1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

95% người mua và 73% người bán không thể nhận biết rau an toàn

(Dân trí) - Hiện có tới 95% người mua và 73% người bán buôn rau không thể nhận biết đâu là rau an toàn nếu không có sự hỗ trợ kỹ thuật. Thậm chí họ còn nhầm lẫn rau sạch tốt hơn rau an toàn, trong khi 2 khái niệm này không khác nhau mấy.

Theo một nghiên cứu gần đây của Fresh Studio, một công ty tư vấn thực phẩm của Hà Lan thực hiện từ năm 2012, mỗi ngày người Hà Nội tiêu thụ khoảng 2.600 tấn rau và lượng tiêu thụ này bằng một nửa lượng rau tiêu thụ hàng ngày của cả nước Hà Lan.
 
“Điều này cho thấy người Việt Nam, nhất là người Hà Nội rất thích rau và các món rau không thể thiếu trong các bữa ăn hàng ngày,” bà Sigrid Wertheim-Heck, đại diện của Fresh Studio nói.

Rau là món ăn không thể thiếu trong các bữa ăn của người Hà Nội
Rau là món ăn không thể thiếu trong các bữa ăn của người Hà Nội

Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy có tới 94% người tiêu dùng ở thủ đô lo ngại về vấn đề ATTP. Điều người tiêu dùng quan tâm nhất là các loại hóa chất sử dụng trong nông nghiệp.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 

4% rau có nhãn an toàn

Một cuộc khảo sát tiến hành năm 2012 tại 10 quận nội thành của Hà Nội cho thấy trong khi mọi người rất thích ăn rau và rất quan tâm đến VSATTP thì chỉ có 4% rau bán trên thị trường có dán nhãn nhận biết an toàn. Đa số các loại rau an toàn này được bày bán ở các siêu thị, số còn lại được bán ở các cửa hàng rau an toàn và các ki-ốt ở một số chợ.

Nguyên nhân của tình trạng trên là đa phần rau trên thị trường đều không có nhãn hiệu nhận biết. Người tiêu dùng thường có thói quen mua sản phẩm ở nơi gần nhất và mua trên đường đi làm về, mua theo kiểu “tiện thể” thay vì đi vào siêu thị hay đến các cửa hàng rau an toàn để mua rau.

“Sự tiện lợi ở Việt Nam quả thực là niềm mơ ước đối với những người Hà Lan chúng tôi vì các bạn có thể mua rất nhiều thực phẩm sẵn có ngay gần nhà,” bà Sigrid cho biết.

Đa số người tiêu dùng có thói quen mua rau ở chợ và mua theo kiểu tiện thể
Đa số người tiêu dùng có thói quen mua rau ở chợ và mua theo kiểu "tiện thể"

Hiện nay người tiêu dùng chủ yếu nhận biết đâu là rau an toàn thông qua biển hiệu của các cửa hàng. Tuy nhiên nhiều điều ghi trên biển hiệu khiến người tiêu dùng nhầm lẫn: rau sạch, rau an toàn, rau hữu cơ… và người tiêu dùng không thể kiểm chứng có thực sự an toàn không. Nhiều người tiêu dùng còn tin vào rau sạch hơn là rau an toàn trong khi đó hai khái niệm này không khác nhau mấy. Điều này càng làm cho họ khó nhận biết đâu là rau an toàn. Có tới 95% người mua và 73% người bán buôn rau không thể nhận biết đâu là rau an toàn nếu không có sự hỗ trợ kỹ thuật.

Nói một đằng… làm một nẻo

Người tiêu dùng đang mâu thuẫn giữa chính lời nói và hành động của họ. Nghiên cứu này cho thấy 70% người tiêu dùng tin tưởng vào chứng nhận an toàn thực phẩm nhưng có tới 96% người tiêu dùng đang mua rau ở chợ và không tin vào nhãn rau an toàn. Có 20% người tiêu dùng tin vào khả năng nhận biết rau an toàn của mình dựa vào vẻ bề ngoài của rau, nhưng đa số họ lại tin vào lời khuyên của những người bán rau quen thuộc. Trong khi đó, 10% người tiêu dùng tin vào lời khuyên của người quen hoặc người bán rau quen thuộc thì họ lại kiểm tra vẻ bề ngoài của rau để xem có phải là rau an toàn không.

“Việc người tiêu dùng tin vào lời nói của người bán hàng và không tin vào nhãn mác của các sản phẩm rau an toàn gây khó khăn cho việc phát triển rau an toàn,” bà nói.

Người thu nhập thấp không có tiếp cận với rau an toàn
Người thu nhập thấp không có tiếp cận với rau an toàn

Có một thực trạng là những người thu nhập thấp thường không mua rau ở những nơi bán rau an toàn. Có tới 40% dân số ở Hà Nội không có tiếp cận với rau an toàn.

“Quyền có được rau an toàn là một trong những quyền con người. Không có lý do gì người có thu nhập thấp lại không được tiếp cận với rau an toàn,” bà cho biết.

Nghiên cứu cho thấy chi tiêu cho rau của những người thu nhập thấp không thấp hơn chi tiêu của người thu nhập cao. Những người thu nhập thấp ở Hà Nội chi dùng tổng cộng khoảng 4 triệu USD (khoảng 84,46 tỷ đồng)/ngày cho thực phẩm, trong đó có khoảng 600.000 USD (khoảng 12,7 tỷ đồng) chi dùng cho rau.

 “Người ta thường nói đến rau không an toàn là do dư chất BVTV nhưng trên thực tế việc bày bán rau cạnh thịt, đựng thịt và rau chung một túi hoặc cách sơ chế rau không đảm bảo cũng ảnh hưởng đến an toàn rau,” bà khẳng định.

Theo bà, một trong những cách đảm bảo VSATTP với rau là phải rửa rau thật kỹ. Tuy nhiên những người mua rau an toàn về thường có xu hướng rửa rau không kỹ so với rau thông thường và đây quả là sai lầm.

Để đảm bảo VSATTP với rau đòi hỏi cam kết của tất cả các thành viên tham gia vào chuỗi cung ứng từ người sản xuất, sơ chế, đóng gói, bán và tiêu dùng rau, chứ không chỉ đơn thuần là trách nhiệm của nông dân.

Việc người tiêu dùng ủng hộ sử dụng các loại rau có nhãn mác sẽ kích thích việc phát triển và mở rộng diện tích rau an toàn và giúp hạ giá thành sản phẩm.

Thảo Nguyên

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm