1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Australia - Trung Quốc căng thẳng, giá quặng sắt tăng đột biến

Hương Vũ

(Dân trí) - Nhu cầu mạnh mẽ từ các nhà máy sản xuất thép cùng căng thẳng trong quan hệ giữa Trung Quốc - Australia là hai nguyên nhân chính khiến cho giá quặng sắt tăng cao nhất trong 8 năm trở lại đây.

Australia - Trung Quốc căng thẳng, giá quặng sắt tăng đột biến - 1

Các con tàu đang đợi được chất quặng sắt tại Cảng Hedland ở vùng Pilbara, Tây Úc. Ảnh: Reuters

Theo Hiệp hội Sắt Thép Trung Quốc, giá quặng sắt - nguyên liệu thô chính cho sản xuất thép - đang chạm mức kỷ lục kể từ tháng 3/2013. Kể từ đầu năm đến nay, giá quặng sắt đã tăng 50%.

Do phần lớn nguồn cung quặng sắt của Trung Quốc được nhập khẩu từ Australia và Brazil. Trong đó, Australia cung cấp khoảng 60% quặng sắt của Trung Quốc. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Canberra đang trở nên tồi tệ hơn khiến lo ngại nguồn cung quặng sắt có thể bị gián đoạn.

Hiện, hoạt động buôn bán quặng sắt vẫn diễn ra bình thường và không có dấu hiệu nào cho thấy Bắc Kinh sẽ ban lệnh hạn chế nhập khẩu quặng sắt của Australia như đối với rượu, than và gỗ của Australia.

"Việc tranh chấp thương mại giữa hai nước trong thời gian gần đây khiến cho thị trường lo lắng về việc nguồn cung quặng sắt từ Australia bị gián đoạn. Với nhu cầu nội địa mạnh mẽ và sự phục hồi nhanh chóng của ngành sản xuất thép quốc tế, giá của mặt hàng này trên trường quốc tế đã tăng nhanh đáng kể", tờ Futures Daily nhận định hôm 9/12.

Theo Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc, tính đến hôm 8/12, giá nhập khẩu của quặng sắt đã tăng hơn 142 USD/tấn, tăng hơn 55% so với đầu năm nay nay. Trong tuần đầu tiên của tháng 12, giá quặng sắt đã tăng khoảng 10%. Vào năm ngoái, Trung Quốc nhập khẩu hơn 1 tỷ tấn quặng sắt nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thị trường trong nước là 1,2 tỷ tấn.

Việc giá thành của quặng sắt nhập khẩu tăng cao cũng đã đem lại những hệ quả nhất định đến thị trường nội địa của Trung Quốc. Các hợp đồng quặng sắt chính giao dịch trên Sàn giao dịch Hàng hóa Đại Liên đã tăng giá hơn 20% trong tháng qua lên gần 1.000 NDT (153 USD)/ tấn. Điều này đã khiến cho sàn giao dịch này gửi một một lá thư cảnh báo rủi ro cho các nhà đầu tư vào thứ 6 tuần trước (4/12) và áp đặt nhiều hạn chế hơn đối với giao dịch tương lai.

Australia - Trung Quốc căng thẳng, giá quặng sắt tăng đột biến - 2

Australia cung cấp đến 60% quặng sắt của Trung Quốc. Ảnh: Getty

Tại các cảng chính ở Pilbara, thủ phủ khai thác quặng sắt của Australia, tổng các lô hàng xuất khẩu từ cảng Hedland và cảng Dampier vào tháng 11 vừa qua vẫn gần tương đương so với cùng kỳ năm ngoái, theo báo cáo mới nhất từ Cơ quan Hải quan của Pilbara.

Dữ liệu từ Cục Hải quan Trung Quốc cho biết, vào tháng trước, Trung Quốc nhập khẩu hơn 98 triệu tấn quặng sắt, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Giao thương quặng sắt của nước này với Úc trong năm nay vẫn ổn định về giá trị và khối lượng.

Giá thành của quặng sắt đã được đẩy lên chủ yếu nhờ những khoản lợi nhuận của Trung Quốc từ việc sản xuất thép, cũng như nhu cầu về các sản phẩm từ thép từ các ngành sản xuất và xây dựng tăng cao, khi nền kinh tế Trung Quốc đang cố gắng vực dậy hậu đại dịch Covid-19.

Kể từ tháng 9 năm nay, giá cả của các sản phẩm thép đã phục hồi về mức bình thường so với đầu năm 2019, và việc sản xuất đã đạt mức hai con số kể từ tháng 7 năm nay. Trữ lượng quặng sắt dự trữ tại các cảng Trung Quốc đã giảm mạnh từ đầu tháng 11 cho thấy nhu cầu nội địa mạnh mẽ đối với kim loại này.

Australia - Trung Quốc căng thẳng, giá quặng sắt tăng đột biến - 3

Căng thẳng Australia - Trung Quốc lan từ ngoại giao sang thương mại. Ảnh: Getty

Tuy nhiên, ngoài những vấn đề được nêu trên, vẫn còn một vấn đề về nguồn cung quặng sắt.

"Về phía nhà cung cấp, dự đoán đáng thất vọng từ công ty khai thác lớn nhất Brazil - Vale là dự kiến sản lượng quặng sắt khai thác trong năm nay chỉ đạt 300 tới 305 triệu tấn, thấp hơn chỉ tiêu đặt ra là 310 triệu tấn. Điều này tạo thêm một cơ hội cho quặng sắt tăng giá", công ty tài chính dịch vụ - Trading Economics nhận định.

Trung Quốc trong những năm trở lại đây đã trở thành một khách hàng tiềm năng và quan trọng của nhà xuất khẩu quặng sắt hàng đầu của Brazil - Vale. Theo Panjiva, một nền tảng dữ liệu thương mại toàn cầu thuộc S&P Global, tỷ lệ các lô hàng của Vale đến Trung Quốc đã tăng lên 76,9% trong ba tháng tính đến ngày 31 tháng 10, so với 66,2% trong 12 tháng trước đó.

Nhà sản xuất quặng sắt Brazil cũng đang thực hiện nhiều cải tiến nhằm đáp ứng được nhu cầu mua vào mạnh mẽ của Trung Quốc. Theo đó, doanh nghiệp này tăng cường những chuyến hàng tới các cảng nước sâu của Trung Quốc và mở rộng việc bán quặng sắt ven bờ nhiều hơn, dù cho việc này mất khá nhiều thời gian.

"Động thái này từ Vale phần nào đã phản ánh được nhu cầu nội địa đột biến của Trung Quốc so với phần còn lại của thế giới sau những đợt phong tỏa ngành công nghiệp do đại dịch bùng phát. Và Vale có thể sẽ có nhiều cơ hội để đẩy mạnh giao thương với Trung Quốc khi quan hệ giữa Australia và Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu tích cực nào", theo Panjiva.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm