Ả Rập và Nga với vòng xoáy cuộc chiến giảm giá dầu

(Dân trí) - Thị trường đang phải đối mặt với một tình huống chưa từng có - sự gia tăng nguồn cung khổng lồ kết hợp với sự sụt giảm nhu cầu do virus Corona.

Ả Rập và Nga với vòng xoáy cuộc chiến giảm giá dầu - 1

Ả Rập Saudi đã leo thang cuộc chiến giá dầu với Nga vào thứ Ba vừa qua, khi Aramco - công ty thuộc nhà nước này - cam kết cung cấp mức kỷ lục 12,3 triệu thùng mỗi ngày vào tháng tới, một sự gia tăng lớn để dầu của Ả Rập tràn ngập thị trường.

Việc tăng cung, cao hơn 25% so với lượng sản xuất tháng trước cho thấy công ty này thậm chí đang sử dụng cả hàng tồn kho chiến lược của mình để đổ càng nhiều dầu thô vào thị trường, càng nhanh càng tốt.

Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng Alexander Novak nói rằng, Nga có khả năng tăng sản lượng thêm 500.000 thùng mỗi ngày. Điều đó sẽ đặt sản lượng của nước này có khả năng đạt 11,8 triệu thùng mỗi ngày - cũng là một kỷ lục mới.

Jaafar Altaie, giám đốc điều hành của tập đoàn tư vấn Manaar có trụ sở tại Abu Dhabi cho biết: “Có một sự cạnh tranh khốc liệt đang diễn ra giữa Ả Rập Saudi và Nga. Họ đã sẵn sàng chiến đấu cho một cuộc chiến giá cả khá quyết liệt”.

Đó là những diễn biến mới nhất trong những gì được gọi là “một cuộc xung đột dai dẳng và cay đắng giữa hai đồng minh cũ”.

Các thành viên khác của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC cũng theo sau, với việc Iraq nói rằng, họ sẽ tăng tới 350.000 thùng mỗi ngày vào tháng tới và Nigeria thêm khoảng 100.000 thùng nữa, mỗi ngày.

Thị trường đang phải đối mặt với một tình huống chưa từng có - sự gia tăng nguồn cung khổng lồ kết hợp với sự sụt giảm nhu cầu do virus Corona.

Hôm thứ Hai vừa rồi, dầu thô giảm gần 25%, mức giảm trong một ngày lớn nhất trong gần 30 năm, tạo ra tình trạng hỗn loạn trên thị trường vốn và trái phiếu toàn cầu.

Giá dầu tăng trở lại vào thứ ba và thứ tư, tiến lên cùng với sự gia tăng của chỉ số chứng khoán trên thị trường toàn cầu. Dầu thô Brent được giao dịch cao hơn 9,6% ở mức 37,64 USD / thùng vào lúc 11:39 sáng tại London.

Kết quả của cuộc chiến giá cả không những được quyết định bởi khả năng gây tổn thương của mỗi bên, mà còn là khả năng hấp thụ và chịu đựng cuộc chiến.

Ả Rập Saudi có khả năng gây tổn thương lớn hơn, nhờ vào khoảng 2 triệu thùng một ngày theo công suất sản xuất. Quốc gia này cũng có thể sử dụng các kho dự trữ dầu chiến lược của mình để tăng nguồn cung trong thời gian ngắn, theo những người trong ngành.

Tuy nhiên, Nga có thể có lợi thế phòng thủ. Điện Kremlin có thể sử dụng quỹ tài sản trị giá 150 tỷ USD của mình để bù đắp cho sự sụt giảm và tăng giá trị của đồng rúp. Các khoản dự trữ này đủ để trang trải doanh thu bị mất trong vòng 6 đến 10 năm, nếu giá dầu từ 25 đến 30 USD một thùng, Bộ Tài chính nước này cho biết.

Tại Ả Rập Saudi, nếu dầu thô Brent vẫn ở mức 35 USD mà không có sự điều chỉnh trong chi tiêu của chính phủ, vương quốc này sẽ thâm hụt gần 15% sản lượng kinh tế vào năm 2020, trong khi dự trữ ngoại tệ ròng có thể cạn kiệt trong khoảng vòng 5 năm trừ khi sử dụng nguồn tài trợ khác, theo Ngân hàng Thương mại ở Abu Dhabi.

Trong nhiều thập kỷ, thị trường dầu đã được điều tiết. Đầu tiên bởi người Mỹ, những người đặt ra hạn ngạch sản xuất cho các công ty của họ thông qua Ủy ban Đường sắt Texas trong nửa đầu thế kỷ 20, và sau đó bởi liên minh OPEC. Trong thời gian đó, Texas và sau đó OPEC đóng vai trò là nhà điều tiết, tăng sản lượng vào thời điểm khan hiếm và giảm vào thời điểm nhu cầu thấp hơn, để giữ giá ổn định.

“Chào mừng bạn đến với thị trường tự do”, Bob McNally, người sáng lập công ty tư vấn Rapidan Energy Group và một cựu quan chức Nhà Trắng nói. “Thế giới sắp sửa biết được tầm quan trọng của một nhà sản xuất điều tiết đối với sự ổn định, không chỉ đối với thị trường dầu mỏ toàn cầu mà cả nền kinh tế và địa chính trị rộng lớn hơn”.

Với nhu cầu dầu giảm nhanh chóng do tác động kinh tế của dịch Covid-19, việc tăng sản xuất của Saudi, theo sau có khả năng là Nga, có khả năng buộc các công ty dự trữ dầu thô, thay vì sử dụng chúng. Các thương nhân đã bắt đầu tìm kiếm những tàu ​​chở dầu để lưu trữ dầu thô.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế đầu tuần này cho biết, nhu cầu dầu toàn cầu sẽ giảm mạnh nhất trong năm nay kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009.

Sau khi phản ứng với tuyên bố leo thang dầu mỏ của Saudi, Bộ trường Nga, Novak đã nhắc lại câu nói của ông từ tuần trước: “Nga đã đóng cửa hợp tác với OPEC”.

Thùy Dung

Theo Bloomberg