Bài toán thoái vốn tài sản tại Sabeco

(Dân trí) - Sau khi kế hoạch thoái vốn tại Sabeco được Chính phủ thông qua ngày 9/11 vừa qua, công tác triển khai hoạt động này đang bước sang giai đoạn nước rút để có thể được hoàn tất trong tháng 12 năm nay. Sabeco cũng đã lên kế hoạch giới thiệu cơ hội tìm kiếm đầu tư (roadshow) cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Singapore vào ngày 24/11 và tại London, Vương quốc Anh vào ngày 27/11 sắp tới.


Hiện nay có ít nhất 7 công ty bia nước ngoài đang quan tâm mua cổ phần của Sabeco

Hiện nay có ít nhất 7 công ty bia nước ngoài đang quan tâm mua cổ phần của Sabeco

Trước đó, theo công bố thoái vốn Nhà nước tại Sabeco, phương thức bán vốn sẽ thực hiện theo hình thức chào giá cạnh tranh.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, việc thoái vốn Nhà nước tại Sabeco cần được thực hiện theo các nguyên tắc: công khai minh bạch, bảo đảm lợi ích cao nhất của Nhà nước, chống tiêu cực và lợi ích nhóm; đúng quy luật thị trường, hiệu quả, ổn định thị trường chứng khoán; tuân thủ quy định pháp luật về doanh nghiệp, về thị trường chứng khoán, các cam kết quốc tế; khẩn tương triển khai để đạt hiệu quả cao nhất.

Chính phủ cũng đã yêu cầu phải hoàn thành việc thoái vốn Nhà nước tại Sabeco theo phương án đã được duyệt trong năm 2017, theo giá thị trường; đảm bảo tỷ lệ sở hữu nước ngoài theo quy định của pháp luật; và đề xuất giải pháp giữ gìn và phát triển thương hiệu Bia Việt Nam.

Hiện nay có ít nhất 7 công ty bia nước ngoài đang quan tâm mua cổ phần của Sabeco là Heineken (Hà Lan), Anheuser-Busch, SABMiller của Mỹ, Asahi và Kirin của Nhật Bản; Singha và Thai Beverage của Thái Lan [1] . Các công ty này đều là những doanh nghiệp lớn, có thương hiệu và uy tín lâu năm trên thị trường quốc tế và có tiềm lực tài chính.

Tuy nhiên, việc các doanh nghiệp này có thể trở thành cổ đông chiến lược của Sabeco – công ty hiện đang chiếm hơn 40% thị phần ngành bia tại Việt Nam – hay không, ngoài các tiêu chí về năng lực, Bộ Công Thương còn cần xem xét các điều kiện về kiểm soát tập trung kinh tế theo Luật Cạnh tranh để đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng.

Theo quy định của Luật Cạnh tranh, các doanh nghiệp tập trung kinh tế có thị phần kết hợp từ 30% đến 50% trên thị trường liên quan thì đại diện hợp pháp của các doanh nghiệp đó phải thông báo cho cơ quan quản lý cạnh tranh trước khi tiến hành tập trung kinh tế. Cơ quan quản lý cạnh tranh ở đây được hiểu là Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng thuộc Bộ Công Thương. Ngoài ra, điều 18 của Luật này cũng quy định, trường hợp thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế chiếm trên 50% trên thị trường liên quan sẽ bị cấm, trừ trường hợp được hưởng miễn trừ theo quy định của Luật.

Như vậy, nếu một doanh nghiệp cùng ngành bia mua được 51% vốn điều lệ của Sabeco trở lên, doanh nghiệp đó sẽ nắm quyền kiểm soát hơn 40 % thị phần toàn quốc. Thậm chí, chỉ cần nắm giữ trên 35% vốn điều lệ, cổ đông mới cũng có quyền tham gia quyết định các vấn đề quan trọng và chi phối các chính sách tài chính và hoạt động của doanh nghiệp.

Trong các trường hợp này, giao dịch này sẽ thuộc phạm vi phải kiểm soát về tập trung kinh tế (TTKT) theo quy định của Luật Cạnh tranh. Như Financial Times đã đề cập đến trường hợp của Heneiken, đây là doanh nghiệp bia đứng thứ 2 thị trường với hơn 30 %, trở thành cổ đông chiến lược của Sabeco, thị phần kết hợp của hai doanh nghiệp này sẽ là hơn 70% thị trường bia Việt Nam, và sẽ là vi phạm Luật Cạnh tranh, trừ trường hợp được miễn trừ theo quyết định của Thủ tướng trước khi thực hiện giao dịch.

Nhận định về vấn đề này, Luật sư Phùng Anh Tuấn - Trưởng Văn phòng luật sư VCI-Legal, Tổng Lãnh sự Quán Danh dự Phần Lan tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Với vai trò của một người quản lý vốn nhà nước, một người cổ đông thì cần phải tối đa hóa lợi nhuận, tối đa hóa quyền lợi của chủ sở hữu cổ phần đó. Chuyện này cũng nhiều người nói rồi, Bộ Công Thương cũng ý thức được chuyện đó rõ rồi, nhưng qua việc quản lý việc mua bán sát nhập để chống việc doanh nghiệp thống lĩnh thị trường gây không lành mạnh, thì phát sinh việc này tương đối đáng kể vì giá trị vốn cũng lớn, và mâu thuẫn trên thị trường cạnh tranh cũng ảnh hưởng đến nhiều người”.

Có thể thấy bài toán thoái vốn nhà nước tại Sabeco không đơn giản để có thể đáp ứng được tất cả các yêu cầu do Chính phủ đặt ra. Bộ Công Thương, với vai trò vừa là đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại Sabeco, vừa là cơ quan quản lý nhà nước về cạnh tranh, cần rất thận trọng trong công tác triển khai hoạt động thoái vốn quan trọng này, nhằm đảm bảo thực hiện thành công kế hoạch thoái vốn theo chỉ đạo của Chính phủ.

Anh Thư