Ba mươi năm cải cách nhưng không khó như giai đoạn hiện nay

(Dân trí) - "Ba mươi năm trước đây, cải cách khó nhưng không khó bằng giai đoạn hiện nay. Hiện nay, cải cách khó hơn vì cần quyết liệt, mạnh mẽ hơn và sự ủng hộ của dân chúng nữa".

Tại buổi tổng kết Dự án hỗ trợ Tái cơ cấu kinh tế nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam được tổ chức sáng nay (23/6) tại Hà Nội, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: Quá trình đổi mới, cải cách đất nước phải làm tốt hai nhiệm vụ, lập thị trường cạnh tranh và thay đổi cách thức điều hành bộ máy Nhà nước.

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM)
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM)

TS Nguyễn Đình Cung thừa nhận thực tế: "30 năm cải cách khó nhưng không khó bằng giai đoạn hiện nay. Hiện nay, cải cách khó hơn vì cần quyết liệt, mạnh mẽ hơn và sự ủng hộ của dân chúng nữa".

Theo nhiều chuyên gia tại Hội thảo, vấn đề cải cách nền kinh tế Việt Nam hiện nay đang vướng ở chỗ, chúng ta phân bổ sai và thiếu hiệu quả các nguồn lực phát triển; cải cách khu vực DN Nhà nước, quản lý, bộ máy chậm trễ kéo lùi tiến trình cải cách nền kinh tế.

Mô hình tăng trưởng chậm chuyển đổi sang giá trị gia tăng, đi vào chiều sâu và nâng cao năng suất lao động. Thay vào đó, nền kinh tế vẫn vận hành theo mô hình hướng thâm dụng tài nguyên, vốn, lao động giá rẻ.

Trong khi cải cách khu vực điều hành Nhà nước của Việt Nam chậm, ưu đãi cho DN Nhà nước không giảm, khu vực FDI ngày càng tách riêng với giá trị gia tăng của nền kinh tế thì khu vực DN tư nhân trong nước ngày càng yếu thế, thu hẹp. Kinh tế tư nhân đã và đang không đủ sức và tầm để đảm đương sứ mệnh làm nhân tố cho tăng trưởng đất nước và đối trọng với 2 khu vực FDI và DN Nhà nước.

Viện trưởng Viện CIEM kiến nghị thêm: Phải thay đổi vai trò chức năng, nhiệm vụ năng lực của Nhà nước về điều hành kinh tế đất nước đi. Chúng ta hay thấy quan hệ Nhà nước và thị trường, DN đang ở chỗ xin cho, ban phát. Muốn bỏ đi phải làm được 2 việc: Phát triển thị trường và thay đổi cách điều hành của Nhà nước.

“Nếu không thay đổi khó có dư địa cho thị trường phát triển. Ông Cung nhấn mạnh thêm: Phát triển nền kinh tế thị trường là trọng tâm của cải cách. Ở đâu chưa có thị trường thì chúng ta phải phát triển thị trường (thị trường tài chính, lao động, đất đai... ) để làm cho thị trường này trở thành yếu tố đóng vai trò chủ yếu trong phân bố nguồn lực, mới thay đổi được cơ chế nguồn lực theo kiểu xin cho như hiện nay”, ông Cung nói.

Đồng quan điểm trên, TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT) nói: Quá trình điều hành nền kinh tế thời gian qua Việt Nam nhận thấy những khó khăn hạn chế của việc tái cơ cấu phải đi liền với nâng cao năng lực cạnh tranh.

“Tôi cho rằng tái cơ cấu mới ở khởi đầu thôi chứ chưa thoát ra và tiến triển như chúng ta mong muốn. Còn về nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, khi chưa tái cơ cấu các nguồn lực thì chúng ta chưa thể nói được điều gì cả. Đến lúc này Việt Nam không thể chậm trễ trong cải cách vì đây là đòi hỏi nội tại, vừa không thể chần chừ với nâng cao năng lực cạnh tranh bởi đây sẽ là thách thức sống còn cho cạnh tranh quốc tế. Nếu không cải thiện, Việt Nam dễ rơi vào bẫy mô hình của chính mình những năm về trước”, TS Hồ nói.

Ông Hồ giải thích: Hai vấn đề Việt Nam đang còn vướng là ở khía cạnh vĩ mô, Nhà nước đang vật lộn trong việc vừa muốn ổn định để phát triển bền vững vừa muốn tăng trưởng, tái cơ cấu… Còn ở góc nhìn vi mô, DN đang rất chật vật để phát triển, sống sót trong một thị trường có nhiều “gập ghềnh” nếu không nói là “méo mó” của quản lý Nhà nước.

Nguyễn Tuyền