1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

ANZ muốn mua thêm cổ phần của Sacombank?

Mới <a href=" http://dantri.com.vn/kinhdoanh/2005/8/70174.vip"> mua 10% cổ phần của Sacombank </a>, vậy mà ANZ VN đã đặc phái hẳn Tổng giám đốc Adil Ahmad sang làm việc ở ngân hàng đối tác. Ông Adil Ahmad trao đổi thêm về câu chuyện này.

Chuyển từ vị trí tổng giám đốc một ngân hàng nước ngoài sang làm việc như một chuyên viên tại Sacombank, công việc của ông sẽ như thế nào?

 

Tôi sang làm việc tại Sacombank là một bước tiến tất yếu đối với bản thân tôi cũng như Tập đoàn ANZ. Đường lối chiến lược của ANZ là nắm giữ một phần vốn cổ phần của ngân hàng sở tại, tiếp theo đó một số chuyên viên cao cấp của ANZ sẽ sang làm việc tại ngân hàng đó.

 

Hoạt động của ngân hàng sở tại sẽ vẫn do các cổ đông trong nước điều hành, nhưng ANZ có thể tác động thông qua ban lãnh đạo và các chuyên viên biệt phái của mình. ANZ đã áp dụng rất thành công mô hình này tại Indonesia, Philippines, và sẽ tiếp tục áp dụng tại các nước châu Á khác, trong đó có quan hệ hợp tác với Sacombank.

 

Vốn của ANZ chỉ chiếm 10% cổ phần của Sacombank, liệu có dễ dàng cho ông để nhận được sự đồng thuận từ các cổ đông còn lại trong xây dựng chiến lược phát triển không?

 

Sacombank và ANZ có chung một mối quan tâm là làm sao đảm bảo Sacombank sẽ trở thành một ngân hàng hàng đầu tại VN, việc đầu tư này chỉ mang lại lợi ích cho ANZ khi Sacombank phát triển thịnh vượng. Chính vì vậy, chúng tôi chỉ đưa ra đề xuất có lợi cho Sacombank.

 

Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng chúng tôi có thể phối hợp chặt chẽ và ăn ý với Hội đồng quản trị và Ban lãnh đạo của Sacombank để đảm bảo mang lại thành công. Trên thực tế, từ vài năm nay, ANZ và Sacombank đã có liên kết hoạt động trên cơ sở hai bên cùng có lợi và chúng tôi đã phối hợp khá tốt.

 

Nhiều ngân hàng nước ngoài khác cho rằng, tỷ lệ giới hạn 10% cho mỗi nhà đầu tư nước ngoài vào các ngân hàng cổ phần (tổng vốn đầu tư nước ngoài tối đa 30%) còn quá thấp và giảm ý nghĩa việc đầu tư, ông thấy điều này thế nào?

 

Đầu tư của các ngân hàng quốc tế như ANZ vào các ngân hàng nội địa chỉ có lợi cho ngành ngân hàng. Các ngân hàng quốc tế sẽ mang đến các sản phẩm và dịch vụ tiên tiến cũng như kỹ năng quản lý rủi ro và các chuẩn mực về quản trị điều hành.

 

Tôi cho rằng Chính phủ VN nên cho phép các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài được sở hữu hơn 10% cổ phần như hạn mức hiện này. Chỉ với 10% cổ phần thì nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẽ do dự khi đầu tư, bởi quyền lợi duy nhất họ được hưởng là chia lãi cổ tức từ 10% cổ phần. 

 

Nhưng nếu tỷ lệ trên là 30-49% thì đương nhiên họ sẽ đầu tư nhiều nguồn lực hơn nữa vào ngân hàng trong nước, vì vốn chủ sở hữu cao hơn sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho họ từ hoạt động có hiệu quả của các ngân hàng trong nước.

 

Như vậy, nếu được phép đầu tư hơn, ANZ sẽ đầu tư bao nhiêu vào Sacombank?

 

ANZ và Sacombank đã thoả thuận là khi quy chế cho phép, ANZ sẽ tăng phần sở hữu vốn cổ phần ở Sacombank lên 25-30%.

 

Tại sao lại không lớn hơn con số đó hoặc thậm chí tính tới chuyện chiếm cổ phần đa số nếu được phép, thưa ông?

 

Trong các ngân hàng nội địa hàng đầu tại VN, các cổ đông trong nước đóng vai trò quan trọng trong điều hành. Họ am hiểu thị trường trong nước, có nhiều mối quan hệ và kinh nghiệm, vì vậy họ có vai trò chủ chốt mang lại thành công cho ngân hàng.

 

Nếu một ngân hàng nước ngoài mua lại toàn bộ 100% một ngân hàng trong nước thì họ sẽ không có được những lợi thế này từ cổ đông. Vì vậy tôi tin rằng quan hệ hợp tác như ANZ và Sacombank đang làm là cách tốt nhất trong hoàn cảnh cụ thể của VN.

 

Theo Đầu tư