1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Ai cũng sợ trách nhiệm, mua bán nợ xấu "ách tắc"

(Dân trí) - Tính đến nay, VAMC mới chỉ thực hiện mua vào được 2% trong khoảng 52.000 tỷ đồng (tương ứng 2,4 tỷ USD) nợ xấu các ngân hàng kể từ năm 2013.

Ách tắc trong giải quyết nợ xấu đang ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Ách tắc trong giải quyết nợ xấu đang ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

* Myanmar muốn học Việt Nam kinh nghiệm về chứng khoán

* Gần 60% sản lượng điện của EVN là mua ngoài

* VAMC sắp được bán nợ xấu giá rẻ
* Ngân hàng tan giấc mộng vàng

Trong một bài báo đăng tải trên Bloomberg ngày 8/8, hãng tin này cho biết, Chính phủ Việt Nam có thể sẽ thay đổi nguyên tắc nhằm đẩy nhanh hoạt động bán nợ xấu - vốn đang gây trở ngại cho tăng trưởng kinh tế.
 
Trao đổi với Hãng tin Mỹ, ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội nói, "ở thời điểm hiện tại, dường như ai cũng sợ phải chịu trách nhiệm sẽ gây thiệt hại cho nhà nước, và vì vậy, không ai dám đưa ra quyết định nào để bán khoản nợ với giá rẻ". Theo ông Kiên, "do vậy, các cơ quan Chính phủ đang thảo luận đến việc thay đổi những quy định hiện hành nhằm đẩy nhanh tốc độ bán nợ xấu".
 
Ông Kiên cho biết thêm, điểm mới ở đây là VAMC sẽ được bán nợ với mức giá thấp nhằm thu hút nhà đầu tư. Kể từ khi được thành lập cho đến nay, VAMC đã giải quyết được 996 tỷ đồng nợ xấu song không cho biết số nợ xấu đã được bán ra sao.
 
Theo đánh giá của Bloomberg, Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc giải quyết vấn đề nợ xấu. Đây được coi là nguyên nhân làm méo mó dòng chảy tín dụng và khiến tình hình doanh nghiệp trở nên khó khăn hơn.
 
Tính đến nay, Công ty Quản lý tài sản quốc gia (VAMC) mới chỉ thực hiện mua vào được 2% trong khoảng 52.000 tỷ đồng (tương ứng 2,4 tỷ USD) nợ xấu các ngân hàng kể từ năm 2013. 
 
Trong khi đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày hôm qua đã cảnh báo rằng, tăng trưởng kinh tế năm nay có thể sẽ không thể đạt được mức mục tiêu 5,8% nếu như các cấp các ngành không nỗ lực thực hiện những biện pháp, kế hoạch đã đề ra. Thậm chí, con số này có thể giảm xuống tới mức 5,25%.
 
Đến hết tháng 6/2014, tỷ lệ nợ xấu của Việt Nam được cho biết ở mức 4,84% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Tuy nhiên, trong một báo cáo phát hành ngày 15/7, Standard & Poor's lại cho rằng, nợ xấu thực tế của Việt Nam có thẻ cao hơn đáng kể so với con số báo cáo do việc phân loại nợ hiện tại không phù hợp với tiêu chuẩn phân loại của quốc tế.
 
Trao đổi với Bloomberg, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, tăng trưởng kinh tế có khả năng sẽ thấp hơn dự kiến và chỉ ở mức khoảng 5,6% giữa bối cảnh doanh nghiệp gặp khó khăn.
 
Thêm vào đó, sự cố phát sinh tại một số khu công nghiệp do người dân phản đối Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép tại vùng biển Việt Nam hồi tháng 5 phần nào cũng đã ảnh hưởng đến thu hút FDI của Việt Nam.
 
Vốn đăng ký FDI vào Việt Nam trong nửa đầu năm nay đã giảm tới 35% xuống còn 6,85 tỷ USD. Tuy nhiên, nguồn vốn FDI được giải ngân lại tăng 0,9% so với cùng kỳ, đạt 5,75 tỷ USD.
 
Ngày hôm qua, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp cũng cho biết rằng, cơ quan này đang xem xét nới lỏng một số loại thuế xuất - nhập khẩu để hỗ trợ doanh nghiệp. "Chúng tôi đang tìm kiếm các giải pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp cắt giảm được chi phí và đối phó với những khó khăn của tăng trưởng kinh tế" - ông Nghiệp cho hay.
 
Bích Diệp
Theo Bloomberg
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm