1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

ADB chưa đưa đường sắt số 3 Hà Nội vào danh mục tài trợ vốn

(Dân trí) - Ngay sau khi Hà Nội có đề xuất đưa dự án đường sắt đô thị số 3 đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai (đường sắt số 3 kéo dài) vào chương trình vay và sử dụng vốn vay ưu đãi (ODA) của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã có ý kiến phản hồi.

Theo đó, Bộ KH&ĐT khẳng định, trong biên bản ghi nhớ của Đoàn Chương trình ADB tháng 4/2017, ADB chưa đưa dự án đường sắt số 3 vào Danh mục dự án dự kiến tài trợ cho Việt Nam giai đoạn 2018 - 2020.

Chính vì vậy, theo Bộ KH&ĐT, Hà Nội cần tiếp tục làm việc với ADB và các nhà đồng tài trợ khác để làm rõ khả năng thu xếp vốn cho dự án, làm cơ sở để Bộ KH&ĐT tiến hành thủ tục trình Chính phủ quyết định.

Bộ KH&ĐT cho biết, ADB chưa đưa dự án đường sắt số 3 kéo dài vào danh mục viện trợ giai đoạn 2018 - 2020.
Bộ KH&ĐT cho biết, ADB chưa đưa dự án đường sắt số 3 kéo dài vào danh mục viện trợ giai đoạn 2018 - 2020.

Được biết, ngay sau khi có đề xuất của Hà Nội, các Bộ như Tài chính, Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước đều đã có văn bản góp ý gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ KH&ĐT. Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tán thành với phương án xây dựng thêm đường sắt đô thị số 3 và số 2 theo quy hoạch của Hà Nội. Về cơ chế vốn cho dự án, Bộ GTVT cũng thống nhất với đề xuất của Hà Nội kiến nghị xin vay từ ADB và Nhật Bản .

Nói thêm về tuyến đường sắt số 3 Nhổn - ga Hà Nội đang được triển khai có chiều dài 12,5km, gồm 8,5 km trên cao và 4 km đi ngầm đi qua quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm. Công trình được khởi công tháng 9/2010, dự kiến hoàn thành vào tháng 9/2017. Tuy nhiên, đến nay đã phải lùi sang năm 2021, muộn hơn 4 năm so dự kiến.

Về vốn, đường sắt số 3 được vay vốn của Chính phủ Pháp, cơ quan phát triển Pháp AFD và các Ngân hàng châu Á, Ngân hàng châu Âu. Ban đầu, dự án có tổng mức đầu tư hơn 957 triệu Euro (gần 26.000 tỷ đồng). Tuy nhiên, sau 2 lần tăng chi phí và giá, đến nay dự án này đã đội vốn lên đến gần 1,28 tỷ Euro (gần 36.000 tỷ đồng).

Trước đó, cuối tháng 3/2017, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Doãn Toản đã ký văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, lựa chọn đề xuất Dự án metro số 2 đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình được sử dụng vốn vay ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản và Dự án metro số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai sử dụng vốn vay ADB.

Tổng vốn của 2 dự án trên là khoảng 53.000 tỷ đồng (2,3 tỷ USD) trong đó riêng dự án đường sắt số 3 ga Hà Nội - Hoàng Mai là 1,2 tỷ USD (tương đương 27.000 tỷ đồng). Trong đó, vốn vay nước ngoài hơn 1 tỷ USD (dự kiến ADB là 450 triệu USD, còn lại là các nhà đầu tư khác để chi cho các hạng mục xây dựng, thiết bị và tư vấn của dự án).

Ngay sau đó, ADB cũng đã tài trợ không hoàn lại 1,5 triệu USD để lập Báo cáo Nghiên cứu khả thi cho đoạn từ ga Hà Nội đến Hoàng Mai.

Tuyến đường sắt đô thị số 3 Trôi - Nhổn - ga Hà Nội - Hoàng Mai có chiều dài khoảng 26 km. Hiện nay đoạn từ Nhổn đến ga Hà Nội (chiều dài 12,5 km) đang được xây dựng. Việc tiếp tục thực hiện đầu tư xây dựng tuyến số 3, đoạn từ ga Hà Nội đến Hoàng Mai (phố Tam Trinh) dài 8 km để hoàn chỉnh toàn bộ tuyến số 3.

Hoàn thiện tuyến số 3, Hà Nội muốn kết nối giao thông từ phía Nam sang phía Tây Hà Nội nhanh chóng và thuận tiện.

Trong văn bản góp ý đề xuất Dự án Tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai, đề xuất sử dụng vốn vay của ADB, Bộ GTVT khẳng định, tuyến metro phía Tây này phù hợp với Quy hoạch phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

An Linh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm