Có nên cho sở hữu tư nhân về đất đai?
Bài 1: Sở hữu toàn dân quá mù mờ
Ngoài quyền sử dụng ghi trên giấy đỏ, Nhà nước đã trao hầu hết các quyền định đoạt tài sản cho người sử dụng đất như quyền chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế, cho thuê, thế chấp, góp vốn. Như vậy, có đến 80% nội dung đã là sở hữu tư nhân rồi.
“Sở hữu toàn dân về đất đai có phải có nghĩa là bất kỳ một m2 đất nào trên lãnh thổ Việt Nam cũng là của chung, của hơn 80 triệu người dân Việt Nam?” - luật gia Vũ Xuân Tiến đặt câu hỏi. Thực tế cho thấy hàng triệu thửa đất trên cả nước về danh nghĩa thuộc sở hữu toàn dân. Song hơn 80 triệu dân trong nước không thể thực hiện được một cách tập thể các quyền của chủ sở hữu, họ không thể cùng định đoạt và cùng hưởng lợi.
Khi thất thoát khó quy trách nhiệm
“Quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước là đại diện chủ sở hữu là không chuẩn về mặt khái niệm. Vì không rõ toàn dân là ai, những ai có quyền nhân danh Nhà nước để nắm quyền sở hữu đó. Do vậy, trong thực tế, quyền sở hữu này trở nên mù mờ và rất dễ bị lạm dụng” - chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chỉ rõ.
Tại hội nghị tổng kết thi hành Luật Đất đai 2003 ở Đà Nẵng vào cuối năm 2010, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên nêu quan điểm cá nhân: “Tốt nhất là cho sở hữu tư nhân đất ở vì thực chất đã sở hữu tư nhân rồi mà ta cứ nói là sở hữu toàn dân, thành ra bao nhiêu chính sách ra không rõ!”. |
Ông Đào Trung Chính, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai (Bộ TN&MT), cũng cho rằng quy định đất đai là sở hữu của toàn dân nhưng Nhà nước lại là đại diện chủ sở hữu nên khi xảy ra thất thoát hoặc có vấn đề gì thì việc xác định trách nhiệm không được rạch ròi, thường là quy trách nhiệm tập thể. “Như vậy thì không quy trách nhiệm được cho cá nhân.
Trách nhiệm của người đại diện của chủ sở hữu như thế nào? Người này là ai? Phải cụ thể chức danh, vị trí chứ không phải là một ủy ban chung chung. Cuối cùng thì chả ai chịu trách nhiệm cả” - ông Chính nêu bất cập.
Tạo ra những khái niệm “giả vờ”
Theo GS-TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, ở nước ta, chế độ sở hữu toàn dân về đất đai hiện nay đã không còn nguyên nghĩa là chế độ công hữu về đất đai. Tức là về bản chất, sở hữu toàn dân về đất đai không còn nữa. Ngoài quyền sử dụng ghi trên giấy đỏ, Nhà nước đã trao hầu hết các quyền định đoạt tài sản cho người sử dụng đất như quyền chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế, cho thuê, thế chấp, góp vốn.
“Như vậy, có đến 80% nội dung đã là sở hữu tư nhân rồi. Thực tế, quyền định đoạt của người dân đối với đất đai ở ta hiện nay không khác mấy so với quyền sở hữu tư nhân về đất đai ở các nước tư bản. Nhà nước chỉ còn giữ lại quyền quy hoạch sử dụng đất và quyền cưỡng chế thực hiện quy hoạch sử dụng đất như thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho chuyển mục đích sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất” - ông Võ phân tích.
Ông Võ cũng chỉ rõ sự không thống nhất về lý luận và thực tiễn đã tạo nên những khái niệm “giả vờ” như quyền sử dụng đất là tài sản của người sử dụng đất, thị trường quyền sử dụng đất, giá trị quyền sử dụng đất… “Sự không rõ ràng về khái niệm dẫn tới khả năng thực thi sai pháp luật” - ông Võ nói.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng phân tích, khi còn danh nghĩa sở hữu toàn dân thì trên mỗi mảnh đất có hai ông chủ: Một ông chủ Nhà nước có quyền sở hữu về nguyên tắc nhưng rất chung chung. Một ông chủ thực sự là người dân hay tổ chức nhưng chỉ có quyền sử dụng đất, tuy nhiên quyền này trên thực tế lại rộng gần bằng quyền sở hữu.
Trong lòng người dân nghĩ khác
Thực tế cho thấy ở nhiều vùng, người dân định cư lâu đời, họ coi đất đai của gia đình là do tổ tiên, ông cha khai phá và sở hữu hàng trăm năm trước để lại cho họ. “Do vậy, dù có quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân thì trong lòng người nông dân họ cũng không nghĩ như vậy. Mặt khác trên thực tế, ngay cả với danh nghĩa Nhà nước thay mặt toàn dân sở hữu đất đai thì sau khi Nhà nước đã giao đất, cho thuê đất, Nhà nước cũng không còn giữ quyền định đoạt hoàn toàn đối với phần đất đó nữa” - bà Lan nói.
“Về mặt pháp lý, hiện người dân chỉ có quyền sử dụng đất thôi. Chúng ta không nói mua bán đất đai, mà nói rằng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Nhưng bản chất là việc mua bán đất đai. Đó là một cách nói tránh, làm cho vấn đề hóa ra phức tạp” - ông Nguyễn Đình Lộc, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp, thẳng thắn. (Còn tiếp)
Theo Hoàng Vân
Báo PL TPHCM