Ba kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong 5 năm tới

(Dân trí) - Trung tâm Thông tin và dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia (NCIF) dự báo, từ năm 2016 – 2020 nền kinh tế Việt Nam sẽ chính thức thoát khỏi thời kỳ suy giảm và bắt đầu chu kỳ phục hồi, tăng trưởng mới.

Theo đó, các yếu tố như giá nguyên liệu thấp, lực đẩy và hiệu ứng lan tỏa từ làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài, cải cách thể chế để kịp với tốc độ hội nhập… sẽ tác động giúp khu vực kinh tế tăng trưởng mạnh hơn.

Bên cạnh đó, khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ nhờ các tín hiệu hồi phục từ kinh tế vĩ mô cũng như xuất khẩu gia tăng trong quá trình hội nhập. Khu vực dịch vụ sẽ duy trì mức tăng trưởng tốt do hiệu ứng cầu kéo của các ngành kinh tế, trong khi đó các ngành nông lâm thủy sản có thể tăng chậm lại….


Tăng trưởng GDP của Việt Nam trong 5 năm tới 2016 - 2020 có thể đạt 6,67%

Tăng trưởng GDP của Việt Nam trong 5 năm tới 2016 - 2020 có thể đạt 6,67%

Dựa trên những nền tảng đó, NCIF đã đưa ra ba kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong giai đoạn 2016 – 2020.

Kịch bản thứ nhất là tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt mức 6,67%, lạm phát dưới 5%. Đây là kịch bản trung bình (kịch bản có thể xảy ra) nếu khu vực Kinh tế Nhà nước được cải thiện hơn về hiệu quả, chính sách tiền tệ linh hoạt, cải cách bộ máy hành chính nhanh với các thủ tục đầu tư thông thoáng thuận lợi.

Kịch bản thứ hai là kịch bản lạc quan nhất, rất khó có thể xảy ra đó là tăng trưởng GDP Việt Nam đạt mức trên 7% khi và chỉ khi các cải cách khu vực công, kinh tế Nhà nước mạnh mẽ hơn; các biến số về nợ công, nợ xấu được giải quyết triệt để, không còn đe dọa nền kinh tế.

Kịch bản thứ ba thấp hơn, GDP có thể chỉ tăng trưởng 6% nếu Việt Nam vẫn duy trì mô hình tăng trưởng cũ như: tăng trưởng chiều rộng, lấy giá rẻ, nhân công rẻ, thâm dụng vốn, khai thác tài nguyên... Đồng thời, những rủi ro về nợ công, nợ xấu không được giải quyết mà còn phình to nên, cùng với các tác động tiêu cực của diễn biến kinh tế toàn cầu.

Do đó, theo bà Mai Thị Thu, Giám đốc NCIF cho hay: Muốn nền kinh tế dịch chuyển từ tăng trưởng trung bình và tăng trưởng cao, bền vững, Việt Nam cần những giải pháp tổng thế, trong đó chính sách tiền tệ linh hoạt và dài hạn; thiết chặt nợ công và đầu tư công; nợ xấu của hệ thống ngân hàng cần được xử lý triệt để; tăng năng suất lao động dựa vào đổi mới công nghệ và giá trị ngành kinh tế mũi nhọn; tăng khả năng hội nhập và cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa và cải cách nhanh, mạnh thể chế kinh tế theo kịp với chuẩn quốc tế và yêu cầu hội nhập…

Mặc dù có nhiều lạc quan vào tăng trưởng của nền kinh tế trong trung và dài hạn, nhưng một số chuyên gia cho rằng, các vấn đề rủi ro nợ xấu, nợ công và khả năng hội nhập của nền kinh tế, doanh nghiệp Việt vẫn còn là thách thức. Một số ngành kinh tế đang có nhiều dấu hiệu kém cạnh tranh, yếu năng lực hội nhập và không hấp thụ được các lợi thế tự do hóa kinh tế, trong đó có nông nghiệp. Ngành chăn nuôi, sản xuất lúa gạo, cây công nghiệp... đã và đang gặp khó khăn do khó cạnh tranh về sản phẩm cũng như chất lượng hàng hóa với các nước. Số dân trong ngành nông nghiệp vẫn chiếm gần 70% dân số, năng suất thấp và quy mô nhỏ bé đang là điểm nghẽn cho tăng trưởng kinh tế đất nước.

Dẫu vậy, TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: “Cơ hội để nền kinh tế, doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn 2016 – 2020 rất lớn khi thị trường Việt Nam có tự do hóa ngày càng cao, cơ hội kinh doanh là của mọi người, mọi ngành. Tuy nhiên, đây chỉ là điều kiện, môi trường thuận lợi cho kinh tế vươn lên, phát triển. Tôi không quá kỳ vọng vào kinh tế sẽ bật ghê gớm, chỉ mong 5 năm tới sẽ tạo tiền đề để đi lên, các doanh nghiệp Việt sẽ tận dụng được cơ hội để vươn lên trong thời gian tới”.

Nguyễn Tuyền

 

Ba kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong 5 năm tới - 2