1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Có nên cho sở hữu tư nhân về đất đai?

Bài 2: Quyền quá lớn dễ dẫn đến lạm dụng

“Những năm gần đây, khi giá đất liên tục tăng thì tình trạng lạm dụng sự mù mờ về quyền sở hữu đất đai để mưu cầu lợi ích riêng càng ghê gớm, tạo nên biết bao điều nhức nhối trong xã hội” - chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thẳng thắn nêu vấn đề.

Dân không có quyền từ chối

Cùng với quá trình đô thị hóa, việc thu hồi đất đã diễn ra ồ ạt ở các vùng ven đô và nhiều nơi khác cho các dự án, công trình. Số đất bị thu hồi thường rơi vào đất nông nghiệp khiến hàng vạn hộ dân mất đất, mất nơi sinh sống, mất kế sinh nhai. Trong nhiều trường hợp, họ chỉ được nhận tiền bồi thường rất thấp so với giá thị trường.

Trong những trường hợp này, vì không được công nhận quyền sở hữu về đất đai nên người dân không có quyền từ chối việc bị thu hồi đất.

“Họ cũng không thể mặc cả trên nguyên tắc thuận mua vừa bán với người muốn lấy đất của mình. Người dân buộc phải giao đất cho nhà nước với mức giá và điều kiện do nhà nước đưa ra. Chưa kể còn có tình trạng doanh nghiệp (DN), cá nhân dựa vào thế lực hoặc mối quan hệ thân quen với quan chức ép người dân phải nhận tiền bồi thường” - bà Phạm Chi Lan nêu một thực tế.

Theo PGS-TS Phạm Duy Nghĩa, giảng viên chương trình Fulbright, sự không rõ ràng về quyền sở hữu đang gây bất lợi cho nông dân. Đất đai của họ có thể bị nhà nước thu hồi với giá bồi thường rẻ cho các mục đích. “Tăng trưởng của Việt Nam đã dồn trên lưng nông dân. Cần sửa Luật Đất đai theo hướng tạo công bằng cho họ” - ông Nghĩa kiến nghị.

Bài 2: Quyền quá lớn dễ dẫn đến lạm dụng - 1
Thu hồi đất nông nghiệp tại huyện Nhà Bè, TPHCM thi công một dự án nhà ở. Ảnh: HTD

“Việc dễ dàng lấy đất từ tay người nghèo do những lỗ hổng trong cơ chế, do những yếu kém trong quản lý và đạo đức của một số quan chức càng thúc đẩy quá trình “phân bổ lại” nguồn lực đất đai theo hướng tích tụ đất vào tay số ít người giàu. Đó chính là nguyên nhân của những bất bình, của không biết bao nhiêu vụ khiếu kiện, thậm chí cả những rối loạn đã xảy ra ở một số nơi” - bà Phạm Chi Lan bức xúc.

Nhiều điều đáng suy nghĩ

Theo GS-TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), căn nguyên của tình trạng trên là do quyền của nhà nước đối với đất đai còn quá lớn, quá rộng. Hiện quyền thu hồi đất được áp dụng khá rộng rãi trong các dự án công trình công cộng, dự án xây trụ sở cơ quan nhà nước, thậm chí với cả các dự án kinh tế đáp ứng một số điều kiện.

“Trong khi đó, ở nhiều nước chính quyền chỉ có quyền thu hồi đất trong trường hợp cần sử dụng cho mục đích công cộng. Trong trường hợp ấy, nhà nước cũng phải dùng tiền ngân sách để mua lại đất của dân” - ông Võ nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc phân tích: “Nhà nước là đại diện chủ sở hữu về đất đai, nhà nước có quyền quản lý, đó là thứ đặc quyền. “Ông xã”, “ông huyện”, “ông tỉnh”, “ông trung ương” có quyền quá lớn dẫn đến việc lạm dụng quyền đó một cách tràn lan và tạo ra tiêu cực. Đó cũng là điều khiến bộ máy nhà nước dễ bị tha hóa vì quyền lực của nó quá lớn trên một lĩnh vực quá quan trọng. Sở hữu toàn dân đối với đất đai, trong một số trường hợp đã hợp lý hóa sự bất công, hợp thức hóa sự tước đoạt, hợp thức hóa việc chuyển mục đích sử dụng trái phép. Đó là điều cần phải suy nghĩ!”.

Kẽ hở cho tham nhũng

Theo bà Phạm Chi Lan, điều đáng nói nữa là duy trì sở hữu toàn dân theo kiểu mù mờ như hiện nay thì ngay cả đất công cũng không được quản lý tốt, không được sử dụng hiệu quả. Biết bao diện tích đất nhà nước giao cho các cơ quan, DN nhà nước đã bị sử dụng một cách lãng phí. Nhiều đơn vị còn đem bán, cho thuê lại với giá cao gấp nhiều lần mức giá họ trả cho nhà nước, kiếm lời lớn trên mảnh đất vốn không phải của họ.

“Nếu đã là của toàn dân thì khi khai thác những mảnh đất đó, lợi ích phải thuộc về toàn dân chứ không thể thuộc về một số ít tổ chức và cá nhân như vậy” - bà Phạm Chi Lan nói.

Ông Đào Trung Chính, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, cũng phân tích: Có một mảng mà ta chưa quản chặt được, đó là đất nông nghiệp, đất nông lâm trường. Những loại đất này rất dễ chuyển đổi mục đích sử dụng sang các loại đất khác. “Nếu không phân định rõ, không xác định rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước thì việc chuyển mục đích sử dụng của những loại đất trên sẽ xảy ra rất nhiều. Đó chính là kẽ hở cho tham nhũng” - ông Chính nói.

Theo Hoàng Vân
Báo PL TPHCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm