Anh vợ ông Trịnh Văn Quyết ngồi "ghế nóng", "họ" FLC đua tăng trần
(Dân trí) - Cổ phiếu "họ" FLC được mua vào rất mạnh và "đua" tăng trần trong phiên 4/7 sau khi đại hội đồng cổ đông bất thường của FLC đã bầu ra tân Chủ tịch là ông Lê Bá Nguyên.
VN-Index chưa đòi lại được mốc 1.200 điểm
Phiên giao dịch ngày 4/7, thị trường diễn biến tương đối bất lợi khi áp lực chốt lời càng về cuối phiên chiều càng mạnh. VN-Index giảm 3,37 điểm tương ứng 0,28% còn 1.195,53 điểm, vẫn chưa thể lấy lại được mốc 1.200 điểm. Dù vậy, nhìn vào độ rộng thị trường thì sàn HoSE vẫn có 228 mã tăng giá, 13 mã tăng trần so với 219 mã giảm, 5 mã giảm sàn.
Một phần nguyên nhân kéo lùi chỉ số đến từ việc VN30 có 16 mã giảm và theo đó, VN30-Index giảm 3,87 điểm tương ứng 0,31% còn 1.248,37 điểm, trong khi HNX-Index vẫn đạt trạng thái tăng 2,31 điểm tương ứng 0,83%. UPCoM-Index giảm 0,28 điểm tương ứng 0,31%.
Thanh khoản thị trường vẫn rất thấp, chỉ đạt 10.086,81 tỷ đồng giá trị giao dịch trên sàn HoSE; 813,9 tỷ đồng trên HNX và 437 tỷ đồng trên sàn UPCoM.
Dòng cổ phiếu ngành chứng khoán vẫn có diễn biến tích cực với việc chuẩn bị triển khai giao dịch lô lẻ (10 cổ phiếu) trong tháng 7 và rút ngắn quy trình giao dịch xuống còn T+2 trong tháng 8. Điều này kỳ vọng sẽ giúp thanh khoản thị trường được cải thiện và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư vào thị trường.
Trong phiên hôm nay, HCM tăng kịch trần lên 23.100 đồng; trong khi AGR cũng tăng áp sát mức trần, tăng 6,1%; VIX tăng 5,5%; CTS tăng 4,4%; VCI tăng 3,5%; BSI tăng 3,3%; VND tăng 3,2%.
Cổ phiếu ngành vật liệu và xây dựng cũng khởi sắc với kỳ vọng hoạt động giải ngân đầu tư công sẽ được giải ngân mạnh mẽ hơn trong nửa cuối năm nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. PTC tăng trần, FCN tăng 3,1%; LCG, HT1, HHV tăng 3%...
"Đua lệnh" cổ phiếu "họ" FLC
Trong khi thị trường giao dịch tương đối chật vật thì "họ" cổ phiếu FLC lại giao dịch rất sôi động và thăng hoa. Đà tăng tại nhóm này vẫn tiếp diễn sau khi tổ chức xong đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường nhằm kiện toàn nhân sự cấp cao sau khi ông Trịnh Văn Quyết và một số lãnh đạo chủ chốt khác bị bắt.
Thị giá FLC hiện đã đạt 6.200 đồng, ART là 5.000 đồng, KLF là 3.400 đồng, AMD là 3.190 đồng, ROS là 3.060 đồng. Các mã này đều trắng bên bán và dư mua giá trần trong phiên hôm nay. Dư mua giá trần tại FLC còn gần 6,7 triệu đơn vị và tại ROS là 5,5 triệu đơn vị.
Tại phiên họp bất thường diễn ra ngày 2/7 vừa rồi, ĐHĐCĐ FLC đã thống nhất bầu ra 5 thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) nhiệm kỳ 2021-2022, trong đó, tân Chủ tịch là ông Lê Bá Nguyên.
Ông Lê Bá Nguyên chính là anh ruột của bà Lê Thị Ngọc Diệp - vợ ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch FLC. Ông Nguyên có trình độ thạc sĩ chuyên ngành quản lý y tế, từng là Thành viên HĐQT tại FLC từ năm 2013 đến tháng 10/2017 và từ tháng 6/2018 đến tháng 6/2020. Ngoài ra, ông Lê Bá Nguyên cũng được biết đến với các chức vụ lãnh đạo doanh nghiệp như Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dịch vụ Y tế Hà Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Dược phẩm ATS.
Ngoài ra, tại phiên họp vừa qua, Tổng giám đốc Bùi Hải Huyền được bổ nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch thường trực; ông Đặng Tất Thắng đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch. Hai nhân tố mới xuất hiện trong HĐQT FLC nhiệm kỳ này là ông Doãn Hữu Đoàn và ông Lê Thái Sâm.
Ông Doãn Hữu Đoàn là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần An Khang Phú Thịnh, Thành viên HĐQT Công ty cổ phần Sách Đại học - Dạy nghề (HEV) và công tác tại Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS). Trước đó, ông Đoàn từng có thời gian làm việc tại Ngân hàng Á Châu (ACB) và Công ty Cổ phần Chứng khoán Vietcombank (VCBS).
Ông Lê Thái Sâm là Thành viên HĐQT độc lập của FLC nhiệm kỳ 2021-2026. Theo giới thiệu, ông Sâm có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản, thương mại dịch vụ, tài chính ngân hàng và có nhiều mối quan hệ hợp tác với các quỹ đầu tư, các tổ chức, tập đoàn kinh tế lớn.