Ai sẽ quản khối tài sản tỷ đô tại 22 sân bay trong nước?
Có phương án quản lý, sử dụng hệ thống kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư tại 22 cảng hàng không sẽ nâng hiệu quả khai thác khối tài sản hàng chục ngàn tỷ đồng này.
Xướng tên ACV
Những rắc rối liên quan đến việc quản lý, khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư tại 22 cảng hàng không kéo dài suốt 6 năm qua nhiều khả năng đi đến hồi kết.
Tại Công văn số 7824/VPCP - CN ngày 18/9/2020, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) khẩn trương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu phương án quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại Thông báo số 99/TB-VPCP ngày 16/3/2020 của Văn phòng Chính phủ.
“Trong thời gian chưa xác định được giá trị tài sản để thực hiện theo hình thức đầu tư tăng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Giao quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư, quản lý theo phương thức không tính thành vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định tại Điều 27, Nghị định số 44/2018/NĐ-CP ngày 13/3/2018 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không”, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo.
Cũng tại Công văn số 7824, Phó thủ tướng đã giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ: GTVT, Tài chính có ý kiến về pháp lý đối với Dự thảo Quyết định của Bộ GTVT về Đề án Giao quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư, quản lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/9/2020.
Trước đó, Bộ GTVT đã có Công văn số 8165/BGTVT - KCHT báo cáo Thủ tướng về việc hoàn thiện Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án.
Tại công văn này, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng phê duyệt Đề án, giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư, quản lý theo hình thức không tính thành phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đến hết 31/12/2025 để Bộ GTVT có cơ sở triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng kiến nghị Thủ tướng cho phép Bộ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu phương án quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư, quản lý theo ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại Văn bản số 99/TB-VPCP theo hướng giao ACV thực hiện đầu tư, cải tạo, nâng cấp, mở rộng tài sản kết cấu hạ tầng hàng không; trong đó có nội dung báo cáo cấp có thẩm quyền hướng dẫn chi tiết Điều 99, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Theo ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT, đây là dự thảo đã được tiếp thu ý kiến các bộ, ngành, đặc biệt là tiếp thu toàn bộ ý kiến của Bộ Tài chính về Dự thảo Quyết định phê duyệt Đề án giao quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư.
Được biết, tại Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Giao quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư, quản lý, Bộ GTVT cũng đề xuất cơ chế thực hiện quản lý bảo trì, sửa chữa tài sản kết cấu hạ tầng hàng không.
Theo phương án do Bộ GTVT kiến nghị, kinh phí bảo trì, sửa chữa tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do doanh nghiệp được giao chịu trách nhiệm thực hiện bằng nguồn thu từ khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không.
Căn cứ vào tình trạng kỹ thuật của công trình kết cấu hạ tầng hàng không, quy trình bảo trì, định mức kinh tế - kỹ thuật, các quy định hiện hành của nhà nước, ACV lập kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng hàng không hàng năm trình Cục Hàng không Việt Nam thẩm định, báo cáo Bộ GTVT phê duyệt.
ACV có trách nhiệm tổ chức xây dựng giá, đơn giá công tác bảo dưỡng thường xuyên kết cấu hạ tầng hàng không, trình Bộ GTVT phê duyệt. Trên cơ sở phương án giá được duyệt, ACV tổ chức và lựa chọn đơn vị thực hiện công tác bảo dưỡng tài sản kết cấu hạ tầng hàng không theo quy định. Đơn vị này cũng sẽ chịu trách nhiệm công tác nghiệm thu, giám sát, quản lý chất lượng, thanh toán, quyết toán.
Giải pháp tối ưu
Trong Văn bản số 8487/BTC-QLCS ngày 13/7/2020, tham gia ý kiến về Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án, lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng, bản chất của cơ chế thực hiện quản lý bảo trì, sửa chữa tài sản kết cấu hạ tầng hàng không mà Bộ GTVT đề xuất là ACV được để lại một phần kinh phí thu được từ việc khai thác phần tài sản kết cấu hạ tầng hàng không được giao quản lý (thu dịch vụ cất, hạ cánh và các dịch vụ có liên quan khác) để thực hiện nhiệm vụ bảo trì hệ thống tài sản kết cấu hạ tầng hàng không, nhằm duy trì tình trạng kỹ thuật của tài sản, bảo đảm hoạt động bình thường và an toàn khi sử dụng.
Do ACV được thu các khoản thu từ khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không đối với một số dịch vụ chuyên ngành hàng không theo quy định của pháp luật (mức thu giá dịch vụ cất, hạ cánh) nên Bộ Tài chính đề nghị Bộ GTVT rà soát lại mức thu đang áp dụng trong điều kiện tài sản kết cấu hạ tầng hàng không sẽ được giao cho ACV quản lý theo Đề án trong giai đoạn 2021 - 2025.
Ngoài những tài sản đã được tính vào giá trị của các doanh nghiệp như nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa, sân đỗ máy bay (vào ACV), tháp không lưu (vào Tổng công ty Đảm bảo an toàn bay Việt Nam), các hangar sửa chữa máy bay (vào Vietnam Airlines)… kết cấu hạ tầng hàng không tại Việt Nam còn bao gồm tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước quản lý. Trong số này, đáng chú ý là kết cấu hạ tầng, trang thiết bị tại 21 cảng hàng không, sân bay đã không được tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa ACV thời điểm tháng 6/2014 và hiện thuộc Bộ GTVT như đường cất, hạ cánh, đường lăn, máy móc, thiết bị phục vụ trực tiếp hoạt động bay.
Đây là những khối tài sản thiết yếu, đặc biệt quan trọng, có giá trị lớn, nhưng lại không sinh lời hoặc sinh lời rất thấp.
Theo ACV, hệ thống tài sản kết cấu hạ tầng hàng không tại 22 sân bay do Nhà nước đầu tư có giá trị khoảng 8.550 tỷ đồng (chưa tính hệ thống đường cất, hạ cánh tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đang được đầu tư cải tạo với giá trị hơn 4.000 tỷ đồng), bao gồm hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn, hệ thống hỗ trợ hạ cánh chính sách, đèn tín hiệu, biển báo, tường rào trạm gác, trạm biến thế, máy phát điện, xe cắt cỏ, xe quét đường băng…; vật tư thiết bị dự phòng trị giá 2.785 tỷ đồng; hệ thống khí tượng hơn 380 tỷ đồng.
Trước khi thực hiện cổ phần hóa ACV, các tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước quản lý nằm trong giá trị tài sản của ACV. Đơn vị này chịu trách nhiệm đầu tư, quản lý, khai thác theo quy định của Luật Doanh nghiệp và pháp luật liên quan bằng nguồn vốn của ACV. Song, sau cổ phần hóa ACV, việc thực hiện công tác bảo trì, đầu tư nâng cấp, mở rộng khối tài sản này gặp nhiều khó khăn.
Trong khi Nhà nước phải chật vật lo vốn để bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng hàng không, đặc biệt là hệ thống đường cất, hạ cánh tại 22 cảng hàng không, thì dù dư thừa hơn 20.000 tỷ đồng tiền mặt trong tài khoản, nhưng ACV (hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ năm 2015) lại không thể ứng vốn để sửa chữa bởi những quy định chặt chẽ của Luật Đầu tư công.
Điều đáng báo động là hiện nay, nhiều đường cất, hạ cánh, đường lăn tại cảng hàng không đã vượt tần suất khai thác so với thiết kế ban đầu, xuất hiện hư hỏng lớn, có nguy cơ uy hiếp an toàn bay và có thể dẫn tới phải đóng cửa đường băng bất cứ lúc nào.
Theo ông Phạm Văn Hảo, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cơ quan chủ trì soạn thảo Đề án, Cục đã phân tích ưu, nhược điểm của các phương thức khai thác, đồng thời nghiên cứu, xem xét, cân nhắc đến khả năng của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không. Thời điểm hiện nay, Cục Hàng không Việt Nam chưa đủ nguồn lực để thực hiện phương án khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không theo quy định.
Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam nhấn mạnh, việc giao ACV quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không, nhưng không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có ưu điểm là phù hợp với pháp luật hiện hành, đảm bảo quy định về “Người khai thác cảng hàng không” theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế và nguyên tắc “mỗi cảng hàng không, sân bay có một người khai thác”, đồng thời đảm bảo tính sẵn có và kế thừa bộ máy năng lực, kinh nghiệm của ACV.
Đặc biệt, giao ACV sẽ giúp đảm bảo không tăng gánh nặng cho ngân sách nhà nước, do việc đầu tư được thực hiện bởi ACV trên cơ sở nguồn thu từ hoạt động khu bay và nguồn tiền ứng trước của ACV được hoàn trả lại thông qua nguồn thu từ hoạt động khu bay trong khoảng thời gian nhất định.
“Điều này đặc biệt quan trọng khi mà nguồn thu từ hoạt động khai thác khu bay hiện nay chỉ đủ bù đắp chi phí hoạt động thường xuyên chứ chưa đủ để đầu tư, nâng cấp trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách ngày một hạn chế…”, ông Hảo cho biết.