Bà Phạm Chi Lan: Vingroup đã tạo ra “cú hích” cho cộng đồng doanh nghiệp
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nhu cầu sản phẩm, trường học, dịch vụ bệnh viện chất lượng cao đang rất thiếu thốn ở Việt Nam. Khi doanh nghiệp đưa ra quyết định chuyển sang mô hình phi lợi nhuận, họ muốn nâng lên quy mô rất lớn, đạt chuẩn như nhiều nước khác.
Tập đoàn Vingroup công bố phi lợi nhuận hóa 2 thương hiệu y tế, giáo dục chất lượng là Vinmec và Vinschool theo xu hướng phát triển của các doanh nghiệp lớn trên thế giới. Theo đó, Tập đoàn Vingroup cam kết dành 100% lợi nhuận thu được từ Vinmec và Vinschool để tái đầu tư, nâng cấp và phát triển hệ thống; tài trợ nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, tăng cường hợp tác, liên kết quốc tế… Đồng thời cam kết không thu hồi hơn 4.000 tỷ đồng đã đầu tư để xây dựng hệ thống.
Quyết định này của Vingroup đã nhận được sự quan tâm lớn từ cộng đồng cũng như giới chuyên gia. PV đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan về những đánh giá với mô hình hoạt động mới của Vinmec và Vinschool cũng như xu hướng chung trên thế giới về mô hình này.
Thưa bà, bà đánh giá như thế nào về quyết định chuyển đổi Vinmec và Vinschool thành mô hình hoạt động phi lợi nhuận?
-Tôi vô cùng ngạc nhiên vì quyết định phi lợi nhuận mô hình của Vinschool và Vinmec. Phi lợi nhuận tức là tiền làm ra sẽ tiếp tục quay trở lại đầu tư vào hệ thống. Đây là quyết định mạnh bạo, ít doanh nghiệp Việt nào dám làm như vậy. Tuy nhiên, cũng không quá khó hiểu bởi nhìn lại cả quá trình phát triển và bước đi của họ thì có thể thấy nhiều khi họ đi trước doanh nghiêp khác và thời đại rất nhiều.
Dưới góc độ doanh nghiệp, khi chuyển mô hình sang phi lợi nhuận, thu nhập từ hai lĩnh vực này chắc chắn sẽ bị giảm đi nhưng về lâu dài có thể đem lại lợi ích lớn cho doanh nghiệp bởi vì giáo dục, y tế là nhu cầu lớn ở Việt Nam. Đặc biệt là nhu cầu sản phẩm, trường học, dịch vụ bệnh viện chất lượng cao đang rất thiếu thốn ở Việt Nam. Khi doanh nghiệp đưa ra quyết định như vậy, họ muốn nâng lên quy mô rất lớn, đạt chuẩn như nhiều nước khác.
Đây là con đường nhiều nước phát triển đi theo, doanh nghiệp phi lợi nhuận nhưng vẫn có thể mang lại lợi ích rất lớn cho công ty, đóng góp cho xã hội rất lớn. Tôi cũng mong hoạt động của Vingroup góp phần nâng cấp, hướng tới chất lượng cao hơn của hệ thống giáo dục, y tế tại Việt Nam.
Thực tế ở Việt Nam đã manh nha mô hình không vì lợi nhuận từ nhiều năm nay, nhưng đến nay vẫn chưa thực sự phát triển. Theo bà nguyên nhân là tại sao?
Hai lĩnh vực này vốn nhận được rất nhiều tiền đầu tư của nhà nước nhưng đang đi theo xu hướng ngược. Chính những đơn vị trường học, bệnh viên công lại theo hướng thương mại hoá. Nâng giá lên nhưng không cải thiện chất lượng dịch vụ, thậm chí còn làm mất niềm tin của xã hội đối với dịch vụ công.
Điều này thúc đẩy Nhà nước có trách nhiệm hơn trong việc phát triển giáo dục, y tế. Cũng là cú hích giúp doanh nghiệp khác của Việt Nam suy nghĩ hướng hoạt động như nào. Việt Nam hiện cũng có nhiều trường tư, dân lập nhưng đang đứng trước ngã ba đường để chọn mô hình vì lợi nhuận hay phi lợi nhuận.
Theo bà, việc chuyển đổi mô hình hoạt động của Vingroup sẽ ảnh hưởng thế nào đến cộng đồng doanh nghiệp nói chung, đặc biệt là những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực y tế - giáo dục?
Quyết định này của Vingroup giúp các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này ngoài khu công lập hướng hoạt động tới phi lợi nhuận. Hoặc đơn vị nào muốn nhiều lợi nhuận thì tách hẳn, phân biệt rõ. Còn đơn vị nào mà muốn phi lợi nhuận thì phải tạo điều kiện, giúp đỡ họ phát triển.
Tôi cũng nhấn mạnh rằng, muốn Vingroup thành công và nhân rộng mô hình này ở nhiều doanh nghiệp khác thì Nhà nước phải có những khuyến khích, xây dựng quy chế riêng đối với các đơn vị có đóng góp cho xã hội.
Những doanh nghiệp tiên phong thành công thì mới có thể nhân rộng được mô hình ra toàn quốc, các doanh nghiệp, tổ chức mới dám làm theo. Nếu họ thất bại là thiệt thòi rất lớn cho xã hội.
Xin cảm ơn bà!
Hà Anh (thực hiện)