1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Bamboo Airways trước thềm họp cổ đông: Những diễn biến bất ngờ

Mộc An

(Dân trí) - Nhóm cổ đông lớn sở hữu 55% vốn Bamboo Airways đề cử 3 nhân sự vào HĐQT hãng bay này trong nhiệm kỳ 2023-2028, trong số đó có một người đến từ Sacombank.

Lãnh đạo Sacombank được đề cử vào HĐQT Bamboo Airways

Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways - mã chứng khoán: BAV) vừa công bố danh sách ứng viên được đề cử vào HĐQT và Ban Kiểm soát trong cuộc họp cổ đông thường niên 2023 diễn ra ngày 21/6 tới. Danh sách đề cử có 7 người gồm ông Nguyễn Ngọc Trọng, ông Doãn Hữu Đoàn, ông Lê Bá Nguyên và ông Lê Thái Sâm, thêm 3 nhân vật mới.

Nhóm cổ đông lớn sở hữu trên 55% vốn gồm ông Lê Thái Sâm và ông Doãn Hữu Đoàn đã đề cử ông Phan Đình Tuệ (sinh năm 1966), ông Hideki Oshima, ông Trần Hòa Bình vào HĐQT của hãng nhiệm kỳ 2023-2028.

Ông Phan Đình Tuệ gia nhập Sacombank từ năm 2012 và được bầu vào HĐQT hồi tháng 4/2022. Cách đây ít ngày, ông này đã thôi chức vụ Phó tổng giám đốc Sacombank.

Ông Hideki Oshima (sinh năm 1962) là cựu Giám đốc khối Quan hệ quốc tế và liên minh hàng không thuộc hãng Hàng không Japan Airlines. Còn ông Trần Hòa Bình sinh năm 1975. Chưa có nhiều thông tin về vị này.

Cổ phiếu được định giá hơn 3.000 đồng?

Trước đó, ngày 9/5, Bamboo Airways tổ chức họp đại hội cổ đông bất thường lần 2. Một trong những thông tin đáng chú ý là ông Lê Thái Sâm - Thành viên HĐQT tại FLC và Bamboo Airways, gửi các cổ đông một văn bản kiến nghị ký ngày 3/5.

Cụ thể, ông Sâm tiết lộ từ năm 2022 đến ngày 10/4, tổng số tiền Bamboo Airways nợ ông là hơn 7.727 tỷ đồng. Ông cho biết thêm khoản cho vay này không lãi suất và/hoặc lãi suất thấp và không yêu cầu tài sản đảm bảo.

Bamboo Airways trước thềm họp cổ đông: Những diễn biến bất ngờ - 1

Nhiều thông tin được hé lộ trước thềm họp đại hội cổ đông của Bamboo Airways (Ảnh: Tiến Tuấn).

Ông Sâm đề cập đến việc hãng bay phát hành cổ phần để hoán đổi nợ để đảm bảo quyền và lợi ích của chủ nợ cho vay không có tài sản đảm bảo, đồng thời cũng giúp giảm áp lực trả lãi và hoàn trả tiền gốc cho doanh nghiệp.

Ông đề nghị phương án Bamboo Airways phát hành thêm 1,15 tỷ cổ phần, tương ứng tăng vốn 11.500 tỷ đồng. Trong đó, 772 triệu cổ phần phát hành, tương ứng giá trị 7.720 tỷ đồng để hoán đổi cho chủ nợ; 378 triệu cổ phần phát hành cho nhà đầu tư chiến lược. Tới thời điểm này, vốn điều lệ của Bamboo Airways là 18.500 tỷ đồng.

Trước đó, vào tối 8/5, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (mã chứng khoán: FLC) công bố nghị quyết chuyển nhượng 401,5 triệu cổ phần Bamboo Airways, tỷ lệ 21,7% vốn điều lệ của Bamboo Airways sang cho ông Sâm. Trước đó ông này nắm giữ 231,7 triệu cổ phần BAV.

Theo thông tin trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, ngày 10/5, Bamboo Airways đã thành công nâng vốn điều lệ lên 26.220 tỷ đồng, tăng thêm 7.720 tỷ đồng. Như vậy, công ty này đã trở thành hãng hàng không có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam, vượt qua Vietnam Airlines với mức 22.143 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo Bamboo Airways cho biết hãng bay đã hoàn tất phát hành tăng vốn cổ phần thông qua việc hoán đổi nợ thành cổ phần. Như vậy có thể tính ra ông Sâm nắm giữ hơn 1,4 tỷ cổ phiếu BAV, tương đương mức 53,6% vốn điều lệ mới.

Thông tin từ Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp), trong tháng 3, ông Sâm liên tục có những khoản vay và tài sản thế chấp là hàng triệu cổ phiếu BAV.

Trong ngày 13/3, ông Sâm có 6 khoản vay với tổng giá trị 52,38 tỷ đồng và được thế chấp bằng 17,46 triệu cổ phiếu BAV. Giả sử ngân hàng cho vay tối đa là 100% giá trị của tài sản đảm bảo thì mức định giá của cổ phiếu BAV là 3.000 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên, thông thường ngân hàng chỉ cho vay 100% giá trị tài sản đảm bảo đối với tài khoản tiền gửi. Tỷ lệ cho vay đối với tài sản đảm bảo là cổ phiếu tùy vào xếp hạng của cổ phiếu, thường ở mức 80%. Nếu ngân hàng cho vay 80% giá trị tài sản đảm bảo là 17,46 triệu cổ phiếu BAV thì lượng cổ phiếu này được định giá ở mức 65,47 tỷ đồng. Như vậy định giá cổ phiếu BAV ở mức 3.750 đồng/cổ phiếu.

Lỗ 17.600 tỷ đồng năm 2022, vốn chủ âm hơn 830 tỷ đồng

Mới đây, ông Lê Thái Sâm đã nộp đơn từ nhiệm chức vụ Thành viên HĐQT Bamboo Airways. HĐQT sẽ trình cổ đông thông qua trong cuộc họp thường niên sắp tới.

Thời điểm cuối năm 2022, vốn chủ sở hữu Bamboo Airways âm 836 tỷ đồng do khoản lỗ lớn 17.600 tỷ đồng trong năm 2022 vì trích lập dự phòng phải thu khó đòi và dự phòng đầu tư vào công ty liên kết lên đến hơn 13.200 tỷ đồng. Khi vốn điều lệ đã tăng thêm 7.720 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, nếu hoạt động kinh doanh 5 tháng đầu năm không lỗ hoặc lỗ không quá lớn thì hoàn toàn có khả năng thoát âm vốn chủ sở hữu.

Năm 2022, công ty ghi nhận doanh thu 12.017 tỷ đồng, gấp 3,4 lần con số của năm trước. Công ty báo lỗ ròng 17.619 tỷ đồng năm 2022, năm trước đó cũng lỗ 2.281 tỷ đồng. Điều này dẫn đến khoản lỗ lũy kế 19.336 tỷ đồng và âm vốn chủ sở hữu 836 tỷ đồng.

Tại thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản của Bamboo Airways ở mức 18.008 tỷ đồng, giảm 8.849 tỷ đồng so với đầu năm.

Nợ phải trả của hãng bay là 18.844 tỷ đồng, tăng trên 8.770 tỷ đồng so với đầu năm 2022. Trong đó, nợ ngắn hạn là chủ yếu với hơn 17.342 tỷ đồng.