Ba tỷ phú Việt kiếm tỷ USD năm qua; trùm buôn lậu ung dung ngoài xã hội

(Dân trí) - Năm 2017 chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của loạt đại gia tên tuổi Việt. Bởi chỉ vỏn vẹn 1 năm trời, số tài sản của họ đã tăng lên hơn 1 tỷ USD. Tuần qua, một “đại gia” buôn lậu đã từng bị truy nã toàn quốc đang ung dung ngoài xã hội cũng là sự kiện được được nhiều người quan tâm không kém gì các tỷ phú đô la.

3 tỷ phú kiếm hơn 1 tỷ USD chỉ từ cổ phiếu

Thống kê thực tế, trong gần một năm qua, chỉ riêng khối tài sản trên sàn chứng khoán của ông Vượng đã tăng hơn 25.000 tỷ đồng, xấp xỉ 1,1 tỷ USD. Ông Vượng cũng là đại gia Việt kiếm nhiều tiền nhất tại Việt Nam tính tới hiện tại theo cả thống kê của Forbes và thống kê thực tế sở hữu cổ phiếu.

Toàn bộ số tiền hơn 25.000 tỷ đồng gia tăng của ông Vượng đều đến từ khối lượng sở hữu cổ phiếu VIC khổng lồ. Năm qua, giá cổ phiếu VIC đã tăng gần 83% từ mốc 42.000 đồng/cổ phiếu lên hơn 76.000 đồng như hiện nay.

Ba tỷ phú Việt kiếm tỷ USD năm qua; trùm buôn lậu ung dung ngoài xã hội - 1

Năm qua, đại gia giàu nhất sàn chứng khoán Việt - ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC (FLC), cũng đã kiếm thêm cho mình hơn 24.000 tỷ đồng từ số cổ phiếu đang sở hữu.

Trong đó, gần 98% tài sản của ông Quyết đến từ 67,34% cổ phần sở hữu tại CTCP Xây dựng FLC Faros (ROS). Đây chính là động lực thổi khối tài sản của đại gia này lên hơn 57.000 tỷ đồng.

Một đại gia khác cũng sở hữu khối tài sản tăng vọt gần 24.700 tỷ đồng trong năm qua chính là nữ tỷ phú đôla Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc CTCP Hàng không Vietjet (VJC).

Hiện tại, thông qua nắm giữ trực tiếp và các công ty do mình sở hữu, bà Thảo là cổ đông lớn nhất tại Vietjet Air. Ước tính khối tài sản chỉ từ cổ phiếu của bà lên tới gần 24.700 tỷ đồng, xấp xỉ 1,1 tỷ USD trong tổng số 2,2 tỷ USD tài sản ròng do Forbes thống kê.

Dũng 'mặt sắt' ung dung ngoài xã hội

Cơ quan cảnh sát điều tra đã làm rõ Công ty Tuấn Đông đã thực hiện trót lọt việc vận chuyển 138 xe ô tô (chủ yếu thuộc dòng siêu xe và siêu sang như Audi, Lexus, Mercedes, Porsche, Land Rover...). Trong số đó, chỉ riêng 25 xe ô tô bị cơ quan điều tra thu giữ trong cuộc đột kích vào đêm ngày 5 rạng ngày 6-5-2013 đã được định giá lên tới 17 tỉ đồng.

Với thủ đoạn tương tự, Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu quốc tế Tân Đại Dương xuất được 338 siêu xe các loại, cơ quan điều tra thu giữ 29 chiếc xe, được định giá 19 tỉ đồng. Công ty Cổ phần Thương mại Quốc tế NC xuất được 99 ô tô.

Tang vật bị công an thu giữ của Dũng mặt sắt
Tang vật bị công an thu giữ của Dũng "mặt sắt"

Tổng cộng 3 công ty đã xuất được 575 xe. Tất cả số siêu xe này đều được các đối tượng vận chuyển qua đường cống tại khu vực cửa khẩu Bắc Phong Sinh sang Trung Quốc…

Sau khi phiên toà kết thúc, Dũng "mặt sắt" đã ra cơ quan công an đầu thú. Thế nhưng, vài tháng gần đây, có người đã phát hiện Dũng "mặt sắt" ung dung ở ngoài xã hội.

Điều này khiến nhiều người không khỏi lo lắng bởi Dũng “mặt sắt” là một tội phạm từng bị truy nã toàn quốc. Và liệu trong quá trình tại ngoại chờ ngày ra toà, Dũng có tiếp tục vi phạm pháp luật, chỉ đạo các hoạt động của "thế giới ngầm"?

Dính "dớp" Khaisilk đại gia mất không nghìn tỷ

Cách đây không lâu, HBC của ông Lê Viết Hải lao đao sau tin đồn bị Khaisilk xù nợ ngàn tỷ. Trong 2 tuần cuối tháng 10 và đầu tháng 11, cổ phiếu HBC đã giảm khoảng 25% từ mức gần 65 ngàn đồng/cp xuống gần 48 ngàn đồng/cp (trong phiên ngày 2/11). Với mức giảm này, vốn hóa của HBC đã giảm khoảng 1,5 ngàn tỷ đồng.

Ông Lê Viết Hải đã phải viết tâm thư, giám đốc đối ngoại Nguyễn Hữu Hiền ra thông báo cảnh báo với nhà đầu tư về 3 tin đồn khiến cổ phiếu HBC lao dốc.

Ba tỷ phú Việt kiếm tỷ USD năm qua; trùm buôn lậu ung dung ngoài xã hội - 3

Ông Hải khẳng định, các tin đồn về Hòa Bình về tình hình kết quả kinh doanh quý 3 và sắp tới của Tập đoàn rất xấu là hoàn toàn sai sự thật và khẳng định mọi hoạt động kinh doanh của HBC đang diễn biến tốt theo đúng kế hoạch. Hòa Bình không có bất cứ hợp đồng hợp tác nào với KhaiSilk.

Loạt sếp lớn phải từ chức

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) vừa được Quốc Hội thông qua và sẽ có hiệu lực từ 15/1/2018, quy định: các lãnh đạo cấp cao của ngân hàng sẽ không được kiêm nhiệm giữ vị trí chủ chốt tại các doanh nghiệp.

Đây là một quy định nhằm tránh tình trạng sở hữu chéo, được 88,8% đại biểu đồng thuận.

Những đại gia Việt sẽ buộc phải từ bỏ hoặc vị trí chủ tịch ngân hàng hoặc chủ tịch các tập đoàn lớn có thể nhắc tới như: ông Dương Công Minh (hiện là chủ tịch Sacombank , chủ tịch Tập đoàn Him Lam), ông Đỗ Quang Hiển (chủ tịch Ngân hàng SHB, chủ tịch của Tập đoàn T&T, Chứng khoán SHS,... ), ông Đỗ Minh Phú (chủ tịch TPBank, chủ tịch DOJI Group), ông Hồ Hùng Anh (chủ tịch Techcombank, chủ tịch Masan), ông Đặng Khắc Vỹ (chủ tịch VIB Bank, chủ tịch Mareven Food Holdings),

Nhiều nữ chủ tịch cũng sẽ phải từ chức, như: bà Thái Hương TGĐ BacABank đang là chủ tịch của CTCP Sữa TH, Chủ tịch HDBank là bà Lê Thị Băng Tâm đang là chủ tịch của Vinamilk.

Theo một số nguồn tin từ Sacombank cho biết, ông Dương Công Minh tiết lộ sẽ từ bỏ các chức vụ tại Him Lam để tập trung vào Sacombank.

Quy định vừa được thông qua không có gì mới so với thông lệ trên thế giới. Đây là cách thức để quản lý ngân hàng chặt chẽ hơn, nhằm bảo vệ sự an toàn cho hệ thống tài chính trong nước. Nó giúp chống sở hữu chéo, chống thao túng và hoạt động sân sau.

Khởi tố nguyên Giám đốc Chứng khoán Ngân hàng

Ngày 29/11, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước nhận được thông báo của Công an Thành phố Hà Nội về việc khởi tố vụ án hình sự thao túng giá chứng khoán đối với cổ phiếu của Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế và Phát triển đô thị (mã cổ phiếu: CDO).

Công an Thành phố Hà Nội đã ra Quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Vân Giang, sinh năm 1981, Hộ khẩu thường trú: 145 Nguyễn Thái Học, phường Điện Biên, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội - nguyên giám đốc Công ty TNHH MTV chứng khoán Ngân hàng Đông Á - chi nhánh Hà Nội về tội thao túng giá chứng khoán quy định tại Điều 181c Bộ Luật hình sự.

Chủ tịch Nguyễn Đức Hưởng nhường quyền mua cổ phiếu

Cụ thể, theo thông báo từ Ngân hàng TMCP Liên Việt (LienVietPostBank), ông Nguyễn Đức Hưởng - Chủ tịch HĐQT đã thông báo giao dịch chuyển nhường quyền mua cổ phiếu của người nội bộ, với giao dịch dự kiến được thực hiện từ 28/11 - 4/12.

Hiện số lượng quyền mua mà Chủ tịch LienVietPostBank có là 83.013 quyền và đây cũng là toàn bộ số lượng quyền mua đăng ký chuyển nhượng (theo tỷ lệ thực hiện quyền 1:1).

Ông Nguyễn Đức Hưởng hiện đang nắm giữ hơn 32 triệu cổ phiếu LPB, chiếm 4,95% vốn điều lệ của ngân hàng.

Trả lời báo chí về động thái trên, ông Nguyễn Đức Hưởng cho biết: "Tôi muốn nhường quyền mua cổ phiếu LPB tới các phó tổng giám đốc để họ gắn bó với ngân hàng. Vì thực tế vừa qua, cán bộ lãnh đạo LienVietPostBank được mua rất ít so với nhu cầu.”

Thế Hưng

Ba tỷ phú Việt kiếm tỷ USD năm qua; trùm buôn lậu ung dung ngoài xã hội - 4