Asanzo tuyên bố "tạm đóng cửa" nhà máy; cơ quan chức năng vẫn chưa ra kết luận

(Dân trí) - Theo nguồn tin của Dân trí, chiều nay (30/8), Công ty Cổ phần tập đoàn Asanzo đã chính thức tuyên bố tạm đóng cửa nhà máy. Trong khi đó, cơ quan chức năng vẫn chưa có kết luận chính thức về vụ việc.

Cụ thể, theo Công ty Asanzo, trong khoảng 70 ngày qua, từ khi bị cáo buộc "gian lận xuất xứ", Công ty này lâm vào tình trạng khó khăn, hệ thống bán hàng tê liệt nhưng vẫn phải chi ra khoảng 1 tỷ đồng/ngày để chi trả lương cho nhân công, chưa kể nhiều chi phí hoạt động khác. 

Để giảm bớt khó khăn, Công ty này tuyên bố tạm ngừng hoạt động trừ bộ phận bảo trì để đảm bảo quyền lợi của khách hàng. 

Trong khi đó, mặc dù hôm nay (30/8), là ngày các cơ quan chức năng phải có văn bản trả lời Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm tra, kết luận về vụ việc này.

Trao đổi với Dân trí sáng nay (30/8), ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia (Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả) cho biết: Chưa có kết luận chính thức bởi vụ việc này đang được làm cẩn trọng, khách quan.

Asanzo tuyên bố tạm đóng cửa nhà máy; cơ quan chức năng vẫn chưa ra kết luận - 1

Vẫn chưa có thông bao kết luận điều tra xác minh vụ việc liên quan đến Asanzo dù qua thời hạn quy định

Ông Thế nói: "Vụ việc này, các cơ quan Bộ, ngành được giao nhiệm vụ đang phải làm rất khách quan, tòan diện để đi đến kết luận chính xác".

"Lúc nào có, chúng tôi sẽ thông báo với các phương tiện thông tin đại chúng biết", Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 nói.

Khi được đề cập đến việc Thủ tướng trước đó đã yêu cầu các cơ quan khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ điều tra, làm rõ đúng - sai của doanh nghiệp và báo chí phản ánh, báo cáo kết quả cho Thủ tướng trước ngày 30/7, ông Thế cho rằng: "Kế hoạch là vậy nhưng vụ việc này phải làm cẩn trọng, khách quan".

Cũng trao đổi thêm với phóng viên Dân Trí, ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng, Tổng cục Hải quan cho biết: "Vụ Asanzo vẫn chưa có kết luận".

"Bên Bộ Tài chính cũng đang hoàn tất báo cáo gửi lên Chính phủ về vấn đề này", ông Cẩn thông tin.

Đáng chú ý, theo nguồn tin từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cơ quan này vừa có buổi làm việc với Công ty Asanzo. 

Theo biên bản, VCCI đã lắng nghe và ghi nhận các phản ánh từ phía Asanzo. Theo tổ công tác của VCCI về việc này, hiện nay pháp luật về xuất xứ hàng hóa (như Nghị định 19/2006/NĐ-CP ngày 20/2/2006 và Nghị định 31/2018/NĐ-CP ngày 08/3/2018) hoặc các Hiệp định mà Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết (như FTA Asean – Trung Quốc) chỉ có quy định về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, xuất xứ hàng hóa nhập khẩu, không có quy định về xuất xứ hàng hóa lắp ráp và lưu thông trong nước như trường hợp của công ty Asanzo. Tuy nhiên, pháp luật về xuất xứ hàng hóa tại Điều 3 Nghị định 19/2006/NĐ-CP ngày 20/2/2006 và Nghị định 31/2018/NĐ-CP ngày 08/3/2018 đều có giải thích (định nghĩa) về sản xuất hàng hóa: “Sản xuất” là các phương thức để tạo ra hàng hóa bao gồm trồng trọt, khai thác, thu hoạch, chăn nuôi, chiết xuất, thu lượm, thu nhặt, đánh bắt, đánh bẫy, săn bắn, chế tạo, chế biến, gia công hay lắp ráp.

Đáng chú ý, biên bản làm việc của Tổ công tác của VCCI với Công ty Asanzo có nhận xét: "Như vậy, đối với trường hợp sản phẩm điện tử của công ty Asanzo được sắp ráp tại Việt Nam từ các linh kiện mua trong nước hoặc nhập khẩu từ nước ngoài, việc ghi trên nhãn hàng hóa “sản xuất tại Việt Nam” hoặc ‘chế tạo bởi Việt Nam” là đúng quy định pháp luật (cụ thể quy định pháp luật về ghi nhãn hàng hóa)".

Nguyễn Tuyền