Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, cổ phiếu lương thực bứt phá
Triển vọng xuất khẩu gạo từ nay đến cuối năm rất sáng, giá tăng cao do nhu cầu dự trữ lớn trước hiện tượng El Nino. Dù vậy, lãi suất tăng cao vẫn là rào cản bào mòn lợi nhuận doanh nghiệp gạo.
Cửa sáng
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết ngày 20/7, Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ ra thông báo về việc cấm xuất khẩu tất cả loại gạo trắng thường. Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, thị phần lên đến 40%. Do vậy, việc quốc gia này ban hành chính sách hạn chế hoạt động xuất khẩu gạo sẽ tác động đến thị trường thương mại gạo toàn cầu.
Là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới, Việt Nam được cho sẽ hưởng lợi trước việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo. Mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu 6-6,5 triệu tấn gạo, các thị trường lớn nhất gồm Phillippines và Trung Quốc.
Xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm đạt 4,27 triệu tấn, trị giá 2,3 tỷ USD; tăng 22,2% về khối lượng và tăng 34,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Giá gạo xuất khẩu bình quân ước đạt 539 USD/tấn, tăng 10,2% so với cùng kỳ và là mức cao nhất 10 năm qua.
Nguyên nhân khiến giá gạo tăng mạnh là nguồn cung gạo trên thế giới sụt giảm.
Theo phân tích của Ngân hàng Fitch Solutions - một tổ chức xếp hạng thống kê lớn của Mỹ, thị trường gạo toàn cầu sẽ thiếu hụt 8,7 triệu tấn trong niên vụ 2022-2023, mức cao nhất trong vòng 20 năm.
Sản lượng gạo giảm ở khắp nơi từ Trung Quốc, Pakistan đến Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) do tác động của xung đột Nga - Ukraine và thời tiết hủy hoại mùa màng.
Điều kiện này buộc nhiều quốc gia tăng mua gạo để dự trữ. Tại cuộc họp về xuất khẩu gạo đầu tháng 7, bà Bùi Thị Thanh Tâm, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cho biết xuất khẩu gạo đang rất thuận lợi, đặc biệt cuối năm bởi các thị trường lớn như Trung Quốc, Philippines, Maylaysia… vẫn mua mạnh.
Cổ phiếu gạo tăng giá
Phản ứng với những thông tin tích cực trên, cổ phiếu gạo đồng loạt tăng giá. Phiên ngày 24/7, cổ phiếu Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (mã chứng khoán: TAR) kịch trần lên 20.100 đồng/cổ phiếu, tăng 27% trong vòng nửa tháng.
Cổ phiếu Tập đoàn PAN (mã chứng khoán: PAN) cũng tăng gần hết biên độ lên 22.900 đồng/cổ phiếu, xét trong 1 tháng mang tỷ suất sinh lợi 14% cho nhà đầu tư.
Cổ phiếu Tập đoàn Lộc Trời (mã chứng khoán: LTG) leo dốc từ 30.600 đồng/cổ phiếu lên 38.000 đồng/cổ phiếu trong 1 tháng, mức sinh lợi 24%.
Mặc dù hưởng lợi từ xuất khẩu nhưng lợi nhuận của doanh nghiệp gạo vẫn còn nhiều yếu tố tác động, trong đó chi phí lãi vay ảnh hưởng không nhỏ.
Lãnh đạo Gạo Trung An đánh giá cơ hội phát triển trong năm nay lớn do công ty giữ vững được các đơn hàng đảm bảo được hoạt động sản xuất kinh doanh tốt hơn so với nhiều doanh nghiệp khác trên thị trường gặp khó khăn do thiếu hụt đơn hàng.
Dù vậy, vẫn có rất nhiều yếu tố bào mòn lợi nhuận. Giá gạo tăng nhưng giá lúa của nông dân bán ra cũng tăng làm chi phí sản xuất, giá thành tăng cao. Lãi suất ngân hàng dù giảm nhưng vẫn ở mức rất cao.
Công ty kinh doanh sản xuất gạo thuộc diện được Nhà nước hỗ trợ giảm lãi suất nhưng áp dụng vào thực tế có độ trễ. Ngoài ra, tình hình kinh tế khó khăn, biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng đến doanh nghiệp.
Năm nay, công ty này lên kế hoạch doanh thu 3.800 tỷ đồng, tương đương năm trước; lãi sau thuế 50 tỷ đồng, giảm 33%. Trong quý I, công ty báo cáo biên lợi nhuận gộp giảm và chi phí lãi vay tăng mạnh đã khiến lợi nhuận ròng giảm đến gần 70% xuống 8 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc của Lộc Trời, cho biết xuất khẩu gạo có tăng về lượng và giá. Tuy nhiên, mục tiêu chính của công ty là thu mua hết lượng lúa của bà con nông dân trong vùng nguyên liệu của Lộc Trời và bà con nông dân đang sử dụng giống và vật tư do Lộc Trời cung cấp.
Việc vay vốn ngân hàng khó khăn kèm lãi suất cao trong khi công ty ứng vốn cho bà con nông dân không lãi suất. Điều này khiến chi phí đầu tư cho nông dân sau đó mua lại lúa khi thu hoạch, sấy và cung cấp cho công ty xuất khẩu - một dịch vụ Lộc Trời cung cấp cao. Do vậy, phần tăng lên từ giá và lượng xuất khẩu gạo không tác động trực tiếp.
Quý I, Lộc Trời báo lỗ ròng 81 tỷ đồng do chi phí lãi vay tăng mạnh từ 38 tỷ đồng lên 106 tỷ đồng và biên lãi gộp giảm từ 23,5% xuống 11%.
Triển vọng thị trường gạo ra sao?
Dự báo triển vọng ngành gạo từ nay tới cuối năm, một số công ty chứng khoán kỳ vọng giá có thể tăng do giá gạo tiếp tục tăng, nhiều đối tác có thể tìm nguồn hàng mới từ Việt Nam do đồng baht của Thái Lan tăng giá.
Trong bối cảnh thế giới thiếu hụt nguồn cung gạo thì Việt Nam lại có tình hình thủy văn ổn định trong năm 2022 với mưa nhiều và chuyển dần sang trung tính trong nửa đầu năm 2023, cho ra sản lượng ổn định. Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế (IGC) dự báo sản lượng gạo Việt Nam vẫn đạt 29 triệu tấn, cao hơn con số 20 triệu tấn của Thái Lan.
Ngoài ra, giá phân bón giảm dần giúp cải thiện biên lợi nhuận. Giá khí đốt (nguyên liệu đầu vào của phân bón) hạ nhiệt nhờ các nước châu Âu nới lỏng lệnh trừng phạt và mở cửa cho các nhà xuất khẩu phân bón Nga, mùa đông ở châu Âu dự báo ôn hòa hơn, Trung Quốc nới lỏng hạn ngạch xuất khẩu phân bón từ tháng 6/2022 giúp bổ sung nguồn cung phân bón trên thế giới.
Cuối cùng, lãi suất giảm và đi vào thực tiễn từ nửa cuối năm giúp giảm bớt áp lực chi phí tài chính cho các doanh nghiệp gạo. Đa phần doanh nghiệp gạo đều giảm mạnh lợi nhuận quý I do chi phí lãi vay tăng cao.
Theo Hà Ngân
Fica.vn