Bán đồ ăn sẵn kiếm lời lớn, làm giàu nhờ thất nghiệp
Ra trường không có việc làm, không ít bạn trẻ chấp nhận buôn bán đồ ăn sẵn để có thể bám trụ lại thành phố với hy vọng tìm được công việc ưng ý. Song, nhờ vào việc làm tạm thời đó mà họ có nguồn thu tốt, tới 15 triệu đồng/tháng.
Do bận rộn, dân văn phòng ít có thời gian cho việc chợ búa, nội trợ nên Trần Thu Thủy (Dương Quảng Hàm, Cầu Giấy, Hà Nội) cùng với một người bạn ở chung phòng, sau khi ra trường thất nghiệp, nảy ra ý định mở dịch vụ bán đồ ăn sẵn online trong khi chờ tìm việc.
Thủy tâm sự, cả hai là sinh viên ĐH Sư phạm Hà Nội, ra trường đã 2 năm nhưng chưa tìm được công việc đúng chuyên ngành. Ban đầu thì đi làm gia sư, bán hàng thuê rồi cả phát tờ rơi để kiếm sống. Cách đây 5 tháng, vào các trang mạng xã hội, thấy mọi người đặt và bán đồ ăn sẵn khá nhiều nên hai đứa quyết định dốc hết tiền dành dụm để mở dịch vụ bán đồ ăn sẵn online.
Theo lời Thủy, khi mới bắt đầu thực hiện và để có thể giới thiệu các món ăn sẵn đến khách hàng, Thủy và cô bạn cùng phòng đã phải nấu rất nhiều món cho bạn bè thử, nhận xét rút kinh nghiệm.
Tháng đầu làm, do cả hai đứa đều chưa có kinh nghiệm, cộng với lượng khách đặt hàng chưa nhiều nên hầu như chỉ hòa vốn. Từ tháng thứ hai, ngoài việc phát tờ rơi, họ quảng cáo trên Facebook và nhờ bạn bè giới thiệu thêm. Trên trang cá nhân, họ đã giới thiệu kỹ món ăn, làm thực đơn theo ngày, ghi rõ số điện thoại, địa chỉ liên lạc để mọi người có thể đặt hàng nhanh và thuận tiện. Với khách hàng quen, thường xuyên đặt hàng, hai người gửi email từ hôm trước để giới thiệu thực đơn ngày hôm sau. Nhờ vậy, số lượng khách đặt hàng qua Facebook ngày một đông, Thủy cho hay.
Ngoài ra, Thủy chia sẻ, tuy cả hai mới bán đồ ăn sẵn oline được hơn 5 tháng nhưng số lượng đơn đặt hàng ngày càng tăng. Từ con số 10-20 đơn đặt hàng thì nay con số này lên tới hàng trăm. Thực đơn được thay đổi thường xuyên. Khách mua về chỉ việc hâm nóng lên là có thể ăn được ngay.
Thủy tiết lộ, nếu trừ hết chi phí, ngày đông khách hai đứa kiếm được khoảng trên 1 triệu đồng, ngày ít khách thì chỉ được ngót triệu. Trung bình, mỗi đứa cũng đút túi 13 -15 triệu đồng/tháng.
Thấy công việc này khá ổn, họ quyết định gắn bó lâu dài. "Vừa rồi, bọn mình mới tuyển thêm được hai sinh viên chuyên đi giao hàng chứ không phải một đứa nấu, một đứa đi giao hàng như trước kia nữa", Thủy khoe.
Bùi Thị Hoài, sinh viên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn ra trường thất nghiệp cũng chớp lấy cơ hội này để mở dịch vụ bán đồ ăn vặt online trên trang Facebook cá nhân.
Những món ăn được quảng cáo trên Facebook nhìn rất bắt mắt.
Hoài cho biết ăn vặt là sở trưởng của con gái, nhất là với dân công sở nên việc học và làm những món ăn vặt là không khó nên Hoài rủ thêm một sinh viên nam tại xóm trọ cùng chung vốn làm ăn.
Những ngày đầu, hai đứa chỉ làm và bán vài món như: chè, nem rán, xúc xích rán, hoa quả dầm. Giờ khách đông, lượng đặt hàng tăng lên, cả hai đã đầu tư mua lò nướng về làm thêm cả những món bánh, món ăn nhẹ hay được các chị em làm văn phòng chọn mua.
"Giá đồ ăn vặt tùy vào món và số lượng khách hàng đặt nhiều hay ít. Nếu khách mua nhiều sẽ được khuyến mãi, giảm giá hoặc miễn tiền vận chuyển", Hoài nói.
Theo Hoài, khách hàng đa phần là dân công sở, học sinh sinh viên cũng có nhưng ít hơn. Những ngày mưa gió, tuy công việc giao hàng có vất vả nhưng đổi lại thường hút khách bởi dân văn phòng lười đi ra ngoài, những ngày mưa họ càng lười hơn trong khi nhu cầu ăn vặt lại tăng. Thế nên, lợi nhuận thu về trong những ngày mưa có thể gấp đôi, gấp ba ngày thường.
Hoài chia sẻ, mặc dù bán và giao đồ ăn sẵn khá vất vả nhưng một ngày nếu trừ hết tất cả chi phí, Hoài và cậu bạn cùng làm cũng kiếm được từ 300.000-400.000 đồng. Những ngày cá biết, mỗi đứa có thể kiếm được 600.000 đồng.
VEF