1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Alibaba chi 3,6 tỷ USD thâu tóm chuỗi bán lẻ hàng đầu Trung Quốc

(Dân trí) - Tập đoàn Alibaba Group Holding Ltd. dự kiến sẽ chi 3,6 tỷ USD nâng gấp đôi cổ phần và nắm quyền kiểm soát tại chuỗi đại siêu thị Sun Art Retail Group Ltd. của gia đình tỷ phú Pháp Mulliez.

Alibaba chi 3,6 tỷ USD thâu tóm chuỗi bán lẻ hàng đầu Trung Quốc - 1

Theo SCMP đưa tin hôm qua (19/10), Alibaba - công ty mẹ của sàn thương mại trực tuyến lớn nhất thế giới Taobao - sẽ chi 3,6 tỷ USD để tăng gấp đôi cổ phần nắm giữ tại Sun Art lên 72%.

Sun Art - nhà vận hành của các thương hiệu Auchan và RT-Mart- hiện có tổng cộng 484 đại siêu thị tại Trung Quốc tính tới cuối tháng 6. Tập đoàn này bắt đầu hợp tác chiến lược với Alibaba vào năm 2017 với việc bán 36% cổ phần cho Alibaba với giá 2,9 tỷ USD.

Theo đó, quyết định này của Alibaba được đánh giá góp phần củng cố mạng lưới phân phối và kho bãi khổng lồ với 484 đại siêu thị của Sun Art và giúp Alibaba đẩy mạnh mảng bán lẻ thực phẩm tươi và tạp hóa.

Giới quan sát nhận định, thương vụ này cho thấy tham vọng vươn tới những tiềm năng thương mại điện tử chưa được khai thác tại Trung Quốc của Alibaba. Từ đây, tập đoàn này tích cực mở rộng sang lĩnh vực bán lẻ truyền thống và bán lẻ tạp hóa nhằm tạo động lực mới cho thúc đẩy tăng trưởng tích hợp hóa thương mại điện tử và bán hàng truyền thống trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

“Đại dịch Covid-19 đang thúc đẩy mạnh mẽ xu hướng số hóa trong cuộc sống của người tiêu dùng và hoạt động của doanh nghiệp. Thương vụ với Sun Art củng cố tầm nhìn bán lẻ kiểu mới của chúng tôi và giúp chúng tôi phục vụ được nhiều khách hàng hơn với những trải nghiệm toàn diện”, Chủ tịch, CEO Daniel của Alibaba cho biết trong thông cáo.

Trong mảng này, Alibaba đang cạnh tranh ngày càng lớn từ các đối thủ như JD, công ty giao hàng trực tuyến Meituan hay các startup như Missfresh. Tất cả đều đang tham vọng giành được lợi thế thị phần trên thị trường bán lẻ thực phẩm được dự báo đạt giá trị 690 tỷ nhân dân tệ (103 tỷ USD) vào năm 2022, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2019.

Khi xu hướng trực tuyến tăng mạnh trong những năm gần đây, các cửa hàng tạp hóa nước ngoài đã phải vật lộn để tìm kiếm thành công tại thị trường Trung Quốc và có rất nhiều đã phải rút lui. Chuỗi siêu thị Tesco của Anh đã rời Trung Quốc vào đầu năm nay, sau khi nhà bán lẻ Đức Metro đã bán mảng kinh doanh tại Trung Quốc cho nhà bán lẻ địa phương Wumart vào năm ngoái. Cửa hàng tạp hóa của Pháp Carrefour đã bán bớt các cửa hàng của mình cho nhà bán lẻ Trung Quốc Suning.com vào năm 2019.

Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng cao, Sun Art có kế hoạch tập trung vào việc mở các cửa hàng nhỏ hơn và dựa trên cộng đồng vì người tiêu dùng hiểu biết về công nghệ đòi hỏi sự thuận tiện hơn trong mua sắm. Công ty dự kiến sẽ mở 30 cửa hàng mini trong năm nay, trên 10 đại siêu thị và 2-3 siêu thị tầm trung.

Alibaba chi 3,6 tỷ USD thâu tóm chuỗi bán lẻ hàng đầu Trung Quốc - 2
Alibaba đang cố gắng vươn tới những tiềm năng thương mại điện tử chưa được khai thác của Trung Quốc. Ảnh: SCMP

“Thương vụ trên cho thấy Alibaba đang muốn mở rộng hơn nữa dịch vụ giao hàng thực phẩm một giờ như Taoxianda, với việc tận dụng mạng lưới đại siêu thị trải khắp Trung Quốc của Sun Art”, nhà phân tích Kevin Kim của Bloomberg Intelligence nhận định.

Giá cổ phiếu của Sun Art tăng tới 30% đầu phiên giao dịch ngày 19/10, mức tăng trong phiên lớn nhất kể từ năm 2011.

Theo dữ liệu của Euromonitor, siêu thị ngoại tuyến và ngành đại siêu thị của Trung Quốc đạt doanh thu bán lẻ 4,7 nghìn tỷ nhân dân tệ vào năm 2019, chiếm khoảng một nửa tổng doanh số bán hàng tạp hóa.

Doanh số bán hàng tạp hóa trực tuyến đã mở rộng nhanh chóng trong năm nay ở Trung Quốc do lệnh phong tỏa xã hội vì đại dịch Covid-19. Doanh số bán thực phẩm trực tuyến tăng 35% trong 8 tháng đầu năm 2020, trong khi doanh số bán lẻ trực tuyến tổng thể tăng 10% lên 7 nghìn tỷ nhân dân tệ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm