1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Ảnh hưởng dịch Covid-19, thực phẩm dịp Tết có thiếu?

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Trước lo ngại dịch Covid-19 sẽ làm nguồn thực phẩm dịp cuối năm khan hiếm, đại diện Cục Chăn nuôi khẳng định, nguồn cung thực phẩm dịp cuối năm và Tết Tân Sửu 2021 vẫn đảm bảo.

Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, dự kiến, từ nay đến Tết Nguyên đán 2021, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi nhất là thịt, trứng sẽ tăng lên từ 5% đến 10%.

Tuy nhiên, với việc duy trì ổn định tăng quy mô chăn nuôi đại gia súc, gia cầm; tái đàn lợn sau dịch tả lợn châu Phi thực hiện tốt; dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ, về cơ bản thị trường dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 cung - cầu thực phẩm sẽ được đảm bảo ổn định, đặc biệt là cung ứng các nông sản chất lượng và an toàn và có nguồn gốc rõ ràng.

Theo Cục chăn nuôi, đến nay tổng đàn lợn của cả nước đã phục hồi trên 85% so với trước dịch tả lợn châu Phi xảy ra, đạt trên 27 triệu con. Trong quý 1 năm 2021, dự kiến sản lượng thịt lợn sẽ tiếp tục tăng. Áp lực với mặt hàng thịt lợn mặc dù vẫn còn nhưng sẽ không quá lớn như những tháng đầu năm 2020.

Liên quan đến câu hỏi, giá lợn hơi trên thị trường thời gian gần đây tăng cao, liệu có khan hiếm nguồn cung? ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi - cho biết: Ngoài nhu cầu thực phẩm dịp cuối năm và Tết Nguyên đán tăng cao, giá lợn phía Trung Quốc cao gần gấp đôi so với giá trong nước vì vậy vẫn còn tình trạng thương lái nhập khẩu lợn từ Thái Lan xong vận chuyển sang Trung Quốc bằng nhiều con đường. Vì vậy để đảm bảo và chủ động được nguồn cung thực phẩm trong nước phải tăng cường ngăn chặn triệt để tình trạng này.

Ảnh hưởng dịch Covid-19, thực phẩm dịp Tết có thiếu? - 1

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi.

"Có thông tin những doanh nghiệp nhập khẩu lợn từ Thái Lan về và chuyển đi Trung Quốc, trong đó có cả lợn ở trong nước. Chúng ta phải kiểm soát tốt việc này mới chủ động hoàn toàn được thực phẩm trong nước, mới cân đối được cung cầu" - ông Trọng cho biết.

Hiện nay, do sự chênh lệch giá cả lợn và sản phẩm từ lợn giữa Việt Nam và các nước láng giềng tương đối cao, nên hiện tượng buôn bán, vận chuyện trái phép lợn qua biên giới giữa Việt Nam và các nước, đặc biệt là việc vận chuyển lợn từ Việt Nam sang Trung Quốc khá phức tạp.

Điều này làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm như dịch tả lợn Châu Phi, lở mồm long móng, cúm lợn,… giữa các nước với Việt Nam. 

Để khẩn trương ngăn chặn tình trạng nêu trên, đồng thời ổn định giá cả thịt lợn tại thị trường trong nước, Bộ NN&PTNT đề nghị Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia), Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở, ngành, chính quyền các cấp triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp kiểm soát vận chuyển lợn và sản phẩm lợn ra, vào Việt Nam.

Ảnh hưởng dịch Covid-19, thực phẩm dịp Tết có thiếu? - 2

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến.

Về việc sản xuất vắc xin dịch tả lợn châu Phi, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, việc nghiên cứu sản xuất vắc xin dịch tả lợn châu Phi đang được nghiên cứu kỹ lưỡng với những phương pháp nghiên cứu hiện đại, đủ số mẫu chỉ tiêu theo dõi và đúng tiêu chuẩn quốc tế. Việc sớm đưa vắc xin vào sản xuất và thương mại hóa có ý nghĩa hết sức quan trọng không chỉ đảm bảo nguồn cung thực phẩm từ chăn nuôi mà còn là sinh kế của 2,5 triệu hộ chăn nuôi hiện nay.

"Đây là vắc xin rất quan trọng cho nên phải làm rất chặt chẽ các bước còn lại để khi công bố phải đảm bảo chặt chẽ các yêu cầu, tiêu chuyển kỹ thuật. Nếu có vắc xin chắc chắn rằng chăn nuôi lợn của Việt Nam còn có tốc độ phát triển nhanh hơn giai đoạn hiện nay" - ông Tiến nói.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm