Ba năm tới, Việt Nam "hụt" hơn 110.000 tỷ đồng vì tự do thương mại

(Dân trí) - Theo ước tính của Bộ Tài chính, với 10 Hiệp định tự do thương mại song và đa phương (FTA) thế hệ mới, trong đó có những cơ chế tự do thương mại, xoá bỏ hàng rào thuế quan nhiều mặt hàng thông thường, hàng nhạy cảm cao, ba năm tới Việt Nam có thể thất thu ngân sách số tiền tổng cộng hơn 110.000 tỷ đồng.

Số thất thu ngân sách theo ước tính qua các năm của Bộ Tài chính cụ thể là: năm 2018 là 30.150 tỷ đồng, năm 2019 là 36.340 tỷ đồng và năm 2020 là 43.965 tỷ đồng.


Việt Nam giảm thu ngân sách từ bỏ thuế nhập nhiều mặt hàng theo FTA, đồng nghĩa với thị trường trong nước ngày càng bị hàng hóa các nước cạnh tranh.

Việt Nam giảm thu ngân sách từ bỏ thuế nhập nhiều mặt hàng theo FTA, đồng nghĩa với thị trường trong nước ngày càng bị hàng hóa các nước cạnh tranh.

Riêng năm 2018, năm bản lề thực hiện xóa bỏ thuế quan nhiều mặt hàng nhập khẩu từ các nước ASEAN, trên 90% các dòng hàng theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) sẽ có thuế nhập khẩu giảm xuống 0%. Mạnh nhất là một số mặt hàng có số thu lớn thuế suất cao như: ô tô giảm từ 30% xuống 0%; linh kiện phụ tùng 5%, 20% xuống 0%; sắt thép 5% xuống 0%; nông sản, thuốc lá, rượu…

Bên cạnh đó, với việc ký các Hiệp định thương mại ASEAN-Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định thương mại ASEAN-Hàn Quốc (AKFTA) trong năm 2018 cũng có tới hơn 400 dòng hàng có thuế suất hiện nay là 5, 7, 10% sẽ về 0% vào năm 2018. Đây lại là hai nước có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất vào Việt Nam hiện nay.

Hiện theo thống kê của Tổng cục Hải quan, Việt Nam có kim ngạch nhập khẩu rất lớn từ 3 đối tác chính là Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước ASEAN. Riêng đối với kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc đã được cải thiện, giảm về tỷ trọng nhập khẩu và tỷ lệ nhập siêu.

Tuy nhiên thay thế vào số nhập khẩu giảm từ Trung Quốc, Việt Nam lại tăng nhập khẩu từ Hàn Quốc và các nước ASEAN, tỷ lệ nhập siêu từ các thị trường này cũng gia tăng. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu từ Hàn Quốc là máy móc, linh kiện điện tử, ô tô; hàng nhập từ các nước ASEAN là thiết bị máy móc, vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng, ô tô và linh kiện ô tô, điện tử...

Theo Bộ Tài chính, hiện Việt Nam đã ký kết 10 hiệp định thương mại quốc tế việc thực hiện các cam kết hội nhập về thuế quan nhằm thu hút và góp phần gia tăng đầu tư nước ngoài, giảm chi phí nhưng có thể giúp tăng thu ngân sách nhà nước (NSNN) từ các khoản thuế nội địa như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế đất, thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân..

Trước mắt, việc thực hiện các cam kết FTA cũng khiến số thu ngân sách từ thuế nhập khẩu sụt giảm, ảnh hưởng đến công tác thu NSNN nói chung. Điều này đặt áp lực lớn đối với cơ cấu chi ngân sách, đặc biệt có thể phát sinh những khoản thu thuế mới, tăng gánh nặng đối với khu vực trong nước nếu không được kiểm soát.

10 Hiệp định thương mại Việt Nam hiện tham gia gồm: ASEAN, ASEAN - Trung Quốc, ASEAN - Hàn Quốc, ASEAN - Úc - New Zealand, ASEAN - Ấn Độ, ASEAN - Nhật Bản, Việt Nam - Nhật Bản, Việt Nam - Chi lê, Việt Nam - Hàn Quốc, và Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á-Âu).

Thời gian tới, Việt Nam có thể tham gia sâu một số FTA thế hệ mới, có tính chất liên khu vực như: RCEP - Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực và "phiên bản mới" của TPP là Hiệp định Đối tác toàn diện, tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP với 11 nước thành viên TPP cũ, ngoại trừ Mỹ.

An Linh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm