ mấy năm liền rồi doanh nghiệp ngoại chiếm lĩnh hết vốn chủ sở hữu theo kiểu Coca Cola ở Việt Nam ngày xưa. Những thương vụ mua bán thời gian qua đều là thương vụ đầu tư của các doanh nghiệp ngoại và là hình thức huy động vốn của doanh nghiệp Việt.

Nguyễn Tuyền
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm