Bác đề xuất xin "tái cấp vốn" cho dự án nhà ở thương mại chuyển đổi
(Dân trí) - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản chính thức "bác" đề xuất gia hạn giải ngân tái cấp vốn đối với các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, dự án nhà ở thương mại đã chuyển thành nhà ở xã hội trong hợp đồng vay gói 30.000 tỷ đồng nhưng vẫn xây dựng dở dang.
Theo lý giải của NHNN, các doanh nghiệp (DN) trong thời gian qua đã được hưởng nhiều ưu đãi của Nhà nước về thuế; đồng thời các chính sách hỗ trợ vốn, lãi suất của Chính phủ đã đến trực tiếp khách hàng mua dự án rồi... nên không có cơ sở để các ngân hàng tiếp tục tái cấp vốn cho các dự án còn đang dang dở.
Trước đó, trong văn bản gửi lên Chính phủ, NHNN, các bộ ngành như Tài chính, Đầu tư, Xây dựng... trong nhiều đề xuất chính sách liên quan đến cơ chế giải ngân, tái cấp vốn, bù lãi suất cho dự án nhà ở của gói 30.000 tỷ đồng, Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA) đã kiến nghị tái cấp vốn cho các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có hợp đồng vay vốn gói 30.000 tỷ đồng ký trước ngày 31/3/2016 (thời hạn gói tín dụng trên hết hiệu lực cam kết cho vay) nhưng chưa xây dựng xong.
NHNN khẳng định, nhóm các DN là đơn vị kinh doanh đã được hưởng lợi nhuận định mức, đã được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai.... khi xây dựng nhà ở xã hội. Việc gia hạn cho người dân thời gian qua cũng là hình thức hỗ trợ gián tiếp cho việc bán hàng của các DN.
Bên cạnh đó, trong các mục tiêu của chương trình thì mục tiêu an sinh xã hội thông qua việc hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn giá rẻ để cải thiện điều kiện về chỗ ở là mục tiêu quan trọng, được ưu tiên hơn là cho DN.
Ngoài ra, tiến độ giải ngân của nhóm khách hàng DN diễn ra rất chậm do dự án chậm tiến độ, việc gia hạn chương trình cho các dự án chậm tiến độ sẽ tạo tiền lệ không tốt, gây tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Vì vậy, không thể sử dụng tái cấp vốn cho các DN diện nói trên.
Được biết, sau ý kiến của HoREA gửi lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn 5344/VPCP-KTTH đồng ý chỉ gia hạn giải ngân tái cấp vốn đối với khách hàng cá nhân.
Như vậy, việc giải ngân tái cấp vốn đối với các khách hàng là hộ gia đình, cá nhân đầu tư cải tạo hoặc xây mới nhà ở xã hội, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội vẫn thực hiện như cũ là kết thúc theo đúng quy định tại Thông tư 11 năm 2013 và Thông tư 32 năm 2014 của NHNN.
Trên thực tế, có không ít dự án nhà ở xin tái cấp vốn lần thứ 2 hoặc nhiều lần tiếp theo dựa trên cùng 1 tài sản đảm bảo là giá trị dự án, căn hộ. Thời gian qua không ít dự án nhà ở thương mại đã được chủ đầu tư sử dụng phương thức này để vay tiền của ngân hàng. Đây là nguy cơ một dự án, ngân hàng phải cung cấp tín dụng nhiều lần, nếu trường hợp phát sinh nợ xấu, sẽ khó đòi và phần thiệt thuộc về các ngân hàng thương mại.
Nguyễn Tuyền