Bài ca hạt lúa trên dòng Hậu Giang
(Dân trí) - Cuối năm Sửu, khi con trâu bắt đầu ngơi nghỉ đợi mùa rơm mới, tỉnh Hậu Giang mở Festival Lúa Gạo Việt Nam lần thứ I. Khen ai khéo chọn miền đất này làm nơi mở hội tôn vinh cây lúa Việt Nam.
Vinh quang cây lúa Việt Nam
Ông Nguyễn Phong Quang - Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang dí dỏm nói: Hậu Giang còn nghèo, nhiều khó khăn lắm nhưng đăng cai mở Festival Lúa Gạo Việt Nam lần đầu không phải vì nhà nghèo chơi sang mà thực sự là sứ mạng lịch sử và vinh quang của cây lúa Việt Nam đã được đặt đúng nơi trung tâm của vựa lúa ĐBSCL
Nhìn cái cảnh nửa năm trời cả tỉnh dốc sức, dốc lòng chuẩn bị cho ngày Hội Lúa Gạo đồng bằng mà cảm thông, mà thấu hiểu niềm vui của người dân xứ sở. Hàng chục ngàn người đổ về hai bờ kênh Xáng Xà No xuyên dọc lòng thị xã Vị Thanh. Cầu đường còn ngổn ngang. Khách sạn thiếu, nhà hàng thiếu, chưa nói gì đến các khách sạn có sao, có hạng hãy nói tới nơi ở tạm một vài đêm cũng đã là khó khăn không thể có ngay trong thời gian mấy tháng.
Vậy mà người ta đến Festival Lúa Gạo Hậu Giang với biết bao hăm hở, trân trọng thấm tình cùng chia sẻ. Tôi chợt so sánh - dù khập khiểng - cái thời khẩn hoang mở đất của cha ông thuở trước chen chúc trong túp lán tranh, lều cỏ chống chọi với thú dữ, muỗi mòng để có những cánh đồng lúa hôm nay và giờ đây con cháu miền Hậu Giang đang dựng lán trại, nhà tạm trên đất trống, bờ kè để đón tiếp khách bốn phương trở về với cội nguồn, tôn vinh giá trị hạt gạo Hậu Giang.
Ở Việt Nam ta đã có biết bao nhiêu Festival từng để lại ấn tượng trong lòng người: Festival Huế, Festival Ááo dài, Festival Hoa Đà Lạt, Festival Chè, Cà phê... Khi Hậu Giang đăng cai Festival Lúa Gạo, ta như chợt nhớ đến triết lý "có thực mới vực được đạo". Có "thực" ở thời này không phải chỉ là đủ ăn, đủ mời nhau, mà phải đem về đô la, ngoại tệ để làm giàu.
Người ta tôn vinh từ tà áo dài, đến hoa thơm trái ngọt, đến giọt cà phê lắng đọng mà quên chưa mở Festival tôn vinh hạt gạo nuôi sống con người. Sự tích Bánh chưng Bánh dày vua Hùng ban thưởng Hoàng tử Lang Liêu là sự trân trọng công sức, trí tuệ của con người Việt Nam làm nên cây lúa, hạt gạo cho đời. Thế nên mở Hội Festival Lúa Gạo đã làm nức lòng hàng triệu người dân không chỉ của ĐBSCL, mà cả nước và bạn bè quốc tế.
Con đường lúa gạo Việt Nam khởi đầu từ kinh Xáng Xà No nối miền Hậu Giang với các con đường giao thương thủy bộ quốc gia và quốc tế. Từ những chuyến tàu đầu tiên chở 500.000 tấn gạo từ miền Hậu Giang xuất cảng vào năm 1903 đến nay là hơn 100 năm hình thành, hành trình của con đường Lúa Gạo miền Hậu Giang.
Con đường Lúa Gạo Việt Nam đã vươn tới bên kia Tây bán cầu, đến cả lục địa châu Phi... Và hơn hai mươi năm đổi mới đã có trên 70 triệu tấn gạo mang về cho đất nước gần 20 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới.
Vận chuyển gạo trên dòng Hậu Giang.
Nếu biết rằng thời Nhà Nguyễn, Thoại Ngọc Hầu chỉ huy đào con kênh Vĩnh Tế phải huy động tới 80.000 người trong 5 năm, thì với bốn chiếc xáng thổi khổng lồ 350 mã lực với mấy ngàn công nhân, chuyên viên kỹ thuật, kỷ sư, công nhân chỉ 3 năm đã thông dòng con kênh dài gần 40km chạy thẳng từ Cái Răng - Ba Láng - Phong Điền nối liền Cần Thơ - Rạch Giá.
Có thể coi đây là công trình vĩ đại có ý nghĩa chiến lược. Con đường Lúa Gạo miền Hậu Giang hình thành và phát triển mới hơn 100 năm, nhưng chiều dài và bề rộng ảnh hưởng nào có kém Con đường tơ lụa thế giới đã có hàng nghìn năm.
Nhà Nam bộ học Sơn Nam nhận xét: Việc đào kênh Xáng Xà No nối Cần Thơ - Rạch Giá, có thể gọi là "quả đấm chiến lược" về kinh tế và chính trị đối với người Pháp, bởi nó vừa biểu dương sức mạnh cơ khí của phương Tây, vừa mở ra một triển vọng mới trong công cuộc hình thành vựa lúa miền Hậu Giang, hình thành nền văn minh Kênh xáng độc đáo ở đồng bằng Nam Bộ.
Hai bờ kênh Xáng Xà No trù phú. Sinh hoạt miền sông nước tấp nập xuồng ghe, dân cư đông đúc là điều kiện để nghề thương hồ phát triển. Chợ họp trên sông, thuyền ghe tấp nập lâu dần thành nét văn minh chợ nổi miền sông nước.
Chợ nổi Cái Răng, Phong Điền, Phụng Hiệp, Ngã Bảy... trở thành những địa chỉ giao thương của khách thương hồ. Biết bao câu chuyện tình lãng mạn của con người miền sông nước được lưu truyền cùng văn minh kênh Xáng, cuộc sống lênh đênh của giới thương hồ cùng những cuộc chia ly, hò hẹn, trao duyên, có ngọt ngào xen lẫn đắng cay sản sinh biết bao bản tình ca sâu lắng.
Những địa danh nơi khởi đầu kênh Xáng Xà No đã trở thành câu ca nổi tiếng: Cái Răng - Ba Láng - Vòm Xáng - Phong Điền / Anh có thương em thì cho bạc cho tiền/ Đừng cho lúa gạo xóm giềng cười chê...
Văn minh chợ nổi hình thành, và văn minh thương mại đồng hành phát triển. Lúa gạo nhiều, ghe xuồng chở không xuể, cho nên không như xưa kia lúc còn hiếm hoi cho nhau giạ thóc đấu gạo... Bây giờ giao thương rộng rãi đôi trai gái trong câu ca cũng phải "tiền tệ hóa" những món quà trao duyên.
Con đường lúa gạo Xà No là nơi khởi đầu Con đường lúa gạo Việt Nam. Hạt gạo Việt Nam, hạt gạo miền Hậu Giang từ đây đi ra năm châu bốn biển. "Con đường văn hoá, văn minh kênh xáng miền Hậu Giang" cũng hình thành làm đẹp và phong phú thêm nền văn minh đất Việt.
Phan Huy