Áp lực lên tỷ giá sẽ không còn quá lớn trong năm nay?

(Dân trí) - Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại đưa ra dự báo, triển vọng đồng USD tiếp tục tăng giá mạnh trong thời gian tới là không nhiều, sau khi đã tăng khá mạnh trong giai đoạn 2014-2015.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, sau 4 tháng áp dụng cách thức điều hành tỷ giá mới, tỷ giá USD/VND trên thị trường giảm nhanh xuống mặt bằng mới, thấp hơn nhiều so với mặt bằng tỷ giá cuối năm 2015.

Tính đến 15/4, tỷ giá trung tâm đã giảm khoảng 200 đồng/USD so với ngày công bố đầu tiên (4/1/2016). Tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng thương mại có xu hướng giảm nhẹ, niêm yết quanh mức 22.300 VND/USD.

Cụ thể, Vietcombank niêm yết tỷ giá USD/VND ở mức mua vào là 22.270 VND/USD và bán ra là 22.340 VND/USD, giảm 15 VND/USD. BIDV niêm yết tỷ giá ở mức mua vào là 22.265 VND/USD và bán ra là 22.335 VND/USD, giảm 20 VND/USD.

Techcombank niêm yết tỷ giá USD/VND ở ngưỡng 22.270 - 22.350 VND/USD, tại Eximbank là 22.260 - 22.340 VND/USD, tại Dong A Bank là 22.260 - 22.340 VND/USD.

Tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do giao dịch tại 22.290 - 22.320 VND/USD (mua vào-bán ra).

Theo đánh giá của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, sự ổn định của tỷ giá trong thời gian qua có được một phần là nhờ vào những diễn biến thuận lợi trên thị trường tài chính quốc tế. Đồng USD có xu hướng giảm giá so với nhiều đồng tiền khác trên thế giới trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) liên tục trì hoãn đưa ra các quyết định tăng lãi suất. Trong khi đó, đồng Nhân dân tệ có xu hướng lấy lại giá trị so với USD sau giai đoạn mất giá khá nhanh đầu năm.

Về tình hình trong nước, nguồn cung ngoại tệ dồi dào và có phần vượt trội hơn so với nhu cầu. Dự trữ ngoại hối tính đến cuối quý I/2016 có thể tăng lên mức 34 tỷ USD (tăng thêm 3 tỷ USD so với mức cuối năm 2015). Cán cân thương mại trong 3 tháng đầu năm nay đã chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu 1,36 tỷ USD.

Trong 4 tháng đầu năm 2016, lượng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) giải ngân ước đạt 4,2 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2015; nguồn kiều hối ổn định. Vốn ODA và vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài giải ngân trong quý I/2016 tăng khoảng 7,9% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, sự thay đổi chính sách điều hành tỷ giá của NHNN cũng là nguyên nhân không kém phần quan trọng, thậm chí mang tính quyết định, góp phần vào sự ổn định của tỷ giá. Ở chiều ngược lại, cầu ngoại tệ sau giai đoạn căng thẳng vào cuối năm 2015 cũng dịu lại trong những tháng đầu năm 2016.

Cơ quan này cũng đưa ra dự báo, triển vọng đồng USD tiếp tục tăng giá mạnh trong thời gian tới là không nhiều, sau khi đã tăng khá mạnh trong giai đoạn 2014-2015. Trong quý I/2016, đà giảm tốc của kinh tế Trung Quốc cũng đã chậm lại, xuất khẩu có dấu hiệu phục hồi và áp lực giảm giá đồng Nhân dân tệ cũng lắng dịu. Trong bối cảnh đó, áp lực lên tỷ giá VND/USD sẽ không quá lớn trong năm 2016.

Phương Dung

Áp lực lên tỷ giá sẽ không còn quá lớn trong năm nay? - 2